Cuộc đời và sáng tác của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu
Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình”, những sáng tác của ông khát khao mãnh liệt với tình yêu, cuộc đời. Sự khác biệt trong phong cách sáng tác thơ “có một không hai” của Xuân Diệu đã mang tới một làn gió mới cho thơ ca Việt Nam, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Cùng loiphong.vn tìm hiểu chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu qua các thông tin chi tiết dưới đây.
1. Xuân Diệu là ai? Cuộc đời của Xuân Diệu
Xuân Diệu là ai? Cuộc đời của Xuân Diệu
Xuân Diệu tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/ 1916 quê tại huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại quê mẹ huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định. Cha của ông là Ngô Xuân Thọ, mẹ là Nguyễn Thị Hiệp. Xuân Diệu sống ở Tuy Phước từ nhỏ cho đến khi 11 tuổi.
Sinh ra trong một gia đình hiếu học, cha ông - Ngô Xuân Thọ đỗ tú tài Hán học, nên sự nghiệp học hành của Xuân Diệu được đào tạo và hướng dẫn rất bài bản, quy củ. Cha Xuân Diệu là thầy giáo dạy học nên từ nhỏ ông đã được học chữ Nho, chữ Quốc ngữ. Sau đó, tiếp tục học tập tại nhiều ngôi trường có tiếng khác như trường Bưởi (Hà Nội) và trường Khải Định (Huế).
Năm 1927, ông đến Quy Nhơn học
Năm 1936 - 1937, Xuân Diệu ra Huế học một năm rồi sau đó đỗ tú tài.
Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, là thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn - một trong những tổ chức nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Sau khi tốt nghiệp tú tài và cử nhân Luật, năm 1943, Xuân Diệu đỗ tham tá Thương chính và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay tỉnh Tiền Giang). Bên cạnh làm viên chức nhà nước thì ông còn đi dạy học tư. Một năm sau đó, ông quyết định thôi việc và ra Hà Nội sinh sống bằng nghề viết văn.
Năm 1944, ông tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng phục vụ kháng chiến. Đầu tiên là phong trào Việt Minh, sau đó trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản. Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Xuân Diệu tiếp tục hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội.
Năm 1948, Xuân Diệu được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1957 - 1985, ông làm Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa 1, 2, 3. Ngoài ra, ông còn được Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn (năm 1983).
Ngày 18/12/1985, Xuân Diệu mất, khi đó ông 69 tuổi.
Năm 1996, Xuân Diệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật. Để vinh danh và tưởng nhớ, tên của ông đã được sử dụng để đặt cho nhiều tuyến đường, trường học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
>>> XEM NGAY: Hàn Mặc Tử nhà thơ lạ trong phong trào thơ mới
2. Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu
2.1. Phong cách sáng tác của Xuân Diệu
Phong cách sáng tác của Xuân Diệu
Xuân Diệu là một trong những cây bút lớn của phong trào Thơ mới ở Việt Nam. Thơ của ông mang nhiều màu sắc khác nhau, để lại nhiều dấu ấn cho bạn đọc. Ông chính là “ông hoàng của tình yêu” luôn tràn đầy sự tươi mới, yêu đời mãnh liệt.
Là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, chất thơ của Xuân Diệu luôn tạo được sự mới mẻ, khác biệt; sử dụng ngôn từ sáng tạo nên hấp dẫn nhiều độc giả. Ai đã đọc thơ Xuân Diệu chắc chắn sẽ khó lòng mà quên được! Ông là con người có tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ. Việc sáng tác văn thơ không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là cách để ông giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.
Cũng vì lẽ đó mà Xuân Diệu còn được biết đến là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, luôn khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu có hướng đi mới trong phong cách viết thơ đó là hướng tới đời sống thực tế, mang đậm tính thời sự. Ý thức được trách nhiệm của một công dân, Xuân Diệu miệt mài sáng tác những bài thơ chào cách mạng với các vần thơ yêu đời.
2.2. Các tác phẩm của Xuân Diệu
Các tác phẩm của Xuân Diệu
Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu vô cùng độ sộ, không chỉ có thơ mà ông còn viết văn xuôi, viết báo, tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học,...
● Thơ: Ông đã viết hơn 450 bài thơ, mỗi sáng tác đều mang đến cho thơ ca đương đại một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới. Các bài thơ tiêu biểu đó là Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Một khối hồng, Thanh ca, Tôi giàu đôi mắt, Riêng chung, Mẹ con, Ngôi sao, Sáng, Dưới sao vàng,…
● Văn xuôi: Ký sự thăm nước Hung, Triều lên, Trường ca, Phấn thông vàng, Việt Nam trở dạ, Việt Nam nghìn dặm,…
● Tiểu luận phê bình: Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ, Đi trên đường lớn, Và cây đời mãi xanh tươi, Mài sắt nên kim,…
● Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet, Vây giữa tình yêu, Những nhà thơ Bungari,...
Lao động nghệ thuật hơn một nửa thế kỷ, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học xuất sắc. Là một trong những con người tài năng ở nhiều lĩnh vực có những đóng góp lớn nhưng khi nhắc tới Xuân Diệu người ta sẽ nghĩ ngay tới một nhà thơ, một cây đại thụ của thơ ca Việt Nam.
2.3. Vội vàng - Bài thơ nổi tiếng nhất của Xuân Diệu
Bài thơ “Vội vàng” được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 11
Vội vàng là bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu được trích từ tập Thơ thơ (1938) và được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn 11. Bài thơ mang một âm điệu vội vã, giục giã với một tâm trạng lo lắng, khắc khoải trước sự khước từ của thời gian. Hóa ra, mọi thứ trên đời đều trở nên hữu hạn trước thời gian. Bài thơ như một lời thức tỉnh đến các bạn trẻ, phải biết trân trọng thời gian và sống một cuộc đời thật ý nghĩa.
Với ông, làm thơ là thả một chiếc lá thơ vào dòng chảy thời gian để bất tử hóa chính mình bởi thơ là năng lực siêu việt thời gian. Thơ là sản xuất cá thể với cảm xúc nên “ý văn xô đẩy, khuôn khô câu văn cũng lung lay” (Hoài Thanh). Thiên nhiên trong thơ của Xuân Diệu chưa bao giờ được cảm nhận bằng ánh mắt phong tình ái ân mà được tái tạo bằng bút pháp mĩ nhân hóa. Ông hoạt động cả 5 giác quan để khám phá, miêu tả sự vật bằng tất cả những biến thái tinh vi nhất. Cách đặt câu, dùng câu trong thơ của Xuân Diệu rất mới, rất Tây!
>>> TIẾT LỘ: Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới
3. Một số điều có thể bạn chưa biết về Xuân Diệu
3.1. Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của thơ nước Pháp
Một số câu thơ của Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của thơ ca nước Pháp, phải kể đến như:
● Yêu là chết trong lòng một ít là sự vay mượn của câu thơ của Edmond Haraucourt: Partir, c’est mourir un peu (Ði là chết đi một ít).
● Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non đã già rồi…Được lấy cảm hứng từ câu nói của Alfred de Musset nói với George Sand: Dépêche-toi, George, notre amour est vieux (Nhanh lên em, George, mối tình chúng ta đã già rồi).
● Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Plus d’une espèce de fleurs a quitté les branches
3.2. Những nhận xét về nhà thơ Xuân Diệu
“Xuân Diệu mới nhất trong nhà thơ mới” - Nguyễn Tuân.
“Xuân Diệu là cả một viện nghiên cứu văn học trong anh” - Chế Lan Viên.
“Đau lòng thay! Mất một nhà thơ lớn. Mất một người bạn và về thơ anh là bậc đàn anh của tôi”- Hoàng Trung Thông.
“Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian” - Thế Lữ.
“Xuân Diệu không quan niệm tình yêu chỉ là sự giao cảm xác thịt mà còn là sự giao cảm của những linh hồn mà đấy mới là cái khát vọng cao nhất, cái đích cao nhất trong tình yêu” - Nguyễn Đăng Mạnh.
“Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam… cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân Diệu trong lĩnh vực thơ tình? Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu” - Tố Hữu.
“Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời” - Hoài Thanh.
3.3. Cuộc hôn nhân của nhà thơ Xuân Diệu
Năm 1958, nhà thơ Xuân Diệu nên duyên với nhà báo Bạch Diệp thông qua sự mai mối của ông Hoàng Tùng - nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nơi bà Bạch Diệp công tác. Khi đó Xuân Diệu đã ngoài 40 và bà Bạch Diệp 29 tuổi.
Cuộc hôn nhân không kéo dài được lâu, hai người đã ly hôn và không có con chung. Nhà thơ Xuân Diệu sống độc thân cho đến khi mất vào năm 1985.
3.4. Tình bạn của Xuân Diệu - Huy Cận
Tình bạn của Xuân Diệu và Huy Cận
Xuân Diệu là người cùng quê Hà Tĩnh với Huy Cận nên khi gặp nhau, hai người đã trở thành đôi bạn thân thiết. Vợ Huy Cận là bà Ngô Thị Xuân Như - em gái Xuân Diệu. Nhiều bài báo đưa tin, nghi vấn mối quan hệ thân thiết giữa Xuân Diệu và Huy cận và cho rằng hai người là hai nhà thơ đồng tính! Huy Cận và Xuân Diệu từng ở chung nhà nhiều năm. Bài thơ “Tình trai” của Xuân Diệu và “Ngủ chung” của Huy Cận được cho là viết về đề tài đó.
Năm 1993, thông qua hồi ký “Cát bụi chân ai”, nhà thơ Tô Hoài đã bộc bạch về một giai đoạn dằn vặt của nhà thơ Xuân Diệu khi phải giấu kín sự thật về giới tính của mình, nỗi khổ tâm không thể chia sẻ. Xuân Diệu từng bị kỷ luật về việc này. Tuy nhiên, cũng có một số bài thơ khác của ông lại viết về nhà thơ Hoàng Cát như bài “Em đi”. Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa một ai có thể lý giải được tình bạn giữa Xuân Diệu và Huy Cận!
Là cây bút tài năng và có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam, Xuân Diệu xứng đáng với danh hiệu là nhà thơ lớn, là tấm gương để chúng ta học tập. Bài học Xuân Diệu để lại cho đời đó chính là tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, là niềm tin yêu tha thiết với con người, là ý thức chân thành với văn chương. Ngày nay, những thơ Xuân Diệu vẫn hấp dẫn và lôi cuốn các thế hệ độc giả.