Hòa thượng Tuyên Hóa - Bậc Thầy Truyền Đạt Trí Tuệ và Từ Bi
Hòa Thượng Tuyên Hóa (1918–1995) là một bậc chân tu lỗi lạc, người đã có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo từ Đông sang Tây, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Với trí tuệ uyên bác và lòng từ bi vô lượng, Ngài đã giảng dạy những giáo lý sâu sắc của Phật giáo, giúp hàng nghìn người tìm thấy con đường giác ngộ và giải thoát. Cuộc đời của Hòa Thượng là một hành trình không ngừng nghỉ của sự cống hiến, hoằng pháp, và xây dựng nền tảng tâm linh vững chắc cho nhiều thế hệ tu học. Di sản tinh thần mà Ngài để lại tiếp tục tỏa sáng, lan tỏa sự bình an và từ bi cho đến với tất cả mọi người.
1. Hòa thượng Tuyên Hóa là ai?
Hòa thượng Tuyên Hóa sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ (tức ngày 26 tháng 4 năm 1918), tên khai sinh là Bạch Ngọc Thư; quê ở tỉnh Kiết Lâm, huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang, vùng Đông Bắc (ngày nay là Mãn Châu). Cha của Ngài tên là Phú Hải, làm nghề nông còn mẹ là người thuộc dòi dõi họ Hồ. Cha mẹ Ngài sinh được 8 người con, 5 trai và 3 gái, Ngài là con trai út trong nhà.
Mẹ của Hòa thượng Tuyên Hóa là một người sùng đạo Phật, ít nhiều cũng tác động đến Ngài nên khi còn nhỏ Ngài đã có ý định xuất gia. Cho đến khi mẹ qua đời, Ngài mới đến chùa Tam Duyên để kính lạy Lão Hòa thượng Thường Trí làm thầy, chính thức xuống tóc xuất gia. Khi đó, Hòa thượng Tuyên Hóa mới 19 tuổi.
Ngài đã tự phát nguyện giữ giới thanh tịnh và thực hành hạnh đầu-đà, tức là cuộc sống khắc khổ, đơn giản, với những giới luật nghiêm ngặt. Đặc biệt, Ngài còn phát nguyện hành trì việc lạy Phật 10.000 lạy mỗi ngày.
Sau khi xuất gia, Ngài trở về mộ phần của mẹ để làm lễ thủ hiếu trong 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, Ngài sống trong một túp lều nhỏ, tập luyện tọa Thiền mỗi ngày, tu tập Phật pháp.
2. Hành trình tu học và hoằng pháp của Hòa thượng Tuyên Hóa
Cuộc đời của Hòa Thượng Tuyên Hóa là một hành trình tâm linh đầy thăng trầm nhưng cũng hết sức phi thường. Ngài đã dành trọn đời mình để tu tập và hoằng dương Phật pháp, mang ánh sáng từ bi và trí tuệ đến khắp nơi trên thế giới.
2.1. Tu học và hành đạo ở Trung Quốc
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, năm 1946 Hòa thượng Tuyên Hóa đã đi xuống phía Nam để đến chùa Nam Hoa ở Tào Khê, tỉnh Quảng Đông để lễ bái Lão Hòa thượng Hư Vân và đi đến núi Phổ Đà để thọ Cụ Túc Giới. Trải qua hơn 3000 dặm di chuyển, Ngài đã bái kiến được Hòa thượng Hư Vân - bậc Đại thiện trí thức mà Ngài luôn ngưỡng mộ từ trước đến nay.
Vừa nhìn thấy Hòa thượng Tuyên Hóa, Lão Hòa thượng Hư Vân lúc ấy 109 tuổi liền nhận ra sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa thượng đã nói: “Như thị, như thị!” và Hòa thượng Tuyên Hóa cũng đáp lại “Như thị, như thị!”. Biết Ngài là bậc “pháp khí” Lão Hòa thượng đã ấn chứng sở đắc của sư, tặng pháp hiệu Tuyên Hóa. Đây chính là dấu mốc quan trọng của Hòa thượng Tuyên Hóa, chính thức trở thành vị tổ thứ chính của Quy Ngưỡng tông. Sau đó, Lão Hòa thượng Hư Vân đã dạy Ngài ở lại và đảm nhận chức Viện trưởng Viện Giới luật của chùa Nam Hoa.
Năm 1949, Hòa thượng Tuyên Hóa rời chùa Nam Hoa, lên đường sang Hương Cảng và sống trong một sơn động biệt lập. Một thời gian ngắn sau đó, đã có vô số tăng lữ từ Trung Hoa Đại Lục qua Hương Cảng tị nạn và cầu cứu sự giúp đỡ của Ngài. Ngay sau đó, Ngài đã rời khỏi sơn động, sáng lập nên Phật giáo Giảng Đường, chùa Tây Lạc Viên, Từ Hưng Thiền Tự và hỗ trợ xây dựng, trùng tu nhiều đạo tràng khác.
Ngoài ra, Hòa thượng còn có công lớn trong việc khuyến khích việc dịch các kinh điển Phật giáo sang tiếng Trung Quốc, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với giáo lý sâu sắc của Phật pháp.
2.2. Hành trình hoằng pháp tại Phương Tây
Năm 1961, Hòa thượng Tuyên Hóa sang Úc Châu hoằng pháp.
Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Hoa Kỳ; sống trong một ngôi nhà nhỏ và đã kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cơ duyên hoằng dương Đạo pháp chín muồi. Lúc đó, Ngài tự gọi mình là “Mộ Trung Tăng” (nhà sư trong phần mộ) hay “Hoạt Tử Nhân” (người đã chết nhưng còn sống).
Năm 1968, biết cơ duyên đã đến, Hòa thượng Tuyên Hóa nói: “Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh”. Mùa hè năm đó, Ngài đã chủ trì Pháp hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày liên tục. Khi Pháp hội kết thúc, đã có 5 người Mỹ xin xuất gia với Hòa thượng Tuyên Hóa. Từ đó, Ngài chủ trì nhiều Pháp hội khác để giảng giải Tâm Kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Pháp Hoa,...
Năm 1976, Hòa thượng Tuyên Hóa thành lập Vạn Phật Thánh Thành - nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật pháp tại Hoa Kỳ. Tại Thánh Thành, Hòa thượng cho xây dựng chế độ tùng lâm, đào tạo Tăng ni học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu thân. Ngài chủ trương tất cả các Phật tử cần phải đoàn kết với nhau, nên dung hợp Nam, Bắc tông. Nhờ đó, nhiều dịp truyền thọ Tam Đàn Giới tổ chức tại Vạn Thánh Thành là do cao tăng Đại thừa và Tiểu thừa chủ trì.
Năm 1973, Hòa thượng Tuyên Hóa thành lập Hội Phiên dịch Kinh điển (Buddhist Text Translation Society) tại đường Washington ở Cựu Kim Sơn.
Năm 1977, viện được sáp nhập vào trường Đại học Phật giáo Pháp giới với danh xưng là Học viện Phiên dịch Kinh điển Quốc tế.
Năm 1990, Ngài mở rộng và dời Viện về thành phố Burlingame ở phía nam của Cựu Kim Sơn. Khi Hội Phiên dịch Kinh sách được thành lập, Hòa thượng đã lập 4 phòng ban đặc biệt để điều hành công việc phiên dịch. Bốn phòng ban này cung ứng phương thức tuyệt hảo cho việc huấn luyện những người tham gia trong tiến trình phiên dịch.
Năm 1980, Hòa thượng thành lập Trung tâm Cứu tế Nạn dân - một tổ chức cứu trợ xã hội bất vụ lợi được Chính phủ Hoa Kỳ ủy quyền để cứu tế, cung cấp các lớp huấn luyện và đào tạo Anh ngữ. Đồng thời, giúp tái định cư người tị nạn từ Việt Nam, Lào, Campuchia tại Hoa Kỳ.
Năm 1986, Trung tâm Cứu tế Nạn dân đóng cửa theo quyết định của Chính phủ.
Năm 1987, Hòa thượng Tuyên Hóa chỉ đạo trường Đại Học Pháp giới tổ chức hội thảo tôn giáo quốc tế tại Vạn Phật Thánh Thành. Cùng năm, Ngài đã có buổi diễn giảng tại khóa hội thảo Phật giáo Cơ Đốc giáo Quốc tế lần thứ 3 tại Berkeley.
Năm 1989, Ngài được hội Quaker thỉnh mời đến Pendle Hill, Pennsylvania để thuyết pháp định kỳ cho trung tâm tu học.
Năm 1992, Hòa thượng là quý khách chủ trì pháp hội hằng năm của nhóm Vedanta Society.
2.3. Hòa thượng Tuyên Hóa “nhập diệt”
Ngày 7/6/1995, Hòa thượng Tuyên Hóa viên tịch tại Los Angeles, Hoa Kỳ; hưởng thọ 77 tuổi. Ngài đã trao lại cho các đệ tử 3 trách nhiệm quan trọng.
Thứ nhất, tiếp tục hoằng dương Phật pháp
Thứ hai, phiên dịch kinh điển Phật giáo
Thứ ba, hoàn mãn sự nghiệp giáo dục.
Tuân theo di huấn của Hòa thượng Tuyên Hóa, tứ chúng đệ tử tại các đạo tràng thuộc Tổng hội Phật giáo Pháp giới đều chuyên tâm trì tụng Kinh Hoa Nghiêm và niệm Phật trong suốt 49 ngày kể từ ngày Ngài viên tịch.
Ngày 12/6/1995, lễ nhập quan của Hòa thượng Tuyên Hóa được cử hành tại Long Beach Thánh Tự. Đến ngày 16/6, kim quan của Ngài được cung thỉnh về Vạn Phật Thành. Tại đây, lễ tri ân được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 28/7, tro cốt của Ngài được rải trên khắp Vạn Phật Thánh Thành đúng như lời di huấn của Ngài trước khi viên tịch.
3. 18 Đại nguyện của Hòa thượng Tuyên Hóa
Năm Hòa thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì thân mẫu Ngài tạ thế. Sau khi lo liệu chu toàn mọi việc, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân lạy Hòa thượng Thường Trí làm thầy, chính thức xuất gia. Không lâu sau đó, Ngài tới mộ phần của mẹ để thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày 19 tháng 6 âm lịch, Ngài đối trước Chư Phật và Bồ Tát mười phương phát Mười Tám Đại Nguyện:
“Kính lạy mười phương Chư Phật, cùng Tam Tạng Pháp,
Với Chư Hiền Thánh Tăng trong đời quá khứ và hiện tại,
Nguyện rũ lòng chứng giám :
Ðệ tử là Ðộ Luân, Thích An Từ,Con nay phát tâm,Chẳng vì cầu phước báu của hàng Trời, Người, cùng Thanh Văn, Duyên
Giác,Hay của hàng Bồ Tát Quyền Thừa, Mà phát Bồ Ðề Tâm.Nguyện cùng tất cả chúng sanh trong Pháp Giới,Ðồng thời
chứng đắc,A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề
1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới,
mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp
Giới, mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp
Giới, mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi
Chánh Giác.
5. Nguyện rằng nếu còn một Người ở trong mười phương thế giới chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh
Giác.
6. Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người hay A-tu-la, mà chưa thành Phật, thì con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
7. Nguyện rằng trong thế giới loài Súc sanh mà còn một kẻ chưa thành Phật, con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
8. Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ quỷ mà còn một kẻ chưa thành Phật, con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
9. Nguyện rằng nếu trong thế giới loài Ðịa ngục, mà còn một kẻ chưa thành Phật hoặc địa ngục chưa trống không, thì con
thề không giữ ngôi Chánh Giác.
10. Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu còn một ai đã từng quy y với con-dù là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động
vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, hoặc thần mà chưa thành Phật, con thề không giữ ngôi Chánh Giác.
11. Nguyện hồi hướng, bố thí khắp nơi mọi phước lạc mà con đáng được hưởng, cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.
12. Nguyện rằng một mình con sẽ nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong toàn Pháp Giới.
13. Nguyện rằng con sẽ phân linh thành vô số để phổ nhập vào tâm của những chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm
cho họ bỏ ác hướng thiện, sám hối tội lỗi, biết tự sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng đều được thành Phật.
14. Nguyện rằng chúng sanh nào thấy mặt con, hoặc chỉ nghe tên con, đều phát tâm Bồ-đề, chóng đắc thành Phật Ðạo.
15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy và thực hành mỗi ngày ăn một bữa vào lúc giữa trưa.
16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, nhiếp thọ rộng khắp các loài căn cơ.
17. Nguyện trong đời này con sẽ đắc Ngũ nhãn, Lục thông, phi hành tự tại.
18. Nguyện rằng tất cả nguyện trên đều được thành tựu viên mãn.
Và cuối cùng :
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Cuộc đời của Hòa Thượng Tuyên Hóa là một minh chứng sống động cho sự kiên trì và cống hiến, với mục tiêu duy nhất là giúp chúng sinh giác ngộ và đạt được sự giải thoát thông qua con đường Phật pháp. Ngài không chỉ là một người thầy tâm linh mà còn là biểu tượng của trí tuệ và từ bi, để lại một di sản tinh thần vô giá cho thế hệ mai sau.