Xuất gia - Bước đầu trong hành trình tu hành Phật pháp
Xuất gia là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc một người từ bỏ cuộc sống thế tục, cạo bỏ râu tóc, sống cuộc đời tu hành. Người xuất gia được coi là trưởng tử của Đức Phật Tổ, thay Ngài giữ gìn và truyền bá giáo Pháp ở nhân gian. Để trở thành một người xuất gia chân chính thì rất khó. Vậy, xuất gia là gì? ý nghĩa xuất gia là gì?....Tất cả những thắc mắc đó sẽ được loiphong.vn giải đáp chi tiết trong nội dung dưới đây.
1. Xuất gia là gì?
Xuất gia (tiếng Phạn là Pravrajya) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong Phật giáo, dùng để chỉ người từ bỏ cuộc sống gia đình, xã hội để bước vào con đường tu hành theo giáo lý nhà Phật. Người xuất gia sẽ từ bỏ mọi ràng buộc về vật chất, quan hệ xã hội để “toàn tâm toàn ý” dấn thân vào việc tu tập, rèn luyện tâm trí và thực hành các giới luật của Phật giáo.
Xuất gia là gì?
Người xuất gia phải tuân theo các giới luật, sống trong những kỷ luật nghiêm ngặt, dành thời gian cho việc tu tập và hành thiện. Mục đích cuối cùng của việc xuất gia đó chính là giác ngộ, giải thoát hoàn toàn khỏi những ràng buộc thế gian để có được sự an lạc và hạnh phúc.
Xuất gia theo nghĩa đen là ra khỏi nhà nhưng đầy đủ hơn thì xuất gia mang 3 lớp nghĩa.
Xuất thế tục gia: Nghĩa là người xuất gia đã quyết lòng dứt áo ra đi, rời khỏi gia đình thế tục, cạo tóc đi tu. Chừng nào còn sống trong gia đình thế tục thì sẽ vẫn còn phiền não vây khốn ảnh hưởng tới việc tu tập. Rời nhà là để cắt bỏ những vướng mắc, trói buộc trong gia đình để tu hạnh giải thoát.
Xuất phiền não gia: Có những người đã xuất khỏi thế tục gia nhưng vẫn chưa thể xuất được phiền não gia. Người xuất gia thực sự phải gột sạch phiền não và trước hết là những phiền não của “tam độc” tham - sân - si thì mới có thể đạt được những thành tựu lớn hơn trên con đường tu hành. Nếu không gột sạch được phiền não gia thì khó có được sự giải thoát.
Xuất gia tam giới: Nghĩa là thoát ra khỏi nhà tam giới. Phật dạy có 3 cõi là gục giới, sắc giới và vô sắc giới. Người xuất gia cần phải thoát khỏi ngôi nhà phiền não của ba giới thì mới hoàn toàn thoát khỏi ly sinh tử.
2. Xuất gia để làm gì? Mục đích của xuất gia
“Nếu như trong loài hoa, bạch liên hoa là cao quý nhất thì trong hàng sa môn các sa môn diệt tận phiền não là cao quý nhất” - Đó chính là mục đích tối hậu của người xuất gia: diệt hết phiền não, đạt được Niết bàn, nguyện là con thuyền dẫn đường để giúp mọi chúng sanh cập bến bờ chân hạnh phúc.
Xuất gia để tìm kiếm sự giác ngộ, giải thoát,...
Xuất gia là hành động có ý nghĩa sâu sắc và người quyết định xuất gia đều có những mục đích, mục tiêu riêng.
- Tìm kiếm giác ngộ: Mục tiêu của nhiều người xuất gia đó chính là đạt được sự giác ngộ, tức là hiểu biết sâu sắc và chân thật về bản chất của cuộc sống, vũ trụ. Người xuất gia luôn mong muốn vượt qua sự vô minh để đạt tới trí tuệ, sự tỉnh thức giống như Đức Phật.
- Thoát khỏi khổ đau: Xuất gia giúp mọi người thoát khỏi những đau khổ, phiền não của đời sống thế tục. Bằng cách từ bỏ những ham muốn vật chất, dục vọng, mối quan hệ xã hội phức tạp để tập trung vào con đường tu tập, đạt được sự an lạc và giải thoát.
- Tu tập đạo đức và lòng từ bi: Người xuất gia được rèn luyện đạo đức, thực hành từ bi, sống theo các giới của Phật giáo. Họ cống hiến cả cuộc đời để làm lợi ích cho chúng sanh, giúp đỡ mọi người thoát khỏi khổ đau và truyền bá giáo lý đạo Phật.
- Giải thoát khỏi luân hồi: Xuất gia chính là con đường để chúng ta thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, tức là chuỗi sinh - lão - bệnh - tử mà chúng ta sẽ phải trải qua. Người xuất gia mong muốn thoát khỏi sự ràng buộc của nghiệp lực để đạt đến Niết - bàn, an lạc vĩnh viễn và không còn tái sinh.
- Tập trung tu học: Xuất gia tạo điều kiện để người tu hành sống trong môi trường tĩnh lặng, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Nhờ đó, người xuất gia dành toàn bộ thời gian và năng lượng để tu học giáo lý Phật pháp, thực hành thiền định, phát triển trí huệ.
3. Ý nghĩa thực tiễn của người xuất gia
Ý nghĩa thực tiễn của người xuất gia
3.1. Ý nghĩa xuất gia đối với cá nhân
Người xuất gia nhờ giữ gìn giới pháp mà sinh định, do định phát khởi mà trí hệ tăng trưởng, cuối cùng chứng đắc giải thoát giác ngộ. Nếu chúng ta dùng niềm tin chân chánh để áp dụng lời Phật dạy vào cuộc đời thì sẽ đem lại lợi lạc, hòa hợp với mọi người. Người xuất gia đi đến đâu cũng được tự tại. Đó chính là ý nghĩa cao quý của việc xuất gia.
Xuống tóc xuất gia chính là hình thức dấn thân vào cuộc đời, vì cuộc đời đau khổ khiến chúng ta nguyện xin cứu khổ, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình; lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc của mình. Thực hành hạnh Bồ-tát không vì an lạc cá nhân mà nguyện giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau.
Người xuất gia báo ân Tam Bảo bằng cách thông cảm và hòa nhập với mọi người, nhu hòa và hiểu mọi người; dùng từ bi để đối với mọi người, cung kính tôn trọng và cảm ơn hết thảy mọi người.
3.2. Ý nghĩa của xuất gia với Phật giáo
Phật giáo được lưu truyền trong thế gian là nhờ hàng ngũ Tăng sĩ và người xuất gia chân chính đã góp phần làm tăng sức mạnh của hoằng pháp giúp cho Phật pháp ngày càng trở nên hưng thịnh. Phật pháp được hoằng truyền rộng rãi cũng là nhờ tới công sức của Tăng bảo. Kinh Tán Dương Công Đức Tam Bảo cho thấy người xuất gia có nhiệm vụ giữ gìn mạng mạch của Tam Bảo, tiếp tục ngọn đèn trí huệ của chư Phật.
Ý nghĩa của xuất gia với Phật giáo
Ngày nay, dù kinh sách đầy đủ nhưng con người vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận Phật giáo. Chướng ngại lớn nhất của họ đó là không hiểu Phật pháp - vấn đề này liên quan đến sự giáo dục lâu dài, phản ánh hoạt động hoằng pháp chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công việc hoằng pháp chưa song hành với nền giáo dục hiện hành, chưa có phương tiện đầy đủ và toàn diện để đưa Phật pháp đến với mọi người. Vậy nên, công việc hoằng pháp lợi sinh là trách nhiệm lớn lao của người xuất gia.
3.3. Ý nghĩa xuất gia đối với xã hội
Xã hội phát triển không chỉ chú trọng đến vật chất mà còn cần tới tinh thần; nếu không sự phát triển của xã hội sẽ mất cân bằng. Hoằng dương Phật pháp đóng vai trò tích cực trong văn minh tinh thần của xã hội. Phật pháp là tâm pháp. Thực hành Phật pháp là tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách và bình đẳng với chúng sanh trong pháp giới.
Xã hội hiện đại nhấn mạnh vai trò của sự hài hòa, điều này rất khế hợp với tinh thần Phật giáo. Phật giáo không bao giờ nói đến đối lập và nói đến sự dung hòa.
Xuất gia là gánh vác sự nghiệp của chư Phật, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp. Người xuất gia lấy lợi ích cho mọi người là sự nghiệp giúp xây dựng xã hội thanh bình, cải thiện nhân tâm; dùng từ bi mà bổ chính, góp phần xây dựng một quốc độ an lành và hạnh phúc.
4. Điều kiện để xuất gia
Xuất gia là một quyết định lớn và quan trọng đối với mỗi người. Để được xuất gia thì bạn cần phải đáp ứng được những điều kiện và yêu cầu cơ bản sau:
4.1. Có chí nguyện với Phật pháp
Để xuất gia, các cư sĩ Phật giáo phải có thời gian thử thách và tập luyện khoảng 6 - 12 tháng hoặc 2-3 năm. Trong thời gian này, các cư sĩ tu tập tại gia sẽ được sư phụ hướng dẫn thực tập, rèn luyện. Con đường tu tập rất dài và nhiều gian nan, khó khăn. Vậy nên, chỉ khi nào thấy được chí nguyện kiên tâm của cư sĩ qua nhiều thử thách thì sư phụ mới đồng ý xuất gia. Sư phụ chỉ cần những người thực sự có chí nguyện xuất gia bởi chí nguyện là yếu tố đầu tiên và căn bản để trở thành người tu hành.
Có chí nguyện với Phật pháp
4.2. Đảm bảo sức khỏe cá nhân
Người xuất gia là người không mắc bệnh nan y, bệnh tâm thần, thần kinh, bệnh truyền nhiễm hay khuyết tật. Người xuất gia là người đại diện, trưởng tử của Đức Phật, nắm trách nhiệm giữ gìn và truyền bá giáo pháp đến với mọi người, thể hiện nếp sống và tinh thần của Ngài, là bậc Thầy mô phạm của chúng sanh nên phải là biểu tượng tốt đẹp cho mọi người.
4.3. Các điều kiện khác
- Trên 18 tuổi
- Không nợ nần, không nghiện ngập, không vi phạm pháp luật
- Nhà tu đã lập gia đình và có nguyện vọng xuất gia thì cần có đơn ly hôn
- Phải làm giấy cam kết không vi phạm nội quy của chùa
- Chấp hành đầy đủ các thanh quy của chùa dành cho Phật tử khi còn là cư sĩ
- Từ lúc viết đơn xuất gia phải hoàn thành đủ một năm tu tập mới được xét duyệt xuất gia
- Mỗi ngày ăn 2 bữa sáng - trưa, không ăn vặt
- Không nhận bố (mẹ) đi xuất gia mà có con nhỏ dưới 18 tuổi vào chùa cùng tu
- Vâng kính với tất cả những lời dạy của chư Tăng trong quá trình tu tập xuất gia
Xuất gia là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, là sự cầu tiến của con người, tự tại giải thoát và chân thành sống với đời. Xuất gia là sự tự nguyện của cá nhân, không có bất kỳ sự gán ghép nào. Xuất gia là việc sống với một đoàn thể Tăng già hòa hợp, dung hòa một cá thể vào trong đại chúng để rèn luyện bản thân, thực hiện lý tưởng giải thoát; đem lòng từ bi và trí huệ của đại chúng để chuyển hóa thế gian, thúc đẩy cá nhân và cộng đồng không ngừng tinh tấn!