Võ Văn Kiệt
Với tư chất thông minh, nghị lực phi thường Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Suốt cuộc đời gắn liền với đất nước, nhân dân; là người cộng sản tiêu biểu cho tinh thần học hỏi, năng động, sáng tạo và không ngừng rèn luyện.
1. Võ Văn Kiệt là ai?
Võ Văn Kiệt là ai?
Đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 11/6/2008) tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh là Sáu Dân, Chín Dũng. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng đất có truyền thống yêu nước, đấu tranh chống áp bức cường quyền Trung Hiệp, Vũng Liêm, Vĩnh Long. Ông được coi là nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, có nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc.
Cuộc đời và sự nghiệp của Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và dân tộc. Là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư. Đồng chí Võ Văn Kiệt nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.
2. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt
Ngay từ nhỏ, Võ Văn Kiệt đã bộc lộ tinh thần yêu nước. Năm 1938, khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến tháng 11/1940, được cử làm Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sau đó, đồng chí được điều động về hoạt động ở vùng U Minh thuộc Rạch Giá Kiên Giang.
Gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt
Từ năm 1941 - 1945, trên cương vị là Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, Võ Văn Kiệt tích cực tham gia hoạt động cách mạng, bảo vệ căn cứ U Minh - trở thành cơ quan chỉ huy đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào chiến thắng của Cách mạng tháng Tám 1945.
Sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng tám năm 1945, Võ Văn Kiệt được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh Tây Nam Bộ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, tham gia lãnh đạo Nhân dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Giữa năm 1949, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến của đồng bào, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), ông được phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và vùng cực Nam của Tổ quốc.
Năm 1955, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây, sát cánh bên đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam.
Năm 1959, đồng chí được bầu làm Bí thư Khu ủy ở Khu Sài Gòn - Gia Định (T.4)
Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Võ Văn Kiệt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam; tiếp tục làm Bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1969, rồi Bí thư Khu ủy Khu 9 (Tây Nam Bộ), Bí thư Quân khu ủy Quân khu 9 đến năm 1973.
Năm 1972, được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1973 - 1975, được điều về công tác tại Trung ương Cục, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung Trung ương; là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Tháng 4/1982, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Kỳ họp thứ nhất (Quốc hội khóa VIII), đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu lại làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu vào nhiều vị trí quan trọng của Đảng
Tháng 6/1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991), được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 10/1992, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, đồng chí được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh cho đến năm 1997.
Tháng 6/1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Từ tháng 12/1997 - 4/2001, đồng chí Võ Văn Kiệt xin rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
Ngày 11/6/2008, đồng chí Võ Văn Kiệt mất, hưởng thọ 86 tuổi.
3. Những đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với đất nước, dân tộc Việt Nam
3.1. Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc. Thời thơ ấu và thiếu niên chịu nhiều vất vả đã hun đúc ý chí giải phóng dân tộc; dù mới 17 tuổi nhưng đồng chí đã được giác ngộ cách mạng, tham gia vào nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Võ Văn Kiệt đưa ra nhiều quyết định táo bạo, chỉ huy quân và dân ta giành được nhiều chiến thắng trong các cuộc đấu tranh từ năm 1940 đến khi đất nước thống nhất 1975. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954 và chống Mỹ 1975.
Đưa ra nhiều quyết định quan trọng
Khi đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, trên cương vị là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí đã lãnh đạo nhân dân, đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhờ đó, tháo gỡ được những khó khăn, đưa thành phố dần vào ổn định và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Xuất phát từ tấm lòng vì dân vì nước, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào nhất là các quyết định có tác động đến sự phát triển kinh tế đất nước và đời sống nhân dân thì đồng chí đều lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, tự nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống. Chính vì thế, khi vận dụng bất kỳ chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đều thuận với “ý Đảng, lòng dân”, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước đạt được nhiều thành tựu lớn.
Là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quan trọng
Đồng chí Võ Văn Kiệt là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới nên đã có nhiều đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn để xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đồng chí cũng là người chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quan trọng như Thủy điện Trị An; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; công trình đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam; đường Bắc Thăng Long - Nội Bài,...
Trên quan hệ là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện đường lối ngoại giao mở cửa, bình thường hóa mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế, thiết lập sự liên kết kinh tế khu vực và thế giới.
Đa phương hóa mối quan hệ quốc tế
Sau khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ (8/1997) đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để cống hiến cho Đảng và Nhà nước.
3.2. Không ngừng rèn luyện, học hỏi, năng động và sáng tạo
Từ nhỏ, Võ Văn Kiệt đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học nhưng do gia đình không có điều kiện nên đồng chí không có điều kiện để theo học tại các trường lớp. Với trí tuệ thông minh, nghị lực phi thường, đồng chí không ngừng trau dồi kiến thức và lý luận cách mạng. Đồng chí Võ Văn Kiệt chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, cầu tiến.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, đồng chí đều tranh thủ đọc sách, báo, tài liệu để học hỏi kinh nghiệm từ các lãnh đạo. Khi đất nước thống nhất, dù giữ nhiều vị trí quan trọng, bận rộn với công việc nhưng đồng chí vẫn luôn nghiên cứu, học tập để nâng tầm hiểu biết của bản thân. Tinh thần ham học, ham đọc đã giúp đồng chí nhạy bén với cái mới, năng động, sáng tạo.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp cho Đảng rất nhiều chủ trương, chính sách sáng tạo, góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân,...giữ vững quốc phòng - an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
3.3. Suốt đời vì nước vì dân, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Luôn gần gũi với nhân dân
Đồng chí Võ Văn Kiệt luôn đặt lợi ích của nhân dân, tổ quốc lên trên hết; luôn day dứt về nguy cơ tụt hậu, về sự tăng trưởng bền vững của đất nước, làm sao để phát huy được tiềm năng có sẵn trong nhân dân,...Cách suy nghĩ và hành động của đồng chí vượt xa tầm nhìn của thời đại.
Đồng chí Võ Văn Kiệt tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù không nói nhiều, viết nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng toàn bộ cuộc đời cách mạng của mình Võ Văn Kiệt đều tỏ rõ sự thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người. Có thể thấy, tư duy chính trị của đồng chí là toàn diện, sâu sắc, nhạy bén và có tầm chiến lược. Đồng chí là hình ảnh đẹp về một nhà lãnh đạo xuất sắc, là một người cộng sản chân chính của nhân dân Việt Nam.
Có nhiều cuốn sách nói về công lao của đồng chí Võ Văn Kiệt được xuất bản
Võ Văn Kiệt là một người tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn; luôn đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết. Đồng chí là một tấm gương tiêu biểu về đức tính cách mạng “cần - kiệm - liêm - chính- chí công- vô tư” mà mọi người nên noi theo.