Quy y Tam Bảo là gì? Ý nghĩa và lợi ích khi quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo là thuật ngữ được nhắc đến nhiều hiện nay, được coi là bước đi đầu tiên trên con đường Phật giáo, là điểm khởi đầu của Phật tử khi đi theo giáo lý của đạo Phật. Vậy, quy y Tam Bảo là gì? Lợi ích, ý nghĩa và những lưu ý khi quy y Tam Bảo? Tất cả sẽ được loiphong.com giải đáp chi tiết trong nội dung thông tin dưới đây.
1. Quy y Tam Bảo là gì?
Để hiểu hết nghĩa của quy y Tam Bảo loiphong.com sẽ cắt nghĩa cụ thể như sau:
Quy y Tam Bảo là quay về nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng
1.1. Quy y là gì?
“Quy” có nghĩa là quay về, “y” có nghĩa là nương tự. Quy y nghĩa là quay về nương tựa. Trong Phật giáo, quy y là nơi giúp cho chúng sinh tìm đến sự an toàn cho bản thân, tâm được thanh tịnh, thoát khỏi những khổ đau của cuộc sống. Quy y bao gồm quy y Phật - Pháp - Tăng và gọi chung là quy y Tam Bảo.
Phật tử khi đã quy y thì luôn phải trau dồi đạo đức, nhân cách. Trong đó, phải tuân thủ không phạm phải 5 điều cấm kỵ đó là không sát sinh, không tà dâm, không trộm cướp, không uống rượu, không nói dối.
Trong Phật giáo, quy y được chia thành quy y thế tục và quy y siêu thế.
1.2. Tam Bảo là gì?
“Tam” là ba, “Bảo” là quý báu. “Tam Bảo” có nghĩa là “ba ngôi báu”, gồm có Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo hay còn gọi là Phật - Pháp - Tăng. Lý giải chi tiết như sau:
Tam Bảo là gì?
- Phật: Là bậc giác ngộ tối thượng. Đức Phật ra đời để khai ngộ trì kiến cho chúng sinh, đưa cho chúng sinh sự hiểu biết đúng đắn về chân lý. Vậy nên Phật rất quý báu.
- Pháp: Là lời dạy của Đức Phật để đưa mọi chúng sinh đến với hạnh phúc, an vui. Dựa vào giáo Pháp, chúng ta có thể tu học, thực hành giúp chúng ta đến được với giác ngộ, giải thoát, chấm dứt mọi khổ đau. Do đó, Pháp của Phật được tôn xưng là ngôi báu thứ hai.
- Tăng: Là đoàn thể những người đã xuất gia và thực hành theo lời Phật dạy để có được sự giải thoát, giác ngộ; giúp bản thân và chúng sinh đến được nơi hạnh phúc, an vui, chấm dứt khổ đau. Bởi vậy, họ là những con người rất đáng quý.
1.3. Quy y Tam Bảo là gì?
“Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, một người quy y Tam Bảo là người có đủ duyên lành để giác ngộ, để tiếp cận Phật pháp, để hồi đầu quy hướng về Tam Bảo, để bắt đầu làm mới lại bản thân trong việc tu học, hoàn thiện nhân cách đạo đức. Đây là điều kiện tốt để chúng ta bước ra khỏi những sai lầm, ràng buộc do vô minh, vòng luẩn quẩn của khổ đau.
Quy y Tam Bảo còn gọi là Tam quy y, có nghĩa là quay về nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng để luyện tâm tánh và tuân theo lời nhắc của chư Phật. Đức Phật từng dạy:
“Quy y Phật không đọa địa ngục
Quy y Pháp không đọa ngạ quỷ
Quy y Tăng không đọa súc sinh”
Khi đã quyết định quy y Tam Bảo thì bạn cần phải quyết tâm, cam kết mạnh mẽ để học hỏi, thực hành, thể hiện đức tính Đức Phật, Pháp, Tăng. Từ đó, bạn sẽ có được những lợi ích to lớn.
2. Lợi ích khi quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo là bước đi chính thức đầu tiên của Phật tử, chúng sinh trên con đường Phật giáo. Lợi ích khi quy y Tam Bảo có rất nhiều, chúng ta có thể cầu được hiện thế hay đời sau có được sự an lạc. Nếu rơi vào cảnh bi thảm mà không thấy được đích sáng để đi tới hay không có các thầy dìu dắt thì sẽ mãi quay cuồng trong biển sanh tử luân hồi. Cái đích sáng đó là Đức Phật, Pháp là phương tiện hỗ trợ và Tăng chính là bậc thầy dìu dắt.
Lợi ích của quy y Tam Bảo
Những lợi ích khi quy y Tam Bảo đó là:
- Trở thành đệ tử của Phật
- Là nền tảng của việc thọ giới
- Có thể tiêu trừ được nghiệp chướng
- Có thể tích tập phước đức to lớn
- Không đọa ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh)
- Được thành Phật đạo
- Có thể thành công khi làm mọi việc lớn
Phật từng dạy, nếu người quy y Tam Bảo thì sẽ được Tứ đại thiên vương sai 36 vị thiện thần trì hộ, 36 vị thiện thần này còn có trăm ngàn vạn ức hà sa quyến thuộc cùng theo trì hộ người quy y Tam Bảo. Chúng ta cần phải biết rằng, dù đã quy y Tam Bảo có thể cầu hiện thế bình an nhưng mục đích cuối cùng đó là trở về và làm sống dậy tự tánh Tam Bảo trong mỗi người. Đó mới đúng là quy y Tam Bảo.
3. Ý nghĩa của quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo giúp chúng ta tìm được nơi ẩn náu an toàn, ổn định cuộc đời. Lúc này, Đức Phật được ví như bác sĩ, Pháp được coi là thuốc chữa bệnh còn Tăng đoàn là đội ngũ y tá. Mỗi yếu tố có tác dụng giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ. Khi chúng sinh quy y Tam Bảo sẽ luôn vui vẻ, thoát khỏi khổ đau.
Ý nghĩa của quy y Tam Bảo
Phật - Pháp - Tăng sẽ giúp chúng sinh thoát khỏi nỗi đau tinh thần, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Sự quy y Tam Bảo
Khi quy y Tam Bảo bằng sự cung kính, vâng theo Tam Bảo thì có nghĩa là quy y Tam Bảo.
- Sự quy y Phật: Là việc chúng ta luôn tưởng nhớ tới Phật hàng ngày, niệm danh hiệu Ngài, chiêm ngưỡng Ngài. Luôn tỏ lòng sùng kính, nguyện suốt đời đi theo bước chân Ngài.
- Sự quy y Pháp: Bạn đọc kinh luật, tụng, tìm hiểu về nghĩa lý Pháp bảo, nghĩ về những điều tốt lành, những việc có lợi ích. Qua đó, giúp bạn bỏ qua được dục vọng để tâm trí sáng suốt, an lành, thanh tịnh.
- Sự quy y Tăng: là lòng kính Tăng vì Tăng sẽ là đại diện cho Đức Phật.
Lý quy y Tam Bảo
Lý quy y Tam Bảo có nghĩa là quy y Tam Bảo ở bên trong con người chúng ta. Thực hành lý quy y hay tam tự quy y gồm có tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng. Cụ thể:
- Tự quy y Phật: Tự mình trở về với Phật, sáng suốt, phá vỡ vọng tưởng vô minh
- Tự quy y Pháp: Vâng theo Pháp tánh của mình như sự từ bi, bình đẳng, nhẫn nhục, tinh tấn,...Việc phát huy được những tính ấy sẽ mang tới những hành động đúng và được gọi là tự quy y Pháp.
- Tự quy y Tăng: Có nghĩa là vâng lời Thầy ở trong tâm thức, chính là đức tính thanh tịnh, hòa hợp.
4. Nghi thức hành lễ quy y Tam Bảo
Phải gội rửa thân tâm cho trong sạch
Trước khi quy y, chúng ta cần phải chỉnh y phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư Tăng đến trai đường, đảnh lễ và cầu xin chư Tăng rủ lòng từ bi truyền trao quy giới cho mình.
Trước khi hành lễ, thân tâm chúng ta cần phải được gội rửa trong sạch nên bạn cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề. Còn về Tâm thì ta cần phải ba phen sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nhờ sự tẩy gội cả trong lẫn ngoài thì ta mới xứng đáng đón nhận pháp thanh tịnh cao quý của Tam Bảo.
Phát nguyện
Đến giờ quy y, chúng ta phải quỳ xuống, theo lời hướng dẫn của chư Tăng, chí thành phát nguyện:
“Ðệ tử xin suốt đời quy y Phật.
Ðệ tử xin suốt đời quy y Pháp.
Ðệ tử xin suốt đời quy y Tăng.”
Khi đã phát nguyện Tam Bảo quy y, người phát nguyện tin rằng mình đã gieo hạt giống giải thoát, thế nào cũng đều sẽ gặt được kết quả tốt là sẽ thoát ly 3 đường ác đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bởi vậy, người quy y sẽ nói:
“Ðệ tử quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
Ðệ tử quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.
Ðệ tử quy y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.”
Nghi thức hành lễ quy y Tam Bảo
Thế là đã trọn vẹn việc Tam quy và Tam kiết
Để giữ vững đức tin trên con đường Đạo, người quy y tự nguyện thành khẩn và mạnh mẽ:
“Ðệ tử quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.
Ðệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.
Ðệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.”
Như vậy, việc quy y Tam Bảo đã hoàn tất. Phật tử, chúng sinh chỉ cần làm đúng theo những lời mình đã phát nguyện và tuyên thệ trước Tam Bảo.
5. Lưu ý khi quy y Tam Bảo
Khi đã trở thành Phật tử, quy y Tam Bảo bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt nếp sống tôn giáo như viếng chùa mỗi tuần ít nhất là 1 lần, có bàn thờ Phật ở trong nhà, thường xuyên đọc kinh lời dạy Đức Phật.
Lưu ý khi quy y Tam Bảo
Bên cạnh đó còn có một số lưu ý sau:
- Phật tử có thể thờ tượng Phật theo ý nguyện hoặc lập bàn thờ ở nơi sạch sẽ, tránh người qua lại.
- Không được thờ Phật ở trong phòng ngủ, nhà bếp,... - những nơi không trang nghiêm.
- Phải thực hành ăn chay ít nhất vào mồng một và ngày rằm hàng tháng. Thực hành ăn chay để nhớ tới lời dạy không sát sinh, chấm dứt nợ với chúng sinh luân hồi chuyển kiếp.
Mong rằng, những thông tin chia sẻ trên đây về quy y Tam Bảo sẽ giúp ích với bạn. Quy y Tam Bảo là tin tưởng vào Tam Bảo, dựa vào Tam Bảo để khởi phát tâm mình, dẫn đường cho mình đến với con đường giải thoát, hướng về Niết Bàn. Tam quy y không chỉ giúp chúng ta đạt được sự giải thoát cuối cùng mà còn mang tới nhiều lợi ích to lớn trong cuộc đời.