Tô Hoài
Với 95 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi nghề, hơn 150 đầu sách được xuất bản, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam đạt được nhiều con số kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác. Ở mọi thể loại sáng tác, ông cũng tạo lập được giá trị riêng nhờ lối viết thông minh, sử dụng ngôn ngữ đặc sắc, giàu hình ảnh, cảm xúc nên được mệnh danh là “nhà văn của nhà văn”, sinh ra là để viết.
1. Tô Hoài là ai? Tiểu sử nhà văn Tô Hoài
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, quê tại làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Trước khi đến với nghề văn, Tô Hoài làm nhiều công việc khác nhau như dạy trẻ, bán hàng, thợ thủ công dệt lụa, kế toán,...và có cả thời điểm thất nghiệp, không có việc làm.
Tô Hoài - Cây đại thụ văn chương, một đời cần cù đi và viết
Bút danh Tô Hoài được đặt từ hai địa danh nổi tiếng gắn bó với tuổi thơ và những năm tháng trẻ tuổi của ông là Phủ Hoài Đức và sông Tô Lịch. Ngoài bút danh Tô Hoài còn có nhiều bút danh khác như Vũ Đột Kích, Mai Trang, Thái Yên, Hồng Hoa, Phạm Hòa.
Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và bắt đầu viết bài cho báo Cứu quốc và Cờ giải phóng.
Sau cách mạng tháng Tám, Tô Hoài làm Chủ nhiệm báo Cứu quốc. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu đầu tiên Nam tiến và tham dự một số chiến dịch ở mặt trận phía Nam. Năm 1946, ông kết nạp vào Đảng.
Đến năm 1950, Tô Hoài về công tác tại Hội văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1957 - 1980, Tô Hoài đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong Hội nhà văn như Ủy viên Đảng Đoàn, Phó tổng thư ký, Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, Giám đốc Nhà xuất bản Thiếu nhi.
Đến với con đường sáng tác nghệ thuật từ cuối những năm 30, Tô Hoài đã có một số lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tiểu luận,...Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, nhà văn Tô Hoài được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1966.
2. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài
Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài
2.1. Trước cách mạng tháng Tám
Tô Hoài đến với nghề viết văn từ những năm 17, 18 tuổi. Các tác phẩm sáng tác đầu tay của ông được đăng trên “Hà Nội tân văn” và “Tiểu thuyết thứ bảy”. Dù xuất hiện ở giai đoạn cuối của thời kỳ 1930 - 1945 nhưng Tô Hoài đã nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình trong đội ngũ nhà văn thời kỳ này với các tác phẩm tiêu biểu như Dế mèn phiêu lưu kí (1941), Quê người (1941), O chuột (1942), Trăng thề (1943) Nhà nghèo (1944).
Tô Hoài từng bộc bạch trong cuốn Tự truyện về việc ông đến với nghề văn, ông viết: “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba mươi năm trước cách mạng tháng 8, 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chả có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cố khỏe như vậy đấy”.
Những tác phẩm của Tô Hoài trước cách mạng được chia thành 2 loại chính là truyện về loài vật và truyện về nông thôn trong cảnh đói nghèo.
Viết về loài vật, Tô Hoài dành khá nhiều trang để thể hiện sự chân thật, sinh động tạo cho người đọc dấu ấn bền lâu. Thế giới loài vật trong tác phẩm của Tô Hoài rất độc đáo. Thế giới ấy gợi cho người đọc sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Chính vì lẽ đó, từ trước đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như nhà văn Tô Hoài.
Bên cạnh truyện viết về loài vật, mảng truyện viết về cảnh sống đói nghèo cũng được nhà văn miêu tả chân thật và sinh động. Cuộc sống cùng quẫn bế tắc của những kiếp người nghèo khổ, lang thang, phiêu bạt nơi đất khách quê người, những người thợ thủ công bị phá sản,...dần dần hiện qua từng trang sách với tất cả sự cảm thông. Đó là thân phận của bà lão Vối trong truyện Mẹ già, chị Hối trong truyện Ông cúm bà cơ,....Ở thời kỳ này, Tô Hoài có cũng có những khát vọng thoát khỏi bế tắc, thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, buồn tẻ, vô vị.
Nhà văn Tô Hoài để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc
Tóm lại, trước cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã có khi bế tắc trước cuộc đời nhưng vẫn đứng vững ở vị trí nhà văn hiện thực. Tâm hồn của Tô Hoài bao giờ cũng có vẻ đẹp trong sáng, đáng trân trọng trong cảnh đời đen tối. Dù ở đề tài nào, đối tượng khám phá nào, thế giới nghệ thuật của Tô Hoài trước cách mạng đều thấm đượm tính nhân văn, mang dấu ấn sâu sắc về quãng đời của ông. Tô Hoài quan niệm “những sáng tác của tôi đều miêu tả tâm trạng tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái nhìn của xung quanh. Những nghèo đói, cùng túng, đau đớn. Phần nào nhẹ nhàng hay xót xa, hay nghịch ngợm và chút khinh bạc là phần nào con người và tư tưởng tiểu tư sản của tôi”.
2.2. Sau cách mạng tháng Tám
Sau cách mạng tháng Tám, Tô Hoài có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng sáng tác. Tâm trạng trăn trở, phân vân định hướng không dừng lại quá lâu trong ông, ông đã chiếm lĩnh hiện thực của cuộc sống và sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị ở nhiều thể thoại. Tiêu biểu là tiểu thuyết Miền Tây của ông đã đạt giải thưởng Bông sen vàng của Hội Nhà văn Á Phi năm 1970.
Bước chuyển trong sáng tác của Tô Hoài được thể hiện rõ trong cả chủ đề và đề tài sáng tác. Nhà văn không bó hẹp nội dung và đối tượng phản ánh mà còn hướng đến một không gian rộng lớn, đến với cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau.
Không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết Tô Hoài còn đạt được nhiều thành tựu đặc sắc ở thể loại ký. Đặc biệt, Tô Hoài có các tập hồi ký gắn liền với bao nỗi vui buồn, mơ ước của tuổi thơ, bao kỷ niệm với những bạn văn, đời văn của ông.
Cách viết hồi ký của Tô Hoài rất linh hoạt biến hóa, các sự kiện được khai thác theo mạch liên tưởng, đan xen lẫn nhau nên tạo được sức hấp dẫn đối với người đọc.
Những sáng tác của Tô Hoài sau cách mạng tháng Tám đã khẳng định được vị trí và tài năng nghệ thuật của ông trong hiện thực của cuộc đời. Tô Hoài xứng đáng là tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Sau cách mạng tháng Tám Tô Hoài có sự thay đổi mạnh mẽ trong sáng tác
Tác phẩm chính của Tô Hoài sau Cách mạng tháng Tám :
- Truyện ngắn : Núi cứu quốc (1948), Xuống làng (1950), Truyện Tây Bắc (1953, Giải nhất tiểu thuyết năm 1956 của Hội Văn nghệ Việt Nam), Khác trước (1957), Vỡ tỉnh (1962), Người ven thành(1972).
- Tiểu thuyết : Mười năm (1957), Miền Tây (1967, Giải thưởng Bông sen vàng năm 1970 của Hội Nhà văn Á Phi), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971), Tự truyện (1978), Những ngõ phố, người đường phố(1980), Quê nhà (1981, Giải A năm 1980 của giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội), Nhớ Mai Châu (1988).
- Kí: Đại đội Thắng Bình (1950), Thành phố Lênin (1961), Tôi thăm Campuchia (1964), Nhật ký vùng cao (1969), Trái đất tên người (1978), Hoa hồng vàng song cửa (1981). Cát bụi chân ai (1992).
- Truyện thiếu nhi : Tuyển tập Văn học thiếu nhi, tập I & II (1999)
- Tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác : Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Người bạn đọc ấy (1963), Sổ tay viết văn (1977), Nghệ thuật và phương pháp viết văn (1997).
3. Phong cách nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài
3.1. Không gian nghệ thuật, đối tượng khám phá
Tác phẩm của nhà văn Tô Hoài chủ yếu viết về 2 địa bàn đó là vùng ngoại thành Hà Nội và miền núi Tây Bắc. Đối tượng được Tô Hoài khai thác nhiều nhất, thành công nhất đó là cuộc sống của người lao động nghèo. Bên cạnh đó, ông cũng là một trong số ít nhà văn Việt Nam có sở trường viết truyện về loài vật. Thế giới loài vật trong sáng tác của Tô Hoài rất đa dạng, được nhân hóa nên luôn có sức hấp dẫn với người đọc giúp họ nhận ra sự sinh tồn tự nhiên của xã hội loài vật.
Những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của Tô Hoài cũng không nằm ngoài không gian nghệ thuật, đối tượng khám phá đã đề cập ở trên.
Không gian nghệ thuật, đối tượng khám phá không giới hạn
3.2. Lối viết đậm đà màu sắc dân tộc
Lối viết văn đậm đà màu sắc dân tộc được thể hiện qua:
● Cách đặt tên cho tác phẩm của Tô Hoài có khi xuất phát từ thành ngữ dân gian như “đất khách quê người”, “hoa đồng cỏ dại”, “giăng thề còn đó trơ trơ”,...
● Cách kể chuyện, dẫn truyện có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, thể hiện rõ qua tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
● Tô Hoài thường khám phá, thể hiện truyền thống nhân nghĩa của con người Việt Nam như trọng nghĩa, khí tiết, thủy chung,...
● Tô Hoài khai thác đề tài lịch sử để ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, tiêu biểu là tác phẩm đảo hoang, chuyện ông Gióng
3.3. Cách quan sát tinh tế, thông minh
Cách quan sát thông minh, hóm hỉnh và tinh tế là khả năng nổi trội của Tô Hoài trong quá trình sáng tác nghệ thuật. Khả năng này được thể hiện rõ thông qua các sáng tác viết về loài vật trước cách mạng. Những trang văn của Tô Hoài khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán, lễ hội vùng ngoại thành Hà Nội, vùng núi Tây Bắc đều để lại ấn tượng cho người đọc; là nguồn tư liệu phong phú về lịch sử, địa lý, đời sống văn hóa,....
Đặc biệt, khi miêu tả ngoại hình và diễn biến tâm lí nhân vật, Tô Hoài đã lựa chọn những chi tiết độc đáo có sức gợi cảm, tác động mãnh liệt tới nhận thức của người đọc. Nhà văn còn sử dụng yếu tố ngoại cảnh để làm nổi bật nội tâm nhân vật qua từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Bởi vậy, nhân vật trong tác phẩm của Tô Hoài luôn mang nét riêng, gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm.
3.4. Sử dụng ngôn từ đặc sắc
Ngôn từ nhà văn Tô Hoài sử dụng trong tác phẩm của mình đều xuất phát từ đời sống quần chúng. Theo ông, đó là kho của cải vô giá nên ông đã chọn lựa, nâng cao và nghệ thuật hóa trong sáng tác của mình để tăng thêm giá trị. Tô Hoài từng khẳng định: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương mà có….Câu nói là bộ mặt của ý. Ý không bao giờ lặp lại cũng giống như cuộc sống sẽ không bao giờ trở lại giống nhau như đúc thì lời văn cũng phải thế”
Ngôn từ sắc sảo, ấn tượng trong từng sáng tác
Với nhận thức trên, Tô Hoài luôn trau dồi, học hỏi ngôn ngữ đời sống của người dân. Ở từng vùng đất, từng nhân vật ông đều có cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đặc điểm, không gian. Ngoài ra, Tô Hoài còn sử dụng thành công những từ ngữ giàu sắc tạo hình, từ chỉ màu sắc, từ địa phương,...Điều đó giúp cho tác phẩm của ông có vẻ đẹp giản dị nhưng cũng không kém phần lý thú.
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài không một ai có thể sánh kịp. Những sáng tác tiêu biểu của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức…., được bạn bè quốc tế yêu thích đón nhận. Với những thành tựu to lớn sau hơn nửa thế kỷ sáng tác nghệ thuật, Tô Hoài xứng đáng là nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi Việt Nam, nhà văn của mọi nhà văn.