Nguyễn Tri Phương
Nguyễn Tri Phương là danh tướng trụ cột của nhiều đình nhà Nguyễn, phụng sự 3 đời vua, trải qua nhiều chức vụ ở bộ Công, bộ Lễ, bộ Lại. Những đóng góp của ông vô cùng lớn lưu danh sử sách muôn đời. Khi rơi vào tay giặc, ông không đầu hàng mà lựa chọn cách tuẫn tiết “xem cái chết nhẹ tựa hồng mao”. Cùng loiphong.vn tìm hiểu những thông tin chi tiết dưới đây.
1. Nguyễn Tri Phương là ai?
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải
Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) xuất thân trong một gia đình nông thôn và làm thợ mộc ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tên thật là Nguyễn Văn Chương. Tên gọi Nguyễn Tri Phương do vua Tự Đức cải tên (1850) với hàm ý nói về con người nghĩa dũng, nhiều mưu chướng. Từ đó, cái tên Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông và theo ông đến suốt cuộc đời.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông, không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nhưng nhờ trí thông minh, ý chí tự học, tự lập cao, Nguyễn Tri Phương đã làm nên sự nghiệp lớn. Bắt đầu từ chân thơ lại ở cấp huyện sau đó được tiến cử lên triều đình Minh Mạng, được thu dụng và lần lượt giữ nhiều chức vụ trong yếu trong suốt ba triều vua đó là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Làm quan văn trong nội các nhà Nguyễn nhưng khi đất nước có giặc, ông chuyển sang quan võ và lập được nhiều chiến công. Trong cuộc đánh Pháp xâm lược, ông cùng em trai Nguyễn Duy, con trai là phò mã Đô úy Nguyễn Lâm đều hy sinh cho đất nước.
Sau khi mất, thi hài của cha con Nguyễn Tri Phương được đưa về an táng tại quê nhà. Tiếc thương vị đại thần trung liệt, vua Tự Đức đã tự soạn văn tế thương khóc và lập đền thờ ở quê. Năm 1875, vua lại sai người đem vào thờ tự ở đền công thần Trung Nghĩa Từ ở Huế; sau đó lập lại nhà thờ lấy tên Trung Hiếu Từ, thờ chung ba vị công thần trong gia đình hy sinh vì nước. Ngày nay, tên của ông được sử dụng để đặt cho nhiều trường học, tuyến đường trên khắp cả nước.
2. Cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Tri Phương
Từ nhỏ, Nguyễn Tri Phương đã tỏ rõ là một người thông minh, ham học và có năng khiếu cả văn lẫn võ. Nhờ có học vấn và tư chất đạo đức tốt, năm 1823 ông được vua Minh Mạng bổ dụng làm Thừa chỉ ở nội các, chuyên lo việc giấy tờ, sổ sách. Năm 1835, Nguyễn Tri Phương được thăng chức Thượng bảo khánh ở nội các. Sau lần đi cùng với Trương Minh Giảng đi giải quyết công vụ nổi dậy ở Gia Định theo chỉ thị của triều đình, Nguyễn Tri Phương được thăng làm Tham tri Cơ mật viện đại thần. Bắt đầu từ đây, tài năng quân sự của ông được bộc lộ và tỏa sáng.
2.1. Vị kinh lược có công lập 100 làng ở Nam Kỳ
“Khí thiêng liêng un đúc bở sơn xuyên
Tính cứng cỏi đua chen cùng tòng bá
Trổ tài văn võ hùng anh
Giúp nước xương minh rạng rỡ”
Lâu nay, nhân vật lịch sử Nguyễn Tri Phương được đồng liêu đương thời ca ngợi và được biết đến nhiều với danh xưng là vị tướng xông pha trận mạc. Khi tìm hiểu kỹ, Đào Đăng Vỹ cho hay “trong sự nghiệp Nguyễn Tri Phương còn có một công trình vĩ đại mà ít được nhắc tới đó là công lao khai hoang lập ấp ở Nam Kỳ”.
Đầu những năm 40 của thế kỷ XIX, Nguyễn Tri Phương được triều đình tin tưởng giao nhiều trọng trách. Ông lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam-Quảng Ngãi); Tổng đốc An Hà (An Giang-Hà Tiên) rồi Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long-Định Tường).
Vị kinh lược có công lập 100 làng ở Nam Kỳ
Năm 1846, trên cương vị là Khâm sai đại thần miền biên giới Nam Kỳ, Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy quân sự dẹp nạn phản loạn ở vùng biên viễn Tây Nam. Nhờ chiến công đó mà ông được thăng chức Thượng thư bộ Công và được triều đình ban thưởng tước Tráng Liệt tử, khắc tên vào bia đá ở Võ Miếu. Tin tưởng vào tài năng và đức độ của Nguyễn Tri Phương, trước khi băng hà vua Thiệu Trị đã trao ông chức Phụ chính Đại thần, giúp vua Tự Đức lúc đó vừa mới lên ngôi còn quá trẻ.
Năm 1850, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức phái đi làm Kinh lược sứ trông coi 6 tỉnh Nam Kỳ. Dưới sự cai quản, chỉ huy của ông, phong trào triêu mộ dân lưu tán vào khai hoang lập ấp ở vùng đất này phát triển lớn mạnh. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 10.000 lưu dân đến vùng đất mới, lập được hơn 100 ấp, hình thành nên những làng xóm trù phú dọc theo các triền sông, rạch. Bên cạnh việc khai hoang, lập ấp phát triển kinh tế, Nguyễn Tri Phương còn hướng dẫn các lưu dân đến vùng đất mới này lập nghiệp tích cực, luyện tập võ công để bảo vệ mình và phòng khi có địch họa.
Nhận thấy nguồn lợi nông nghiệp dồi dào, đời sống người dân không ổn định, ông đã dâng sớ xin vua cho khẩn đất lập đồn điền để mưu lợi cho dân, tổ chức việc canh phòng làng xóm để dân được yên ổn làm ăn, xin tạm tha thuế chợ, thuế đò. Dân khẩn đất, được làm chủ ruộng, yên ổn làm ăn, đời sống ấm no. Kết quả lập được 21 cơ đồn điền, 100 làng liền nhau an cư lạc nghiệp.
Để quốc sách đồn điền được thực hiện quy củ, lâu dài, Nguyễn Tri Phương đề xuất và được vua đồng ý quy chức trách cho quan lại lục tỉnh từ tổng đốc đến tri huyện phải quan tâm, thường xuyên kinh lý đốc thúc nhân dân khai hoang, lo cày cấy, trị trộm cướp. Bản thân ông sẽ thường xuyên đi thực tế, tìm hiểu dân tình nếu ai làm tốt sẽ được thưởng, bê trễ thị nghiêm trị.
Với những biện pháp ấy, đến năm 1857, đạt được những thành tựu bước đầu, 6 tỉnh Nam Kỳ đều được mùa gạo. Sự nghiệp an dân của Nguyễn Tri Phương được khẳng định. Ông còn có tầm nhìn xa khi đề xuất lập kho trữ lúa gạo phòng lúc mất mùa; phân trữ lúa gạo từ Nam kỳ mỗi tỉnh một ít để dùng cho việc quân khi cần.
2.2. Tài năng quân sự tài ba
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Trước vận nước nguy nan, vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương trực tiếp chỉ huy quân đội kháng chiến.
Khi tới Đà Nẵng, ông không vội dẫn quân phản công địch mà thực hiện chiến thuật ứng phó dựa vào sức dân, cẩn trọng xem lại tình thế, vẽ địa đồ và tìm kế sách đánh giặc. Danh tướng Nguyễn Tri Phương cho đắp đồn lũy để đánh giặc lâu dài, vận động người dân bất hợp tác với Pháp, để lại “vườn không nhà trống” ở những vùng bị tấn công.
Tài năng quân sự tài ba
Thấy nhà Nguyễn dường như án binh bất động, quân Pháp không mở rộng phạm vi chiếm đóng. Tận dụng thời cơ, Nguyễn Tri Phương cho lập phòng tuyến dài hơn 3km gồm nhiều hầm dích dắc, dưới cắm chông, trên phủ cát và chướng ngại vật để ngụy trang; cách một đoạn là một ổ kháng cự, một khẩu đại bác cùng 10.000 quân trấn giữ.
Quân Pháp tấn công vào lũy từ ba mặt nhưng liên tiếp bị phục kích buộc phải lui binh, rơi xuống hố chông, bị bắt và giết khá nhiều. Bấy giờ, Nguyễn Tri Phương cho quân liên tục vây ép, đánh tỉa, phục kích để tiêu hao sinh lực địch.
Quân Pháp buộc phải từ bỏ Đà Nẵng, đem một bộ phận quân vào đánh chiếm Gia Định. Lúc này, Nguyễn Tri Phương cho quân tiến lên, lập đồn tuyến sát nơi địch đang chiếm đóng, bố trí mai phục. Dưới lòng sông Hàn, quân ta dùng xích sắt chắn ngầm ngang để tàu chiến không thể vào sâu đất liền. Trong ngày 6 -7/2/1859, quân triều Nguyễn dốc toàn lực đẩy quân Pháp ra vùng cửa sông, buộc chúng phải cầu cứu cánh quân từ Gia Định.
Từ Gia Định, quân Pháp phải quay lại Đà Nẵng để ứng cứu. Tuy nhiên, cuộc đánh chiếm lần hai không dễ dàng bởi liên quân Pháp - Tây Ban Nha bị thiệt hại rất nhiều. Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp thất bại hoàn toàn.
Sau chiến thắng ở Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương được cử vào Gia Định. Tại đây, ông tiếp tục bố trí lực lượng, cùng em trai chống Pháp xâm lược. Tuy nhiên, trong cuộc chiến không cân sức này, quân Nguyễn ngày càng thất thế, em ruột của ông là Nguyễn Duy tử trận.
Năm 1862, sau khi triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất, dang ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, Nguyễn Tri Phương được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân sự, thăng chức Võ Hiển Đại học sĩ, tước Tráng Liệt Bá.
Năm Nhâm Thân 1872, Nguyễn Tri Phương được điều về giữ chức Tuyên sát đổng sức đại thần, thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ cho đến khi cả hai cha con đều hy sinh trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội năm 1873.
2.3. Chuyện tuẫn tiết ở thành Hà Nội
Chuyện tuẫn tiết ở thành Hà Nội
Trong cuộc đời binh nghiệp, danh tướng Nguyễn Tri Phương trải qua cả trăm trận đánh từ khi còn trẻ đến khi râu tóc bạc phơ. Lúc đánh Chân Lạp, Xiêm La, lúc bình giặc Cờ Đen, khi dẹp các cuộc phiến loạn khắp Nam Kỳ, Bắc Kỳ rồi lại làm cho quân Pháp khốn đốn,...
Khi chỉ huy quân sĩ nơi sa trường, Nguyễn Tri Phương là vị tướng tài ba, thông hiểu chiến trường, nhận định rõ thế địch và luôn tiên phong trước ba quân. Vua Minh Mạng đã từng khen “đích thân tiến trước quân lính mà lên thành, đã mạnh lại còn mưu”. Vua Thiệu Trị cũng công nhận “vì lòng dũng cảm như thế, ông đã lôi cuốn quân sĩ hăng hái xông pha nên đã chiến thắng”. Sự dũng cảm ấy đã khiến cho kẻ địch như J.Dupuis trong cuốn Le Tonkin phải thán phục.
Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, quân ta thất thủ, thành mất và Nguyễn Tri Phương rơi vào tay giặc. Với khí khái của kẻ “xem cái chết nhẹ tựa lông mao” thì không có gì có thể khuất phục được ông. Đến người Pháp cũng phải kinh ngạc như L’Empire d’Annam ghi “ông từ khước mọi sự săn sóc của bác sĩ Pháp, tự ông vứt bỏ đồ băng bó trên vết thương”.
Trong gia phả họ Nguyễn còn lưu lại rõ câu chuyện này qua một bản lưu giữ của tác giả: “Cụ cùng con là phò mã Nguyễn Lân đốc suất quân ra phía cửa Đông Nam vượt lên thành chống giặc. Phò mã bị một phát đạn vào đầu chết ngay. Cụ cũng bị thương, binh sĩ khiêng vào dinh. Người Pháp đem thuốc vào bôi cụ đều rứt ra, đưa đồ ăn vào cụ đều phun nhỏ, không nuốt và nói rằng: Nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.
Nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ nhận xét: “Sự tuẫn tiết của ông còn có một điểm vô cùng đặc biệt là ông chấp nhận cái chết trong sáng suốt, trong chờ đợi đau đớn ngót một tháng trường [...] Khẳng khái thay và oanh liệt thay!”
Có một điều đáng chú ý mà ít ai biết đó là cái chết của Nguyễn Tri Phương và F.Garnier - kẻ chỉ huy đánh thành Hà Nội chỉ cách nhau một ngày. Số quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc một thời khuấy đảo biên giới phía Bắc, sau khi bị Nguyễn Tri Phương đánh tan tác và theo về triều đình. Khi thành Hà Nội rơi vào tay Pháp ngày 20/11/1873, Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết vào ngày 20/12/1873. Chỉ sau một ngày, F.Garnier chết dưới tay quân Cờ Đen. Có thể nói rằng, quân Cờ Đen đã báo thù cho cái chết của Nguyễn Tri Phương.
3. Đền thờ anh hùng Nguyễn Tri Phương
Đền thờ anh hùng Nguyễn Tri Phương ở Đồng Nai
Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc ở bờ hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa (trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên). Xung quanh là cảnh sông nước hữu tình, phía trước có rừng dương liễu, phía trên có đường thiên lý Bắc Nam vượt qua sông Đồng Nam bằng cầu Ghềnh, bao bọc phía sau là vành đanh dân cư với vườn cây xum xuê.
Kiến trúc của di tích theo lối chữ công gồm có 3 phần là tiền đình, chánh điện và nhà khách. Thập niên 90 của thế kỷ XX, họ tộc Nguyễn Tri Phương cùng nhân dân làng Mỹ Khánh dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương trước sân đình.
Trong chánh điện, có nhiều bao lam bằng gỗ được điêu khắc công phu. Các bức liễu và hành phi được khắc chữ Hán, sơn son thiếp vàng treo khắp xà nang và cột. Trên hương án thờ thần, có sự hiện diện của bộ áo mã tương truyền vua ban cho Nguyễn Tri Phương khi đi kinh lược cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt ở hai bên chính để tăng thêm sự tôn nghiêm của nơi thờ tự. Điện thờ có tượng Nguyễn Tri Phương được tạo khắc bằng gỗ. Kể rằng, một bô lão ở địa phương nằm mộng thấy Đức ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mã lẫm liệt, vũ khí trong tay uy hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc hình trong mộng.
Với hơn 50 năm phụng sự việc nước, phò tá 3 đời vua, Nguyễn Tri Phương đã dốc toàn bộ tâm trí và tinh lực để lo cho nước, cho dân. Không chỉ là một danh tướng có tài cầm quân kiệt xuất mà còn là một vị quan thanh liêm được nhân dân yêu quý. Những đóng góp của ông luôn “sống mãi” với người dân Việt Nam, lưu danh sử sách muôn đời.