Phạm Hùng
Đồng chí Phạm Hùng là tấm gương sáng về lối sống giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho mọi thế hệ người Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn nêu cao tinh thần yêu nước; đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống chân thành, gần gũi và yêu thương đồng chí, đồng bào. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về người lãnh đạo tài năng, mẫu mực có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của Đảng và cách mạng Việt Nam qua các thông tin dưới đây của loiphong.vn
1. Phạm Hùng là ai? Tiểu sử đồng chí Phạm Hùng
Phạm Hùng là ai? Tiểu sử đồng chí Phạm Hùng
Phạm Hùng tên khai sinh là Nguyễn Văn Thiện, bí danh Hai Hùng sinh ngày 11/6/1912. Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Với lòng yêu nước sâu sắc và sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Phạm Hùng đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, nhanh chóng dấn thân vào con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao tinh thần cách mạng, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho đất nước, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng.
2. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng
2.1. Tham gia hoạt động chống Pháp
Từ nhỏ, Phạm Hùng theo học ở trường làng, sau đó lên bậc tiểu học thì học ở trường tiểu học Vĩnh Long. Từ năm 1927 - 1930, ông tiếp tục học bậc trung học tại Mỹ Tho. Trong không khí sục sôi yêu nước của tuổi trẻ sau đám tang cụ Phan Châu Trinh và phong trào phản kháng thực dân Pháp kết tội và quản thúc cụ Phan Bội Châu, Phạm Hùng sớm được giác ngộ cách mạng, dấn thân vào con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Ngày 20/10/1930, do tham gia vào những hoạt động yêu nước và cách mạng, đồng chí Phạm Hùng bị Thống đốc Nam Kỳ ra quyết định đuổi học khi đang học năm thứ tư ở trường trung học Mỹ Tho.
Cùng năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ trường học và hoạt động qua các cấp chi ủy xã, huyện ủy, tỉnh ủy Mỹ Tho.
Tháng 6/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc. Trong lao tù, Phạm Hùng tiếp tục tổ chức cho tù nhân đấu tranh chống thực dân Pháp, phong kiến.
Tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp
Ngày 20/9/1932, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình tại tỉnh Mỹ Tho, kết án tử hình đồng chí và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Trước sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta và nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm án tử hình cho một số chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Đồng chí Phạm Hùng được giảm xuống án khổ sai chung thân, đi đày ở Côn Đảo từ ngày 17/1/1934.
Trong năm 1934, đồng chí được bổ sung vào chi ủy nhà tù Côn Đảo sau đó được cử làm Bí thư Đảo ủy. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Phạm Hùng đã chớp thời cơ, lãnh đạo anh em tù nhân giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất năm 1945.
Tháng 9/1945, đồng chí Phạm Hùng từ Côn Đảo trở về đất liền, hoạt động cách mạng ở Sóc Trăng. Tháng 10/1945, được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ, phụ trách Giám đốc Quốc gia Tự vệ quốc.
Năm 1947, được cử làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ
Năm 1948, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Trưởng đoàn Đại biểu Đảng bộ Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ và chuẩn bị cho Đại hội II của Đảng
Tháng 6/1950, đồng chí Phạm Hùng trở lại miền Nam và được Xứ ủy cử phụ trách Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tháng 2/1951, được bầu vào ban chấp hành trung ương Đảng
Tháng 3/1953, được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Phân liên khu ủy miền Đông kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông Nam Bộ.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ lặp lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng chí Phạm Hùng được cử làm Tổng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp kháng chiến Nam Bộ.
Năm 1955, Phạm Hùng được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Uỷ ban kiểm soát quốc tế tại Sài Gòn và mang hàm Đại tá.
2.2. Lãnh đạo cách mạng miền Nam
Khi đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt nước ta lâu dài, Hiệp định Giơnevơ bị chúng xé bỏ, đồng chí Phạm Hùng được điều ra Hà Nội làm nhiệm vụ mới.
Tháng 9/1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được Đảng phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Từ đây về sau, qua các kỳ Đại hội III, IV, V, VI của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1957, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4/1958 , được cử làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cho đến cuối năm 1967. Trên cương vị này, đồng chí Phạm Hùng đã hết lòng chăm lo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam.
Tháng 7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II, đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ
Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II (4/1962)
Tháng 6/1964, tại Kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa III tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính Phủ, phụ trách kinh tế, tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương.
Tháng 7/1967, sau khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục đột ngột từ trần, đồng chí Phạm Hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cử vào chiến trường miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang giai đoạn quyết định.
Từ lãnh đạo tổ chức sản xuất sang đảm nhận nhiệm vụ tổ chức chỉ huy chiến đấu, đồng chí Phạm Hùng đã rất nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, chỉ đạo đấu tranh. Ngay sau khi vào miền Nam, đồng chí đã cùng Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo việc chuẩn bị tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam. Chiến thắng Mậu Thân 1968 của quân và dân Việt Nam đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ nước ta.
Sau đòn tấn công chiến lược Tết Mậu Thân, đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Cục đã chỉ đạo sát sao việc tổ chức Đại hội quốc dân toàn miền Nam, bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - đại diện cho nhân dân miền Nam ở cuộc đàm phán tại Pari.
Khi Mỹ tiến hành chiến lực Việt Nam hóa chiến tranh, đồng chí cùng Trung ương Cục chỉ đạo quân và dân Nam Bộ đánh bại từng bước chiến lược của Mỹ đặc biệt là đập tan âm mưu bình định lấn chiếm của địch trên địa bàn Tây Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trước thắng lợi to lớn và toàn diện của ta, tháng 1/1973, Mỹ buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đồng chí Phạm Hùng đã triệu tập Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 12 sau Hiệp định Pari được ký kết để quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị phân tích tình hình, nêu rõ âm mưu của đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Từ đó, đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam đó là tiếp tục đấu tranh toàn diện trên các mặt trận, buộc Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam.
Lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc Mỹ thắng lợi
Tháng 4/1975 sau thắng lợi của các chiến dịch Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến Dịch. Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân và dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch lịch sử.
Sáng 30/4/1975, khi nghe tin Tổng thống Sài Gòn đề nghị với phía cách mạng ngừng bắn để thương lượng, Chính ủy Phạm Hùng đã ký và cho phát ngay bức điện hỏa tốc gửi đến các đơn vị trên chiến trường: “Địch đang dao động tan rã. Các cánh quân hãy đánh mạnh, tiến nhanh chiếm các mục tiêu đúng quy định. Hội quân tại Dinh Độc lập ngụy. Địch không còn có gì để thương lượng bàn giao. Chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Tiến lên! Toàn thắng!”
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
2.3. Thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công làm đại diện của Đảng và Chính phủ ở phía Nam. Tháng 11/1975, đồng chí dẫn đầu Đoàn đại biểu miền Nam cùng với đoàn Đại biểu miền Bắc do đồng chí Trường Trinh dẫn đầu đã họp hội nghị hiệp thương chính trị tại TP Hồ Chí Minh. Quyết định cần hoàn thành thống nhất Tổ quốc trên cơ sở độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa; quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước đề bầu Quốc hội chung thống nhất.
Đồng chí Phạm Hồng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Chính trị
Ngày 2/7/1976, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội thống nhất cả nước, đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1980, đồng chí còn kiêm Bộ trưởng bộ Nội vụ.
Tháng 6/1987, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, Quốc hội của thời kỳ đổi mới, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kế nhiệm đồng chí Phạm Hùng.
Trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6/1987 - 3/1988) đồng chí đã đưa đất nước vượt qua từng giai đoạn khó khăn, thử thách; đổi mới để tiến lên. Bằng trí tuệ và nhiệt tình cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Giữa lúc miền Bắc đang thiếu đói trầm trọng do mất mùa, đồng chí trực tiếp vào miền Nam tổ chức thu mua lúa gạo, vận chuyển ra miền Bắc cứu đói thì đột ngột mất vào ngày 10/3/1988, hưởng thọ 76 tuổi.
Đồng chí Phạm Hùng là người lãnh đạo, tổ chức tài giỏi của dân tộc; là người có tinh thần trách nhiệm cao, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng; đem hết sức lực, trí tuệ để hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí là tấm gương sáng về lối sống giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
3. Khu tưởng niệm Phạm Hùng
Khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được xây dựng vào năm 2000 tại ấp Long Thuận A - xã Long Phương- huyện Long Hồ- tỉnh Long An. Khu tưởng niệm rộng 3,2ha gồm nhà lễ tân, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày. Ngoài ra còn có 3 hạng mục ngoài trời gồm phòng biệt giam tại Côn Đảo, ngôi nhà làm việc của đồng chí tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) và căn phòng làm việc tại số 72 Phan Đình Phùng Hà Nội.
Khu tưởng niệm Phạm Hùng
Khu tưởng niệm Phạm Hùng do kiến trúc sư Nguyễn Phương Nam thiết kế. Hàng ngày, có rất nhiều du khách tới thăm quan, hành hương tưởng nhớ người lãnh đạo kiệt kiên trung - mẫu mực. Năm 2012, khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2015, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận Khu lưu niệm là địa điểm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị quốc tế đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương quốc tế khác. Tên của đồng chí được đặt cho nhiều tuyến phố, con đường trên khắp cả nước. Nếu có dịp đến Vĩnh Long bạn đừng quên ghé Khu tưởng niệm Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng nhé.