Cờ Phật Giáo - Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa
Bên cạnh quốc kỳ, nhiều quốc gia trên thế giới còn treo thêm cờ Phật Giáo - biểu trưng cho tinh thần thống nhất của các Phật từ trên toàn cầu. Vậy, cờ Phật Giáo có mấy màu? Nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng loiphong.vn tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây.
1. Cờ Phật Giáo là gì?
Cờ Phật Giáo được xem là biểu tượng của hòa bình, lòng từ bi, niềm tin vào chính nghĩa, sự thống nhất một lòng của các Phật tử. Lá cờ Phật Giáo là một mảnh vải đặc biệt, được thiết kế làm vật biểu trưng.
Cờ Phật giáo là biểu tượng của hòa bình, niềm tin, sự thống nhất
Phật giáo là tôn giáo lớn trên thế giới, có đầy đủ giáo lý, tư tưởng triết học cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trị quan, thế giới quan,...Để thể hiện và đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo, lá cờ Phật Giáo đã ra đời với đầy đủ các ý nghĩa tương quan và được Phật tử trên thế giới sử dụng.
Cờ Phật Giáo có hình chữ nhật, bề mặt được chia làm 6 phần theo chiều dọc. Sự phân chia này mang ý nghĩa đặc biệt. Dù được chia làm 6 phần nhưng chỉ có 5 màu được lựa chọn để tạo nên lá cờ Phật Giáo, đó là: xanh dương - vàng nhạt - đỏ - trắng - cam.
Năm màu được phân chia cho năm vùng dọc còn vùng dọc thứ 6 sẽ chứa 5 màu và các màu được xếp ngang theo hướng vuông góc với 5 vùng dọc ở bên cạnh.
2. Nguồn gốc của cờ Phật Giáo
Henry Steel Olcott - một cựu đại tá trong quân đội Mỹ là người phác họa lá cờ Phật Giáo trên thế giới mà chúng ta vẫn thấy cho đến ngày nay. Năm 1880 ở Tích Lan (Sri Lanka), ông Henry Steel Olcott đã trình lên Ủy ban Phật giáo Colombo đề nghị tạo ra lá cờ riêng cho Phật giáo. Với lòng say mê với đạo Phật cùng với những tìm hiểu, kiến thức về đạo Phật nên ông đã hình dung màu sắc của lá cờ dựa theo 6 vòng hào quang của Đức Phật. Lá cờ Phật giáo do ông Henry Steel Olcott đề xuất chính thức được chấp nhận vào ngày Phật Đản 28/4 năm 1885 tại Tích Lan.
Nguồn gốc của cờ Phật giáo
Một năm sau, năm 1886, đại tá Henry Steel Olcott thấy rằng đường sọc màu quá lớn khiến cho lá cờ quá dài gây ra sự bất tiện khi sử dụng. Vậy nên, ông đã đề nghị sửa kích thước của lá cờ Phật giáo bằng với cỡ của lá cờ quốc gia vào thời điểm đó. Lời đề nghị này được chấp thuận và lá cờ Phật giáo có kích cỡ như hiện nay.
Cờ Phật giáo do ông Olcott được Tích Lan công nhận và treo tại các chùa trong nước trong ngày lễ Phật Đản từ năm 1889. Ngày 25/5/1950, Hội nghị Phật giáo quốc tế diễn ta tại thủ đô Colombo (Tích Lan) với sự tham gia của 26 quốc gia và lá cờ Phật giáo đã được chấp thuận.
Cờ Phật giáo là cờ chung của toàn thể Phật tử, biểu tượng của hòa bình, từ bi và trí tuệ; không phân biệt màu da, chủng tộc; không phân biệt giữa con người và tất cả các sự sống khác. Ngày 24/2/1951, tỳ kheo Thích Tô Liên - đại diện Ủy ban Phật giáo thế giới tại Việt Nam đi dự hội nghị Colombo đã đích thân mang lá cờ này về Việt Nam.
3. Ý nghĩa của cờ Phật giáo
Cờ Phật giáo là biểu tượng, hình ảnh biểu trưng cho tinh thần thống nhất của toàn bộ Phật tử trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, cờ Phật giáo còn được xem là biểu tượng cho niềm Chánh tín, lòng yêu chuộng hòa bình của Phật tử. Lá cờ còn thể hiện cho sự đoàn kết, không phân biệt chủng tộc, màu da; không có ranh giới giữa các quốc gia, địa phương mà chỉ có sự thống nhất, một lòng hướng về Phật.
Ý nghĩa của cờ Phật giáo
Cờ Phật giáo chính là ánh hào quang của Phật. Theo kinh sách, khi Đức Phật đạt được giác ngộ dưới gốc cây bồ đề thì toàn bộ thân của Ngài tỏa ra ánh hào quang với nhiều màu sắc khác nhau. Do đó, nhiều người cho rằng, hình thức của cờ Phật giáo dựa vào màu sắc hào quang trên người của Đức Phật từ bi.
Lá cờ được chia thành 6 phần còn thể hiện 6 kiếp luân hồi của chúng sinh, gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a - tu - la và thiên đàng. Sự kết hợp của màu sắc trong phần thứ 6 trên lá cờ còn là sự hòa quyện, không phân biệt chúng sinh; không phân biệt màu da hay kỳ thị về sự thống nhất. Tựu chung, thể hiện sự thống nhất, hòa đồng giữa tất cả mọi hình thức của sự sống.
Màu sắc trên lá cờ Phật giáo còn là màu sắc của cầu vồng. Trong Phật giáo, cầu vồng là tượng trưng của Báo thân, là sự hiện diện của Phật và là hình thượng của Phật. Sự hòa quyện của nhiều màu sắc giúp cho mọi người nhận ra màu cờ của quốc gia mình trên đó. Cờ Phật giáo không có giới hạn, không chỉ riêng một đất nước hay dùng để đánh dấu cho bất kỳ lãnh thổ nào. Bởi vậy, ở nơi nào có Phật giáo và Phật tử thì lá cờ Phật giáo có thể tung bay.
Ý nghĩa từng màu sắc của cờ Phật giáo
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cờ Phật giáo hãy theo dõi những lý giải chi tiết của loiphong.com về các màu sắc trên lá cờ. Cụ thể như sau:
- Màu xanh (Nila - Định căn): Đây là màu sắc biểu trưng cho lòng từ bi của Đức Phật, con người Phật và cũng là biểu tượng của sự hòa bình trên thế giới; biểu trưng của sự rộng lớn, sáng suốt.
- Màu vàng (Pita - Niệm căn): Màu vàng biểu trưng cho con đường Trung Đạo - con đường mà người tu hành sẽ tránh khỏi những cực đoan, khoái lạc, cực khổ.
- Màu đỏ (Lohita - Tinh Tấn căn): Màu sắc này biểu trưng cho niềm vui sướng, sự an lạc, an yên của việc thực hành theo con đường đạo Phật. Có Tinh Tấn căn sẽ giúp loại bỏ các trở ngại, khó khăn để đạt được sự thành đạt, trí tuệ, đức hạnh, nhân cách.
- Màu trắng (Odata - Tín căn): Tượng trưng cho sự thanh khiết, thanh tịnh của giáo pháp. Điều này sẽ dẫn tới sự giải thoát, vượt qua không gian và thời gian.
- Màu cam (Majesta - Huệ căn): Biểu trưng cho trí tuệ, những điều Phật dạy. Trí tuệ là yếu tố quan trọng trong Phật giáo. Tuệ là một trong 7 quả nhân sinh Quả Bồ Đề. Tuệ là một trong 4 năng lực để thành đạt Tứ Thần Túc. Tuệ là một trong năm lực của tinh thần và là một trong năm khả năng kiểm soát tâm.
- Màu tổng hợp: Là tượng trưng cho sự thật tuyệt đối, sự thống nhất của Phật giáo trên toàn thế giới. Tiếng Pali là gọi màu tổng hợp này là “Pabhassara” với nghĩa là bản thể của ánh sáng, khi dịch ra có nghĩa là chiếu sáng, phát quang. Hiểu đơn giản, khi con người đạt tới cảnh giới tâm được an định thì trí tuệ sẽ được khai sáng, chúng sinh được giải thoát mọi đau khổ, bi an trần thế và thoát khỏi kiếp luân hồi.
4. Treo cờ Phật giáo như thế nào đúng?
Với ý nghĩa to lớn, cờ Phật giáo được ví là “báu vật” đối với Phật tử. Vậy nên việc treo cờ Phật giáo sao cho đúng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Khi treo cờ Phật giáo bạn cần:
- Cờ Tổ quốc treo bên tay phải, cờ Phật giáo treo bên trái (từ mặt chính diện trụ sở nhìn ra)
- Sử dụng cờ Phật giáo theo đúng bản thể ban đầu, sắp xếp màu sắc theo đúng thứ tự.
- Không được treo ngược cờ, màu xanh phải lên đầu vì đây là biểu trưng cho sự rộng lớn, bao la của Đức Phật.
Hướng dẫn treo cờ Phật giáo
Trải qua hơn 140 năm lịch sử, cờ Phật giáo vẫn được lưu giữ và sử dụng cho đến ngày nay. Lá cờ Phật giáo không nhằm mục đích kêu gọi chiến tranh, xâm chiếm hay đánh bại kẻ thù mà biểu trưng cho tinh thần thống nhất của các Phật tử trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ.
Cờ Phật giáo chính là ánh hào quang, khi chúng ta nhìn vào đó sẽ thấy được sự nhiệm màu của Đức Phật. Ánh hào quang của Đức Phật sẽ giúp mọi chúng sinh trên thế gian được bảo vệ, thoát khỏi mọi khổ đau để có cuộc đời an yên. Mong rằng, các chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cờ Phật giáo.