Lôi Phong - Sản xuất và bán lẻ đồ thờ cúng như bàn thờ, đèn thờ, khung ảnh thờ, bàn thờ, tượng phật

Nguyễn Huệ

Thứ Sáu, 03/11/2023
Trần Xuân Bách

Nguyễn Huệ không chỉ là một anh hùng dân tộc mà còn là một nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng “bách chiến bách thắng”. Ông là một trong những nhân vật đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn giành thắng lợi, Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy hiệu là Quang Trung.

1. Nguyễn Huệ là ai?

Nguyễn Huệ là ai?

Nguyễn Huệ là ai?

Tổ tiên xưa của Nguyễn Huệ là họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Sau đó, có một chi dời vào huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Xuân. Theo các cụ ở Hưng Thái, Hưng Nguyên cho biết thì họ Hồ ở Hưng Thái hằng năm có sang Nghi Xuân nhận họ. Trong trận tấn công ra Bắc vào tháng 6/1655, quân Nguyễn chiếm được 7 huyện ở Nam sông Lam (Nghệ An), bắt dân đưa vào Đàng Trong khai hoang.

Sách cũ đều nói tổ bốn đời của Nguyễn Huệ cũng ở trong số những người di dân ấy, lúc đầu đến ở ấp Tây Sơn Nhất thuộc huyện Quy Ninh, phủ Quy Nhơn. Đến đời Nguyễn Phi Phúc (có sách ghi là Hồ Phi Phúc) mới dời đến ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn nay là làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Nghĩa Bình. Nguyễn Phi Phúc và vợ là Nguyễn Thị Đông sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ và một người con gái.

Nguyễn Huệ sinh năm 1753, tên hồi nhỏ là Thơm, sau gọi là Bình. Cả ba anh em đều theo học thầy Hiến - một nhà nho bất đắc chí vì phản đối chính sách hà ngược của Trương Phúc Loan nên đã bỏ trốn vào Quy Nhơn mở trường dạy học ở ấp Yên Thái.

Sinh ra và lớn lên giữa thế kỷ XVIII trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê, Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn; đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than, gian thần lộng hành. Thấy vậy, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa và nhanh chóng trở thành “trụ cột” của phong trào nông dân Tây Sơn, dẹp yên lạc loạn, chấm dứt những cuộc xâu xé quyền lực của tập đoàn phong kiến.

Nguyễn Huệ còn là nhà chính trị sáng suốt, từ mục tiêu trước mắt là đánh đổ chế độ áp bức Trịnh - Nguyễn đã vươn lên nhận thức được nhiệm vụ dân tộc là thống nhất đất nước, đánh đuổi ngoại xâm. Thành công về chính trị còn được thể hiện ở việc ông được nhân tài trong nước ủng hộ.

Ngày 25/11 năm Mậu Thân, trên đất Phú Xuân đã diễn ra sự kiện trọng đại, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Mùa thu năm Nhâm Tý (16/9/1792) Nguyễn Huệ mất. Đây là một tổn thất lớn cho phong trào Tây Sơn, cho dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII.

2. Nguyễn Huệ - Người anh hùng áo vải kiệt xuất của dân tộc

2.1. Cùng Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa

Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được biết đến với tên gọi là “Tây Sơn tam kiệt” - những nhà lãnh đạo tài ba của khởi nghĩa Tây Sơn. Trong giai đoạn đầu, Nguyễn Nhạc là người khởi xướng, cầm đầu và là thủ lĩnh. Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng anh tham gia vào việc chuẩn bị khởi nghĩa, trước hết là tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ trên Tây Sơn thượng đạo từ năm 1771.

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ là “Tây Sơn tam kiệt”

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ là “Tây Sơn tam kiệt”

Năm 1773, Nguyễn Nhạc mở cuộc tấn công xuống Tây Sơn hạ đạo, khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa vũ trang. Ngay trong năm đó, Nguyễn Nhạc đã hạ được thành Quy Nhơn, giải phóng cả một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi cho đến Bình Thuận. Cuối năm 1775, quân Tây Sơn làm chủ được vùng đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Từ đó, Nguyễn Nhạc dồn sức mở những cuộc tấn công quân Nguyễn ở Gia Định, giải phóng toàn bộ Gia định vào năm 1783.

Năm 1776, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự lập làm Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, mở rộng thành Đồ Bàn làm kinh đô gọi là thành Hoàng đế.

Trong giai đoạn này, Nguyễn Huệ là tướng lĩnh dưới trướng Nguyễn Nhạc nhưng đã thể hiện rõ tài năng và cống hiến của mình. Từ năm 1771 - 1783, Nguyễn Huệ cùng anh xây dựng lực lượng khởi nghĩa, trở thành tướng lĩnh tài ba của quân Tây Sơn. Trong bộ chỉ huy của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ giữ chức phụ chính. Trong triều Thái Đức, Nguyễn Huệ giữ chức Long Nhương tướng quân. Trong 5 lần quân Tây Sơn đánh chiếm Gia Định từ 1776 - 1783, Nguyễn Huệ chỉ huy 3 lần vào năm 1777, 1780 và 1783.

2.2. Tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh

Cuối chiến tranh xâm lược của quân Xiêm 1784 và quân Thanh 1788 trở thành mối đe dọa từ hai phía Nam - Bắc. Trong nước, các thế lực chính trị đang tranh giành quyết liệt, hết Trịnh - Nguyễn phân tranh lại đến cuộc đấu tranh Tây Sơn - Nguyễn, Tây Sơn - Lê. Một bộ phận lực lượng chính trị trong nước suy bại trong nước đã đi cầu cứu ngoại viện, tạo cơ hội gia tăng lực lượng cho quân xâm lược nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, phong trào Tây Sơn đã thực hiện thành công sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, đánh bại quân xâm lược từ hai phía Nam- Bắc đất nước. Và người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Xiêm và chống Thanh đó là Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh

Lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh

Năm 1784 - 1784, quân Xiêm đem 5 vạn quân tiến vào Gia Định. Thấy vậy Nguyễn Huệ đem đại binh vào Gia Định chặn đánh quyết liệt đến khoảng tháng 7/1784 quân Xiêm chỉ chiếm được nửa đất phía Tây Gia Định. Đầu 1785, Nguyễn Huệ đem quân vượt biển vào Gia Định, tổ chức phản công đuổi quân giặc ra khỏi đất nước.

Nguyễn Huệ đã bày ra một thế trận bất ngờ, nhử quân địch vào trận địa, mai phục bố trí sẵn trên sông Mỹ Tho khoảng giữa Rạch Gầm - Xoài Mút. Tại đây, đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9 tháng 12 năm Giáp Thìn (tức đêm 18 rạng 19/1/1785) quân Tây Sơn đã đánh tan quân Xiêm, tiêu diệt đại bộ phận, số tàn quân thoát chết tháo chạy về nước khoảng hơn 1 vạn. Đây là chiến thắng chống ngoại xâm quy mô lớn đầu tiên diễn ra trên vùng đất cực Nam của đất nước. Với thắng lợi này, phong trào Tây Sơn phát triển thành phong trào dân tộc, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng, mở rộng sự ảnh hưởng của phong trào Tây Sơn, nâng cao uy danh của Nguyễn Huệ.

Cuộc kháng chiến chống quân Thanh vào năm 1788 - 1789 diễn ra trong bối cảnh phức tạp, so sánh lực lượng ác liệt hơn rất nhiều. Nhân sự cầu cứu của Lê Chiêu Thống, nhà Thanh điều động đại quân sang xâm chiếm nước ta với danh nghĩa giúp vua Lê. Số quân Thanh xâm lược lên đến 29 vạn trong khi quân Tây Sơn đồn trú ở Thăng Long và Bắc Hà lúc bấy giờ ước tính khoảng 1 vạn quân và các thế lực nhà Lê nổi dậy nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, “ứng mệnh trời, thuận lòng dân” ngày 22/12/1788 tại núi Bân, danh tướng Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời, làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi ra lệnh xuất quân ra Bắc.

Với lối đánh chủ động, liên tục tấn công, thần tốc, bất ngờ, táo bạo và quyết liệt, đêm 30 Tết - Xuân Kỷ Dậu, Quang Trung Nguyễn Huệ cùng đoàn quân Tây Sơn bắt đầu mở cuộc tiến công đánh vào các vị trí cổ thủ của quân địch. Mờ sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 30/01/1789), nghĩa quân Tây Sơn mở cuộc tổng công kính vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa, giải phóng thành Thăng Long, đánh bại quân xâm lược nhà Thanh.

Chiến thắng oai hùng trước 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh càng chứng tỏ được tài năng quân sự của vua Quang Trung. Nguyễn Huệ trở thành anh hùng dân tộc, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, đưa đất nước thoát khỏi sự xâm lăng của nước ngoài; ghi vào lịch sử dân tộc những trang sử vàng chói lọi.

2.3. Chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài

Chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài

Chấm dứt tình trạng phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài

Sau khi lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh bại quân Xiêm, ngày 28/4 năm Bính Ngọ (25/5/1786) Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, đánh Phú Xuân, chiếm Thuận Hóa, đánh lui quân Trịnh, giải phóng Đàng Trong. Ngày 04/05 năm Bính Ngọ (10/6/1789) Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân rồi tiến đến ranh giới bờ nam sông Gianh. Mục đích của Nguyễn Nhạc là củng cố phòng tuyến ở bờ Nam sông Gianh, có nghĩa là chỉ giới hạn hoạt động phong trào Tây Sơn trong phạm vi Đàng Trong.

Khi đã nắm chắc được tình hình Bắc Hà và cân nhắc mọi nhẽ, Nguyễn Huệ đã tự quyết định đưa quân ra Đàng Ngoài với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Thủy quân Tây Sơn vượt biển đánh chiếm Vị Hoàng rồi tiến đến Thăng Long. Chỉ trong 10 ngày quân Tây Sơn đã đánh tan quân Trịnh, ngày 26/6 năm Bính Ngọ (21/7/1786) chiếm được thành Thăng Long.

Ngày 7/7 năm Bính Ngọ (31/7/1786), Nguyễn Huệ yết kiến vua Lê Hiển Tông, trình bày lẽ diệt trịnh. Vua Lê liền phong Nguyễn Huệ làm Nguyên súy dực chính phù vận Uy quốc công và gả công chúa Ngọc Hân.

Có thể khẳng định, phong trào Tây Sơn có nhiều công lớn trong việc thiết lập lại nên thống nhất quốc gia, xóa bỏ sự phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn hai thế kỷ, lật đổ chính quyền chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Trong hai cống hiến đó, lực lượng quyết định là phong trào Tây Sơn và người tổ chức, lãnh đạo là Nguyễn Huệ.

2.4. Sáng lập vương triều Tây Sơn tiến bộ

Tiếp quản Phú Xuân năm 1786, lên ngôi hoàng đế năm 1788, Nguyễn Huệ đã bắt tay vào thực hiện công cuộc xây dựng, cải cách. Từ đây, Phú Xuân trở thành kinh đô của cả nước.

Tại kinh đô Phú Xuân, vua Quang Trung củng cố nội trị, xây dựng vương triều mạnh, bộ máy chính quyền chặt chẽ và có năng lực. Ông thiết lập từ đơn vị hành chính có trấn rồi đến phủ, huyện, dưới là tổng và xã. Trước tình hình chính trị còn nhiều phức tạp tại Bắc Hà, Quang Trung đổi Thăng Long làm Bắc Thành và là trị sở của một số đơn vị hành chính đặc biệt gồm 11 trấn với quyền hạn lớn. Quang Trung cũng đã sử dụng nhiều quan lại của chính quyền cũ, ra sức thu nạp nhân tài, trong dụng sĩ phu, ban Chiếu hiệu dụ các quan văn võ triều cũ, chiếu cầu hiền. Nhiều tri thức tài năng đã trở thành quan lại trung thành như Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp…

Quân đội, quốc phòng cũng được Quang Trung quan tâm, xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu gồm bộ binh, kỵ binh, tượng binh, pháo binh, thủy binh được tổ chức quy củ, trang bị tốt, sức chiến đấu cao. Nhờ đó, Quang Trung đã trấn áp được các thế lực chống đối của một số cựu thần nhà Lê ở Bắc Hà.

Khi bộ máy chính quyền đã hùng mạnh, Quang Trung đã thực hiện nhiều chính sách cải cách về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục theo hướng khắc phục hậu quả của chiến tranh, phục hồi kinh tế, ổn định trật tự xã hội. Việc ban hành các chiếu cầu hiền, chiếu lập học, chiếu khuyến nông, chiếu mở khoa thi, chiêu dụ các quan văn võ của triều cũ, lập Quốc sử quán năm 1790, thành lập Viện Sùng Chính 1791, biên soạn dịch chú các bộ Tiểu học, tứ thư, ngũ kinh ra chữ Nôm,...đã mở ra một thời kỳ mới.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ khi lên ngôi cho đến khi mất, Quang Trung đã thực hiện công cuộc canh tân đất nước dù chưa thực hiện được đầy đủ và chưa phát huy hết tác dụng nhưng đã cho thấy được tài năng, ý chí trên nhiều lĩnh vực và nổi bật nhất là trong lĩnh vực quân sự. Với tinh thần tiến công mãnh liệt, lối đánh thần tốc, bất ngờ, trong cuộc đời binh nghiệp của mình Nguyễn Huệ chỉ có thắng, chưa hề thất bại.

3. Nguyễn Huệ mất khi nào?

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) vào khoảng 11 giờ khuya, Nguyễn Huệ mất, ở ngôi 5 năm, thọ 39 tuổi, miếu hiệu là Thái tổ Vũ hoàng đế. Thi hài của ông được táng ngay trong thành ở phủ Dương Xuân. Sau khi Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân đã sai quan quật mồ lên để trả thù.

Nguyễn Huệ mất khi nào?

Nguyễn Huệ mất khi nào?

Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, sai sứ sang nhà Thanh báo tang và xin tập phong. Vua Càn Long thương tiếc tặng tên hiệu là Trung Thuần, lại thần làm một bài thơ viếng và cho một pho tượng, 300 lạng bạc để sửa sang việc tang. Sứ nhà Thanh đến tận mộ ở Linh Đường (mộ giả) thuộc huyện Thanh Trì (Hà Nội) để viếng.

Đền thờ vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi Dũng Quyết, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 5km, nơi được xem là đất tứ linh nhìn về dòng Lam Giang. Đây là công trình tôn vinh vị Anh hùng áo vải nhân kỷ niệm 220 năm dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Tại Hà Nội, cũng có một nơi để người dân tới dâng hương, tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đó là Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa

Quang Trung Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, nhà ngoại giao tài ba, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Những đóng góp to lớn của Nguyễn Huệ sẽ luôn được các thế hệ người Việt lưu giữ, học tập.

Viết bình luận của bạn
Danh mục
Chat messenger