Sư Vạn Hạnh - Vị thiền sư có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý
Theo ghi chép lịch sử, Sư Vạn Hạnh là một trong những vị Tăng sĩ cố vấn lỗi lạc của triều đình Đại Cồ Việt dưới quyền trị vì của vua Lê Đại Hành. Không những thế, ông còn là thầy của Lý Công Uẩn - vị vua sáng lập ra triều Lý. Thiền sư Vạn Hạnh là nhà tu học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà yêu nước có rất nhiều công lớn và ông còn được biết đến là có tài tiên tri xuất chúng không kém Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
1. Sư Vạn Hạnh là ai?
Thiền sư Vạn Hạnh (938-1018), gốc họ Nguyễn, quê ở làng Dịch Bảng, Châu Cổ Pháp, phủ Bắc Giang nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tỳ ni đa lưu chi.
Sư Vạn Hạnh - Vị thiền sư có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý
Thuở nhỏ, ông là một người thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi, ông theo Thiền sư Định Tuệ xuất gia và thọ học với Thiền ông tại chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Sau khi Thiền ông mất, ông tiếp tục trụ trì chùa này và chuyển qua tập pháp “Tổng Trì Tam Ma Địa”. Sau này, khi Thiền sư nói bất kỳ điều gì thì đều được thiên hạ cho là phù sấm và vua Lê Đại Hành rất tôn kính ông.
Mặc dù đi tu nhưng Sư Vạn Hạnh vẫn quan tâm tới những biến cố chính trị quân sự lúc bấy giờ. Vua Lê Đại Hành xem ông là cố vấn và ông đưa ra rất nhiều ý kiến trong việc chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Biết trước nhà Tiền Lê suy vong vì Lê Ngoạ Triều thất nhân tâm, ông đã giúp cho Lý Công Uẩn dứt nhà Lê để dựng lên nhà Lý. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi thì ông được phong làm Quốc sư.
Không chỉ là một nhà tu học uyên bác, Sư Vạn Hạnh còn là một nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà yêu nước có công lớn đối với nền Phật giáo và văn hóa Việt Nam nên được mọi người kính trọng.
Ngày rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ chín (tức năm 1018), Thiền sư Vạn Hạnh viên tịch. Xá lợi của Ngài được tôn trí tại chùa Tiêu Sơn (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
2. Sư Vạn Hạnh với lời tiên tri xuất chúng
Sư Vạn Hạnh với lời tiên tri xuất chúng
2.1. Dự đoán việc thắng Tống, bình Chiêm
Mùa thu năm Canh Thìn 980, Tri Ung châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo của nhà Tống đã mang quân sang đóng ở gò Tử Cương, núi Giáp Lãng định xâm chiếm nước Đại Cồ Việt. Lúc này, vua Lê Đại Hành đã triệu tập ông và hỏi nếu đánh thì bại hay thắng. Ông chỉ đáp “Chỉ trong ba, bảy ngày giặc tất phải lui…” Lời nói đó về sau đã ứng nghiệm.
Năm Nhâm Ngọ 982, vua Đại Hành lại sai bọn Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ sang Chiêm Thành nhưng bị vua Chiêm bắt giữ. Vua rất oán giận, có ý muốn xuất quân Nam chinh nhưng việc bàn định chưa dứt khoát. Biết việc, Vạn Hạnh liều tâu với vua “Xin hoàng thượng mau cất binh, nếu không ắt sẽ mất cơ hội”
Nghe lời Thiền sư, vua Lê Đại Hành liền cho sửa sang lại thuyền chiến, đồ giáp binh, thân tự làm tướng, đi đánh, chém được tướng nước Chiêm Bề Mi Thuế và bắt được nhiều tù binh. Chúa Chiêm Thành bỏ thành chạy.
Trong triều đình, Đỗ Ngân là người muốn mưu hại Thiền Sư. Đoán được ý đồ đó, Sư Vạn Hạnh liền đưa cho hắn bài kệ:
Thổ mộc tương sinh cấn bạn câm,
Vi hà mưu ngã uấn linh khâm.
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt,
Chân chí vị lai bất hận tâm.
(Thổ mộc sinh ra cẩn cạnh căm,
Thù ta toan định sẵn mưu ngầm,
Tăng này biết chuyện lòng buồn dứt,
Cả đến mai sau chẳng oán thầm!).
Thế nên, Đỗ Ngân sợ và không dám mưu hại ông nữa.
2.2. Dự đoán nghiệp đế
Năm Tân Tị 981, Thiền sư Vạn Hạnh được người bạn trụ trì tại chùa Cổ Pháp gửi gắm người con nuôi là Lý Công Uẩn khi mới 7 tuổi. Thiền sư đã sớm nhìn ra đứa trẻ này là một danh nhân.
Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Thiền sư từng nhận xét về Lý Công Uẩn như sau: “Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước”. Chính nhờ sự giúp đỡ của ông mà Lý Công Uẩn khi lớn lên đã vào kinh đô Hoa Lư làm quan cho nhà Tiền Lê, lên tới chức Điện tiền quân. Sau đó giữ chức Thân Vệ trong triều đình.
Sau khi vua Lê Đại Hành mất năm Ất Tị 1005, Lê Long Đĩnh lên ngôi. Dù tuổi còn trẻ nhưng vua đã rất bạo ngược hoang dâm nên khiến lòng người chán ghét. Cũng đúng giai đoạn đó ở nhiều nơi xuất hiện điềm lạ.
Thiền sư Vạn Hạnh lúc đó đã nói với Thân vệ Lý Công Uẩn rằng “Gần đây tôi thấy nhiều lời sấm lạ báo hiệu nhà Lê phải mất mà nhà Lý tất phải lên thay. Người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai khoan từ nhân đức bằng ông, đương nắm binh quyền trong tay lại được lòng dân chúng.
Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ còn ai đương nổi. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông ra thế nào. Tôi chỉ ân hận không kịp thấy đời thịnh trị mà thôi...”.
Vì câu nói ấy, Lý Công Uẩn đã bảo người anh đem Thiền sư Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn để tránh lộ thiên cơ. Thiền sư Vạn Hạnh biết được sức mạnh của lòng dân nên đã đưa ra nhiều câu sấm truyền để vận động tâm lý để giúp cho Lý Công Uẩn đến gần với cơ hội đế vương.
Bấy giờ, điềm lạ xuất hiện ở nhiều nơi như lốc xoáy ở trên lưng con chó trắng ở Viện Hàm Toại chùa Ứng Thái Tâm, châu Cổ Pháp có hình chữ Thiên tử, cây gạo bị sét đánh để lại vết tích chữ viết xung quanh mộ, Hiền Khánh đại vương ban đêm nghe được tiếng tụng kinh râm ran, cây đa ở chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ “quốc”... Sư đều biện giải được và tất cả đều hợp với điềm “Lê suy Lý thành”.
Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Thiền sư dù đang ở chùa Lục Tổ nhưng biết trước sự việc đã nói trước với người bác, người chú của Lý Công Uẩn: “Thiên tử đã băng hà, Lý Thân vệ đang ở nhà. Người nhà Thân vệ túc trực trong thành nội có hàng ngàn. Nội trong ngày, Thân vệ ắt sẽ được thiên hạ”.
Sư Vạn Hạnh là người có công trong việc thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời từ Hoa Lư về Đại La, khai sinh ra thành Thăng Long với truyền thuyết về sức mạnh vươn lên như rồng thiêng của đất nước.
Ông cũng chính là người thảo ra lời chiếu dời đô, nhấn mạnh rằng, đất Đại La “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi núi sông sau trước, vùng đất ấy rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tốt tươi và phồn thịnh!”.
Vua Lý Thái Tổ rất sùng mộ Thiền sư Vạn Hạnh nên đã phong ông làm Quốc Sư. Ngày thường thì Thiền sư vẫn ở chùa chỉ khi quốc gia hữu sự có lời vua mời thì mông mới vào triều đóng góp ý kiến cho nhà vua rồi trở về chùa.
Ngày 15-5 năm Mậu Ngọ 1018, Thiền sư Vạn Hạnh không bệnh nhưng đã linh cảm được kết cục đang đến cận kề nên đã gọi các đệ tử đến và đọc bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch thoát:
Thân mình, có lại thành không,
Xuân cây tươi thắm, sang đông não nề.
Đã tu muôn sự vô vi,
Như sương trên cỏ, thịnh suy tĩnh lòng…)
Thấy các đệ tử thương khóc, Thiền sư bảo rằng “Các con muốn ta đi về đâu? Ta không lấy chỗ trụ để trụ và cũng không nương vào chỗ không trụ để trụ”
Sau khi Thiền sư Vạn Hạnh qua đời, vua Lý Thái Tổ và tất cả triều đình nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh xá lợi Ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).
3. Công đức, sứ mệnh lịch sử của Thiền sư Vạn Hạnh
Như thông tin đã cập nhật ở trên, sư Vạn Hạnh có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đối với việc thay đổi triều đại Lê sang Lý. Ông chính là người “chủ mưu” cho cuộc “đảo chánh” không đổ máu đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Ông là người thầy, người cố vấn của Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông giúp họ củng cố và phát triển vương quyền. Nhờ có sự tham gia của sư Vạn Hạnh, triều Lý được thành lập và duy trì ổn định, vững mạnh.
Chùa Tiêu (Bắc Ninh) là nơi Thiền sư Vạn Hạnh trụ trì và viên tịch
Sư Vạn Hạnh cũng có tầm quan trọng đối với việc bảo vệ, phát triển Phật giáo Đại Cồ Việt. Ông được vua Lê Đại Hành tôn kính và xem là cố vấn. Ông được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư và ban cho chùa Lục Tổ nhiều ưu đãi. Ông được Lý Thái Tông tin cậy và xin ý kiến trong những việc quan trọng. Nhờ đó, Phật giáo Đại Cồ Việt được phát triển rộng rãi, sâu sắc trong xã hội.
Sư Vạn Hạnh cũng có nhiều đóng góp trong việc giáo dục, truyền bá Phật pháp cho quần chúng. Ông dạy dỗ và khai sáng cho Lý Công Uẩn. Ông cũng viết rất nhiều sách luận về Phật giáo như Bát Nhã Bản Giải, Tam Ma Địa Bản Giải, Thiền Môn Quyết Tông Chỉ Nam,...
Quốc sư Vạn Hạnh còn thành lập nhiều ngôi chùa như chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Vạn Hạnh (Hà Nội),...để làm nơi tu học cho các tăng ni, quần chúng.
Có thể bạn chưa biết, Thiền sư Vạn Hạnh là người “tiên phong” trong việc hình thành và phát triển Thiền tông Việt Nam - trường phái Phật giáo đặc sắc của dân tộc.
Mặt khác, ông cũng là người góp phần tạo ra sự hài hòa giữa Phật giáo và Nho giáo. Sư Vạn Hạnh là người đại diện cho tinh thần yêu nước, bảo vệ tổ quốc khi ông luôn ủng hộ các cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
Sư Vạn Hạnh là người có nhiều đóng góp trong việc thiết lập triều đại nhà Lý - triều đại hưng thịnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn có nhiều đóng góp trong việc truyền bá Phật giáo tại Việt Nam. Những bài học mà Thiền sư để lại cho hậu thế là tu học chuyên tâm, tinh thần yêu nước kiên cường và sự thiện lương giống như câu châm ngôn "Tu thân tu tâm tu xã hội". Theo dõi thêm nhiều thông tin hữu ích khác tại loiphong.vn nhé!