Lôi Phong - Sản xuất và bán lẻ đồ thờ cúng như bàn thờ, đèn thờ, khung ảnh thờ, bàn thờ, tượng phật

Tứ Thư Ngũ Kinh - Tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc

Thứ Ba, 17/09/2024
Trần Xuân Bách

Tứ Thư Ngũ Kinh là những chiếc tác kinh điển của nhà Nho, là bộ sách làm nền tảng cho Nho giáo. Sách ngày vừa là kinh điển của các môn đồ đạo Nho vừa là những tác phẩm văn chương tối cổ của Trung Quốc. Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu nhưng đều chú trọng đến luân thường đạo lý, chủ chương biến hóa tùy thời. Thời xưa, những ai đi học đều phải học hết các sách Tứ Thư Ngũ Kinh. Chỉ khi học xong các cuốn sách ấy thì mới có thể thông qua các kỳ thi để làm quan.

Vậy, Tứ Thư Ngũ Kinh là gì? Cùng loiphong.vn giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Tứ Thư Ngũ Kinh là gì?

Tứ Thư Ngũ Kinh là 9 tác phẩm kinh điển của văn hóa Trung Quốc, là nền tảng quan trọng của tư tưởng Nho học. Hàng ngàn năm nay, Tứ Thư Ngũ Kinh đã khai mở cho con người về tự nhiên, vũ trụ, triết lý nhân sinh cùng những hiểu biết về luân thường đạo lý. Đồng thời, chúng còn cung cấp trí huệ, kinh nghiệm trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những câu nói kinh điển trong bộ Tứ Thư - Ngũ Kinh vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.

Tứ Thư Ngũ Kinh - Bộ sách nổi tiếng của Nho giáo

Tứ Thư Ngũ Kinh - Bộ sách nổi tiếng của Nho giáo

Chi tiết về Tứ Thư - Ngũ Kinh sẽ được loiphong.vn giải đáp chi tiết và cụ thể trong nội dung tiếp theo. Cùng đón đọc nhé!

2. TỨ THƯ

2.1. Tứ thư là gì?

Tứ thư  (四書 Sì shū) là 4 tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Quốc, bao gồm:

  • 1. Đại Học (大學 Dà Xué)
  • 2. Trung Dung (中庸 Zhōng Yóng)
  • 3. Luận Ngữ (論語 Lùn Yǔ)
  • 4. Mạnh Tử(孟子 Mèng Zǐ)

Bộ sách Tứ Thư xuất hiện cách đây hơn 2000 năm. Bộ sách Tứ Thư mang theo bao thăng trầm của lịch sử Trung Hoa, lúc thì bị Tần Thủy Hoàng đốt, lúc thì bị tiêu tan trong cuộc nội chiến của Trung Quốc. Vậy nên, Tứ Thư không tránh được tình trạng “Tam sao thất bản”. Đến đời nhà Tống, bộ sách mới được các danh Nhu tu chỉnh.

Hai anh em họ Trình là Trình Hạo (1032 - 1085) và Trình Di (1033 - 1107) hiệu Y Xuyên là người đầu tiên nghiên cứu, biên soạn và chú giải về Tứ Thư và Ngũ Kinh. Sau đó, Chu Hy (1130 - 1200) hiệu là Hối Am đã bổ cứu, sắp đặt thành chương cú cho có thứ tự phân minh.

Bộ sách Tứ Thư gồm có 4 quyển

Bộ sách Tứ Thư gồm có 4 quyển

Bộ sách Tứ Thư (và Ngũ Kinh) ngày nay có công lao rất lớn của hai anh em Trình Hạo, Trình Di và Chu Hy ở thời nhà Tống.

2.2. Nội dung của Tứ Thư

Tứ Thư đề cập tới nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức, chính trị, pháp luật,...

Một trong những nội dung của Tứ Thư đó là tập trung vào việc xây dựng nhân cách con người với các vấn đề căn cốt như nhân, nghĩa, trí, lễ, tín. Chuẩn mực mà Tứ Thư đưa ra cho cá nhân, nhất là ở khía cạnh đạo đức đến nay vẫn mang tính thời sự và trình tự hệ thống: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Tứ Thư đề cao giá trị cá nhân khi mà nó gắn bó mật thiết với toàn bộ trật tự chung. Nói cách khác, nó hoàn thành nghĩa vụ và bổn phận đối với xã hội. Bởi vậy, chúng ta có thể khẳng định, đích đến cuối cùng của Tứ Thư là sự phát triển trong bình ổn với những quy định nghiêm ngặt về đạo đức. Những ảnh hưởng của Tứ Thư không chỉ ở phương Đông mà còn lan truyền, phổ cập ở nhiều nơi trên thế giới.

Nội dung của Tứ Thư đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau

Nội dung của Tứ Thư đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay, một số dân tộc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nội lực văn hóa truyền thống thì rất cần tìm hiểu, khám phá Tứ Thư và ngay cả mỗi người dân Việt Nam. Vì một phần văn hóa của chúng ta phát triển dựa trên việc tiếp thu, chọn lọc tinh hoa tư tưởng của Khổng Mạnh mà Tứ Thư là yếu tố cốt lõi. Thông qua Tứ Thư chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc để rồi có những định hướng cho chặng đường phát triển tiếp theo.

2.2.1. Đại Học

Đại Học (大學 Dà Xué) là một kinh điển trong yếu của nho gia. Xưa, người đến 15 tuổi thì sẽ vào bậc đại học và đọc sách này. “Đại học” được nhà nho giải thích là “đại nhân chi học” hiểu theo 2 nghĩa là cái học của bậc đại nhân và cái học để trở thành bậc đại nhân.

Đại Học vốn chỉ là một thiên trong sách Lễ ký (Kinh lễ sau này) được Tăng Sâm - học trò hạng trung của Khổng Tử chế hóa thành. Nó chỉ thuộc bộ Tứ Thư vào thời Tống với sự xuất hiện cuốn Tứ Thư của Chu Hy.

Sách Đại Học (大學 Dà Xué) gồm 2 phần:

  • Phần đầu có một thiên được gọi là Kinh, chép lại lời nói của Khổng Tử
  • Phần sau là các bài giảng của Tăng Tử, gọi là Truyện gồm 9 thiên

Đại Học đưa ra ba cương lĩnh (tam cương lĩnh) gồm Minh minh đức, Tân dân Chỉ ư chí thiện. Ba cương lĩnh được cụ thể hóa bằng 8 điều mục nhỏ gồm cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Tứ Thư Đại Học

Tứ Thư Đại Học

2.2.2. Luận Ngữ

Luận Ngữ là cuốn sách ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và lời nói của những người đương thời. Sách gồm có 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu để đặt tên và các thiên không liên hệ với nhau.

Khi đọc cuốn Luận Ngữ bạn sẽ hiểu được phẩm chất tư tưởng và tính tình của Khổng Tử nhất là về giáo dục. Ông tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý học trò, khéo đem lời dạy thích hợp cho từng trình độ, từng hoàn cảnh mỗi người. Có khi cùng một câu hỏi nhưng cách ông trả lời cho mỗi người lại khác nhau!

Sách Luận Ngữ dạy đạo quân tử một cách thực tiễn, miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu cho mọi người noi theo.

2.2.3. Trung Dung

Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra dựa trên cơ sở một thiên trong cuốn Kinh Lễ. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội Khổng Tử.

Trong Trung Dung, Tử Tư dẫn lời của Khổng Tử để nói về “trung dung” - tức là nói về cách giữ cho ý nghĩa và việc làm luôn trung hòa, không thái quá, không bất cập và cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Tứ Thư Trung Dung

Tứ Thư Trung Dung

Sách Trung Dung có 2 phần:

  • Phần 1: Từ chương 1 đến chương 20, gồm những lời của Khổng Tử dạy học trò về đạo lý trung dung, phải làm sao cho tâm được tồn, dưỡng, tĩnh, sát; mức ở được gồm đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để hài hòa với muôn vật, lòng Trời để trở thành người tài giỏi.
  • Phần 2: Từ chương 21 đến 33, là phần phụ gồm các ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm để làm rõ ý nghĩa và giá trị của “trung dung”.

 2.2.4. Mạnh Tử

Sách Mạnh Tử được biên soạn bởi Mạnh Tử và các môn đệ của ông: Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương,...Sách ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với vua chư hầu; giữa Mạnh Tử với học trò cùng với những lời phê bình của Mạnh Tử về các học thuyết của Mặc Tử, Dương Chu.

Sách Mạnh Tử gồm 7 thiên, chia làm 2 phần đó là Tâm học và Chính trị học.

Tâm học: Mạnh Tử cho rằng, mỗi người đều có tính thiện do Trời phú. Giáo dục phải lấy tính thiện làm cơ bản, giữ cho nó không mờ tối, trau dồi để trở thành người lương thiện. Học là để nuôi cái Tâm, cái Tính; biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh. Nhân và nghĩa vốn có trong lương tâm mỗi người.

Phần tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến bất kỳ ai cũng giữ được cái phẩm giá tôn quý.

Chính trị học: Mạnh Tử có chủ trương: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Đây là một tư tưởng rất táo bạo trong thời quân chủ chuyên chế đang thịnh hành. Chủ trương này của Mạnh Tử tuy mới mẻ nhưng rất hợp lý, làm cho người quân chủ thời đó không thể nào bắt bẻ được. Có thể đây chính là lý thuyết khởi đầu để hình thành chế độ quân chủ lập hiến sau này.

3. NGŨ KINH

3.1. Ngũ kinh là gì?

Ngũ Kinh (Phồn thể: 五經; Giản thể: 五经) là 5 quyển kinh điển của văn học Trung Quốc, được sử dụng để làm nền tảng trong Nho giáo. Theo truyền thuyết, Ngũ Kinh được Khổng Tử soạn thảo hoặc hiệu đính. Ngũ Kinh bao gồm:

  • 1. Kinh Thi (Phồn thể: 詩經; Giản thể: 诗经)
  • 2. Kinh Thư (Phồn thể: 書經; Giản thể: 尚书)
  • 3. Kinh Lễ (Phồn thể: 禮記; Giản thể: 礼记)
  • 4. Kinh Dịch (Phồn thể: 易經; Giản thể: 易经)
  • 5. Kinh Xuân Thu (春秋)

Bộ sách Ngũ Kinh được tái bản lại

Bộ sách Ngũ Kinh được tái bản lại

Ngoài ra, còn có Kinh Nhạc do Khổng Tử hiệu đính nhưng về sau bị Tần Thủy Hoàng đốt nên chỉ còn lại một ít thiên ở trong Kinh Lễ gọi là Nhạc ký. Do đó, Lục Kinh chỉ còn có Ngũ Kinh.

3.2. Nội dung của Ngũ Kinh

3.2.1. Kinh Thi

Kinh Thi còn gọi là Thi tam bách hay ngắn hơn là Thi bách, bao gồm các bài thơ, bài ca dao dân gian có từ trước Khổng Tử. Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả xã hội đương thời từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội, chế độ chính trị cho đến cây cỏ, sông núi, chim thú.

Kinh Thi được Khổng Tử san định thành 311 bài, trong đó có 305 thiên là đầy đủ còn 6 thiên chỉ có đề mục mà không có lời. Kinh Thi giáo dục mọi người tình cảm trong sáng, lành mạnh với cách thức diễn đạt rõ ràng. Kinh Thi chia làm 3 bộ lớn gồm Phong (160 bài), Nhã (105 bài), Tụng (40 bài)

3.2.2. Kinh Thư

Kinh Thư còn có tên gọi khác là Thượng Thư  (尚書 – Shàngshū) lưu lại các truyền thuyết, biến cố của các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các vị vua đời sau noi gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.

Kinh Thư hiện hành có 4 phần gồm 56 thiên.

  • Phần 1 Ngu Thư ghi chép về đời Nghiêu Thuấn, có 5 thiên.
  • Phần 2 Hạ Thư ghi chép về nhà Hạ gồm có 4 thiên
  • Phần 3 Thương Thư ghi chép về nhà Thương gồm có 11 thiên
  • Phần 4 Chu Thư ghi chép về nhà Chu, đến thời Tần Mục gồm có các thiên còn lại.

3.2.3. Kinh Lễ

Kinh Lễ hay Lễ Ký ghi chép lại các lễ nghi thời trước cùng với Chu lễ và Nghi lễ được gọi chung là Tam lễ. Khổng Tử hiệu đính lại Kinh Lễ để làm phương tiện duy trì và ổn định trật tự xã hội. Khổng Từ từng nói “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đúng ở đời”.

Kinh Lễ chủ yếu chép về lễ, bao quát hết các loại lễ tiết và các hiện tượng văn hóa, các loại quy tắc cơ bản. Từ sách Kinh Lễ ta có thể hiểu được quy định ban tước phẩm quốc gia, quy định ban lộc, tế tự, tuần thú, học đường, ăn uống, ứng đối,...

Bố cục bản Kinh Lễ thông dụng gồm có 49 chương.

Ngũ Thư Kinh Lễ

Ngũ Thư Kinh Lễ

3.2.4. Kinh Dịch

Kinh Dịch được cho là có nguồn gốc từ huyền thoại Phục Hy. Tương truyền, vua Phục Hy- vị vua huyền thoại của Trung Quốc, niên đại khoảng 2852 - 2738 TCN là người đầu tiên phát minh ra các ký hiệu nguyên thủy của Kinh Dịch.

Kinh Dịch nói về các tư tưởng triết học của Trung Quốc cổ đại, dựa trên các khái niệm như âm dương, bát quái,...Đời Chu, Chu Văn Chương đã đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ được gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào để cho mọi người dễ hiểu và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.

3.2.5. Kinh Xuân Thu

Kinh Xuân Thu được biết đến với tên gọi khác là Lân Kinh (麟經 – Línjīng), ghi chép các biến cố xảy ra ở thời nước Lỗ - quê của Khổng Tử từ năm 722 TCN đến năm 481 TCN. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà còn theo đuổi mục đích trị nước nên đã lựa chọn các sự kiện kèm theo các lời bình, sáng tác thêm lời nhạc để giáo dục các bậc vua chúa. Ông từng nói: “Thiên hạ biết đến ta bởi kinh Xuân Thu, thiên hạ trách ta cũng bởi kinh Xuân Thu”. Có thể nói, kinh Xuân Thu là cuốn kinh tâm đắc nhất của Khổng Tử. Xuân Thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói về những sự việc xảy ra.

4. Tổng hợp 15 Câu cách ngôn kinh điển trong Tứ Thư Ngũ Kinh

 

Tổng hợp 15 Câu cách ngôn kinh điển trong Tứ Thư Ngũ Kinh

Tổng hợp 15 Câu cách ngôn kinh điển trong Tứ Thư Ngũ Kinh

  • 1. Nhân thuỳ vô quá, quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên. (Tả Truyện)- Dịch văn: Ai là người không phạm phải lỗi lầm? Biết sai mà sửa thì chính là đại hảo sự.
  • 2. Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn. (Tả Truyện) - Dịch văn: Phải cảnh giác khi ở trong hoàn cảnh an lạc, phải nghĩ tới những hiểm nguy có thể xảy đến, nghĩ tới mới có sự phòng bị, phòng bị sẽ có thể tránh được họa hại.
  • 3. Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim. Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan. (Kinh Dịch) - Dịch văn: Hai người đồng lòng, như dao sắc có thể chặt đứt kim loại. Lời nói đồng lòng như hoa lan ngát hương nơi núi sâu.
  • 4. Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu. (Kinh Dịch) - Dịch Văn: Khi một điều không thông thuận thì ắt phải thay đổi, sau khi thay đổi sẽ đột nhiên thông thuận, thông thuận mới có thể dài lâu.
  • 5. Kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải. (Kinh Dịch) - Dịch văn: Gặp điều thiện thì nên học tập, có lỗi lầm thì sửa chữa.
  • 6. Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi. (Luận Ngữ) - Dịch văn: Điều người quân tử tỏ là đạo đức, lễ nghĩa; điều kẻ nhân hiểu là tiền tài, lợi ích.
  • 7. Tri chi vi tri chi, bất tri chi nhi bất tri, thị tri dã. (Luận Ngữ) - Dịch văn: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, như vậy mới được coi là thực sự biết. Đây chính là thái độ đúng đắn khi đối đãi với sự việc.
  • 8. Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi. (Luận Ngữ) - Dịch văn: Chỉ đọc sách mà không suy ngẫm sẽ cảm thấy u mê, không hiệu quả; chỉ suy nghĩ mà không đọc sách, đôi khi sẽ suy nghĩ viển vông, chẳng thể phá mê.
  • 9. Hiếu học nhi hiếu sát nhĩ ngôn, ẩn ác nhi dương thiện, chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân. (Trung Dung) - Dịch văn: Thích thỉnh giáo người khác, hơn nữa thích quan sát những lời thiển cận của mọi người, trừ bỏ những thứ tiêu cực, tuyên dương việc thiện của người khác, giỏi nắm bắt hai thái cực của sự việc, áp dụng cách làm thỏa đáng cho nhân dân.
  • 10. Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, mã hành chi. (Trung Dung) - Dịch văn: Học hỏi tri thức một cách sâu rộng, hỏi han tường tận về nguyên nhân phát triển của sự vật, thận trọng suy nghĩ, phân biệt rõ đúng sai, tiến hành một cách thực tế trong thực tiễn.
  • 11. Tự thành minh, vị chi tính; tự minh thành, vị chi giáo. Thành tắc minh hĩ, minh tắc thành hĩ. (Trung Dung) - Dịch văn: Nhờ thành khẩn mà minh bạch cái lý của sự việc, đây gọi là thiên tính. Do minh bạch cái lý của sự vật mà thành khẩn, đây là kết quả của giáo dục. Chân thành chính là minh tỏ lý lẽ, có thể hiểu được lý lẽ sẽ có thể làm được chân thành.
  • 12. Kiệm, đức chi cộng dã, xỉ, ác chi đại dã, nhất nhất. (Tả truyện) - Dịch văn: Tiết kiệm là cái đức lớn nhất trong những mỹ đức, xa xỉ là điều ác lớn nhất trong những việc ác.
  • 13. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm; dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý; dục thành kỳ ý giả, tiên chí kỳ tri, trí tri tại cách vật. (Đại học) - Dịch văn: Muốn tu dưỡng thân tâm, trước tiên phải đoan chính lại tâm thái của mình, muốn đoan chính lại tâm thái của mình, trước tiên phải thành thực với chính mình, muốn thành thực với chính mình, trước tiên phải làm phong phú tri thức của mình, muốn làm phong phú tri thức của mình trước tiên phải nghiên cứu nguyên lý xâu xa của sự vật.
  • 14. Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn. (Đại học) - Dịch văn: Người giàu trang trí nhà cửa xa hoa, lộng lẫy, người nhân đức trong tâm rộng rãi, thân thể tự nhiên cũng thư thái
  • 15. Quân tử hữu đại đạo, tất trung tín dĩ đắc chi, ngạo thái dĩ thất chi. (Đại học) - Dịch văn: Bậc quân tử có đạo rộng lớn của mình, chính là phải dùng Trung, Tín làm đầu; kiêu ngạo quá mức thì sẽ mất đi cái gốc đó.

Tứ  Thư Ngũ Kinh là bộ sách kinh điển, là nền tảng quan trọng của Nho giáo mang tới nhiều nền tảng kiến thức quan trọng. Những giá trị của Tứ Thư Ngũ Kinh vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Hy vọng các thông tin có trong bài viết của loiphong.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Tứ Thư - Ngũ Kinh.

Viết bình luận của bạn
Danh mục
Chat messenger