Tảo Mộ
Tảo mộ đã trở thành một trong những nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân Việt Nam được lưu truyền từ thời xa xưa cho tới nay. Đây được xem là dịp để cho con cháu có thể tưởng nhớ và hướng tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên những người đã mất của mình. Vậy để tìm hiểu rõ hơn về ngày này hãy cùng khám phá bài viết dưới đây của Lôi Phong nhé.
1. Tảo mộ là ngày gì?
Tảo mộ hay còn được gọi là ngày tiết thanh minh, đây là một trong những ngày rất quan trọng đối với người dân Việt Nam. Đây là dịp để cho con cháu bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của mình đối với tổ tiên, đấng sinh thành đã mất.
Hiểu theo ý nghĩa đơn giản nhất tảo mộ chính là ngày để cho con cháu dọn dẹp cây cỏ, sữa sang và quét dọn lại phần mộ của ông bà, cha mẹ, tổ tiên của mình trước khi Tết đến xuân về. Hoạt động này mang tính dòng tộc rất cao nhằm giúp gắn kết tinh thần đoàn kết của con cháu cùng huyết thống.
Đặc biệt ở một số dòng tộc lớn còn thường ấn định cụ thể ngày dọn mộ vào dịp cuối năm. Ngày này sẽ được ghi chép cẩn thận, chi tiết ở trong gia phả của dòng họ và như lời nhắc nhở cho con cháu ở đời sau hãy luôn tiếp tục gìn giữ và lưu truyền.
Tảo mộ là ngày mà con cháu dọn dẹp, sửa sang phần mộ của những người thân đã mất của mình
2. Tảo mộ là ngày bao nhiêu?
Chắc hẳn cũng có nhiều người đang thắc mắc tảo mộ là ngày bao nhiêu. Theo như quan niệm của người dân Việt Nam, trước khi bước sang một năm mới thì mọi thứ cũng cần phải được sạch sẽ, mới mẻ và tươm tất. Kể cả phần mộ của người đã mất cũng vậy, cũng cần được dọn dẹp, sửa sang để đón năm mới như người ở trần gian.
Chính vì thế người dân Việt Nam thường tiến hành việc tảo mộ rơi vào khoảng từ ngày 20 đến ngày 30 âm lịch. Tuỳ theo truyền thống của từng gia đình, dòng họ sẽ chọn ngày quét mộ là khác nhau.
Tuy nhiên có một số địa phương chọn ngày tết thanh minh là ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm để làm ngày tảo mộ. Thế nhưng từ trước tới nay đều quy định tảo mộ chỉ diễn ra một lần ở trong năm. Vì thế nếu đã tảo mộ vào ngày cuối năm thì tết thanh minh sẽ không cần phải làm nữa.
Hoạt động này thường diễn ra từ ngày 20 tới ngày 30 âm lịch hoặc trong tết thanh minh
3. Ý nghĩa của phong tục tảo mộ
Không phải tự nhiên mà tảo mộ được xem là một phong tục, truyền thống vào mỗi dịp tết đến xuân về. Hoạt động này mang tới nhiều ý nghĩa khác nhau nên nó đã được con cháu lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Đối với những người đã khuất, mộ phần được xem như chính ngôi nhà và là nơi yên nghỉ của họ. Vì vậy những ngày cuối năm hay đầu năm phần mộ được dọn dẹp sạch sẽ sẽ giúp bày tỏ được sự hiếu thảo quan tâm của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã mất của mình.
Đồng thời hoạt động này còn là dịp để cho tất cả các thành viên, con cháu ghi nhớ được về cội nguồn, tưởng nhớ tới đấng sinh thành và dưỡng dục của mình. Do vậy tảo mộ còn được xem là một phong tục truyền thống thể hiện nét đẹp uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam ta từ xưa tới nay.
Đây là dịp giúp con cháu bày tỏ được tấm lòng hiếu thảo cũng như để các thành viên nhớ về cội nguồn của mình
4. Đi tảo mộ cần phải chuẩn bị những gì?
Như đã biết ở trên tảo mộ là việc mà con cháu tới để sửa sang, dọn dẹp và cọ rửa phần mộ. Vì thế việc chuẩn bị đồ vật, lễ cúng đầy đủ nhất cho hoạt động này là rất cần thiết. Khi đi tảo mộ bạn cần phải biết những điều sau.
4.1. Chuẩn bị dụng cụ dọn dẹp mộ
Dụng cụ cần chuẩn bị để dọn dẹp mộ vào ngày này cũng không quá cầu kỳ. Bạn chỉ cần mang theo những vật dụng cơ bản dưới đây.
● Xẻng, cuốc: Mang theo để đắp lại những phần mộ bằng đất được đầy đặn hơn. Đồng thời theo quan niệm trong dân gian việc dùng cuốc còn có ý nghĩa là mở đường để mời ông bà, tổ tiên về đón Tết cùng với con cháu.
● Chổi, dao nhỏ.
● Bật lửa.
● Khăn lau.
● Nhang.
Chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết để mang đi dọn dẹp, sửa sang mộ phần
4.2. Làm mâm cúng
Bên cạnh việc dọn dẹp thì gia đình cũng nên chuẩn bị mâm cúng để cho nghi thức tảo mộ được diễn ra trọn vẹn nhất. Bạn cần chuẩn bị hoa tươi, trầu cau, rượu, bia, thuốc lá, trà, nến, tiền vàng, quần áo,... Đồng thời có thể sắp mâm cúng mặn hoặc cúng chay. Trong đó:
● Mâm cúng mặn: Cần có gà luộc, chân giò, mâm trái cây…
● Mam cúng chay: Cần có xôi, chả chay, nem chay, trái cây, nước, trà, gạo, muối…
Chuẩn bị mâm cúng để mang ra mộ cho nghi lễ được diễn ra trọn vẹn nhất
4.3. Văn khấn trong ngày tảo mộ
Những thứ bạn chuẩn bị ở trên là về mặt vật chất, để cho ngày tảo mộ được diễn ra đầy đủ nhất thì người chủ trì còn cần chuẩn bị thêm cả văn khấn. Với những người đã thực hiện công việc này hàng năm thì chắc chắn văn khấn họ đã nắm rõ. Tuy nhiên với những ai ít khi đi tảo mộ hay những bạn trẻ thì bài văn khấn như thế nào là chuẩn nhất là điều mà họ vẫn đang khá bỡ ngỡ. Vì thế chúng tôi sẽ chia sẻ tới bạn bài văn khấn dưới đây.
“Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy các ngài thần linh bản xứ đang cai quản trong khu vực này.
Hôm nay ngày (đọc theo ngày âm lịch). Tín chủ chúng con là… Ngụ tại…
Nhân tiết thanh minh, tín chủ chúng con sắm ít hương lễ, trầu cau, thắp nén nhang trước án kính mời chư vị thần linh, tổ tôn chiếu giám.
Gia đình chúng con có ngôi mộ của:... (kể phần mộ của tổ tiên mình). Phần mộ được táng tại nơi này, nay mong muốn được sửa sang xây đắp. Vì vậy, con xin kính cáo với các đấng thần linh, thổ công, thổ phủ, long mạch, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ và chư vị tôn thần cai quản trong khu vực này.
Chúng con mong muốn được các thần cùng tổ tiên chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Cầu xin phù hộ cho tín chủ chúng con luôn mạnh khỏe, hưởng thái bình, an lạc.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần). “
5. Quy trình tảo mộ diễn ra như thế nào?
Nắm được quy trình tảo mộ diễn ra như thế nào là điều rất quan trọng. Theo như phong tục của người dân Việt Nam tục lệ này sẽ được diễn ra theo trình tự như sau.
● Gia chủ đến thăm phần mộ của gia đình mình trước tiên rồi mới tới những phần mộ cận kề.
● Người nhiều tuổi nhất dâng hương đầu tiên rồi mới tới con cháu. Nếu tảo mộ theo gia đình thì trưởng nam sẽ thực hiện dâng hương trước. Lưu ý khi thắp hương sẽ dùng số lẻ còn nến dùng số chẵn.
● Gia chủ sẽ đặt lễ cúng vào vị trí phần mộ chung rồi thắp hương và khấn vái theo bài văn khấn đã được chia sẻ ở trên. Sau khi khấn vái xong cần phải chờ hương tàn hết thì mới thụ lễ.
● Thời gian chờ đợi hương tàn bạn sẽ thực hiện việc dọn dẹp và sửa sang xung quanh các mộ phần.
● Khi hương đã tàn khoảng ⅔ gia chủ sẽ hoá vàng và xin lộc.
Con cháu khi ra tảo mộ sẽ thắp hương và xin được dọn dẹp, sửa sang xung quanh mộ phần
6. Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ
Mộ phần là một trong những nơi linh thiêng nên khi đi tảo mộ bạn cần phải lưu ý tới những điều sau để tránh rước xui xẻo vào mình.
6.1. Không đi tảo mộ chỉ có 1 mình tại nơi hoang vu, hẻo lánh
Theo chuyên gia phong thuỷ, mộ phần là nơi chôn cất người đã mất nên sẽ có rất nhiều tà khí. Chính vì vậy khi đi tảo mộ bạn không nên đi một mình, hãy đi thành đoàn người, nhất là nhưng ngôi mộ ở nơi hẻo lánh.
Khi thực hiện nghi lễ xong về nhà nên bước qua chậu lửa hay tắm nước lá để giúp xua đuổi đi tà khí, điềm xấu. Đây là một trong những cách đang được rất nhiều người áp dụng.
Không đi một mình tới những ngôi mộ ở nơi hoang vu hẻo lánh
6.2. Nhớ cúng thần linh xung quanh mộ phần
Thần linh được xem là vị thần tối cao luôn che chở và bảo vệ cho mộ phần ông bà, tổ tiên những người đã khuất. Vì thế vào ngày này bên cạnh việc cúng bái tổ tiên của mình bạn cũng nên bái lạy các vị thần linh xung quanh.
6.3. Không dẫm đạp lên mộ phần khác
Mộ phần là nơi rất thiêng liêng vì thế dù là mộ của tổ tiên mình hay người khác thì nhất định bạn cũng không được dẫm đạp lên. Điều này sẽ làm kích động và ảnh hưởng tới mộ phần cũng như thể hiện sự bất kính với những người đã khuất. Nó có thể khiến cho bạn không may mắn và gặp phải vận đen trong công việc, cuộc sống.
Không dẫm đạp lên các phần mộ xung quanh trong quá trình thờ cúng
6.4. Không chụp ảnh xung quanh mộ
Vào ngày này mọi người thường quay phim, chụp ảnh với mong muốn lưu lại khoảnh khắc đặc biệt này. Thế nhưng việc chụp ảnh ở nơi có mộ phần là điều không nên. Đặc biệt bạn tuyệt đối không chụp theo hàng ngang và quay lưng về phía của mộ. Bởi đây là hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng với những người đã mất.
6.5. Không để phụ nữ đang có thai hoặc đang có kinh nguyệt đến tảo mộ
Phụ nữ đang mang thai hoặc có kinh nguyệt thường sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn so với bình thường. Vì thế khi đến mộ, nơi mà có nhiều âm khí thường dễ khiến cho họ nhiễm lạnh hoặc mắc bệnh bởi trúng khí độc tại đây.
Đồng thời cũng nên hạn chế đi tảo mộ vào mới sáng sớm và những ngày trời đang âm u. Bởi điều này sẽ khiến cho bạn dễ bị nhiễm khí lạnh và gặp phải những điều không may mắn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
6.6. Tránh việc đùa cợt, cười nói to tiếng
Mộ là nơi linh thiêng, đòi hỏi sự nghiêm chỉnh nên khi tới đây tảo mộ bạn tránh việc đùa cợt, cười nói to tiếng. Đặc biệt tránh gọi tên nhau ở những nơi này vì theo quan niệm dân gian như vậy người mất thường sẽ theo tên của người đường gọi về nhà.