Lê Hồng Phong
Gần 20 năm hoạt động cách mạng, dù ở vị trí nào, cương vị nào thì đồng chí Lê Hồng Phong luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Đồng chí là tấm gương sáng về ý chí cách mạng kiên cường, luôn giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng; suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
1. Lê Hồng Phong là ai? Vài nét về Lê Hồng Phong
Lê Hồng Phong là ai? Vài nét về Lê Hồng Phong
Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 6/9/1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Song thân ông là ông Lê Huy Quán và bà Phạm Thị Sau.
Mồ côi cha từ nhỏ, nhờ sự tần tảo của người mẹ, ông vẫn được cho theo học chữ Hán tại làng, được thầy học cải tên thành Lê Văn Duyện. Sau đó, ông được cho phép học thêm tiếng Pháp khoảng 2 năm. Vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, năm 16 tuổi, ông xin làm công cho một hàng buôn ở Vinh. Một thời gian sau ông chuyển sang làm công nhân cho nhà máy diêm Bến Thủy và bị đuổi việc vì vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi. Từ đó, Lê Hồng Phong bước vào con đường hoạt động cách mạng.
2. Sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
2.1. Người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuối năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã. Tháng 12/1924, tại cơ sở bí mật của Tâm Tâm xã ở Quảng Châu (Trung Quốc) đồng chí đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được người giác ngộ cách mạng.
Chân dung đồng chí Lê Hồng Phong
Tháng 2/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc) đồng chí Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên yêu nước như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn,...được lựa chọn vào nhóm Việt Nam Thanh Niên Cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Từ đây, trở thành hạt nhân của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - lớp thế hệ cán bộ đầu tiên trực tiếp do Bác Hồ tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo.
Những bài giảng về lịch sử phong trào cách mạng quốc tế, cách mạng giải phóng dân tộc, về nguyên lý chủ nghĩa Mác Lênin,...đã dẫn dắt, nâng tầm nhận thức của đồng chí Lê Hồng Phong. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước đã trở thành người cộng sản tài năng, người cán bộ cách mạng.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Chính phủ Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí Lê Hồng Phong từng bước trưởng thành cả về nhận thức và năng lực lãnh đạo.
Dành nhiều tình thương mến cho Lê Hồng Phong, trong bức thư gửi ngày 2/3/1930, Người viết: “Hồng Phong lão” và thông báo: “Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam bây giờ đã hợp nhất làm một rồi, tên gọi là Việt Nam Cộng sản Đảng”. Đáp lại tình cảm đó, Lê Hồng Phong không ngừng phấn đấu, trở thành người cộng sự thân thiết, cùng tham gia hoạt động với Nguyễn Ái Quốc.
Những năm 30 của thế kỷ XX, Lê Hồng Phong có những hoạt động cách mạng sôi nổi, dưới sự bồi dưỡng, dìu dắt và tin tưởng tuyệt đối của Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1932 - 1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản; được Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng bí thư Đảng.
Thẻ của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An) dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản
Năm 1936 - 1939, với vai trò Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí có nhiều đóng góp lớn vào chủ trương, đường lối của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam phát triển tầm cao mới.
2.2. Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng
Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) thất bại, địch khủng bố dã man, kéo dài từ cuối năm 1930 đến năm 1935 khiến cho phong trào cách mạng ở Việt Nam gặp không ít khó khăn. Các cơ sở từ trung ương đến địa phương đều bị phá vỡ, nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt, sát hại,...Trong bối cảnh đó, cần có một văn bản hướng dẫn hành động cho những người cộng sản Đông Dương và cần có sự ra đời của một tổ chức để chắp nối các cơ sở còn lại với Quốc tế Cộng sản.
Cuối năm 1931, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong nhận trọng trách từ Quốc tế Cộng Sản trở về nước để chỉ đạo việc khôi phục, phát triển cơ sở Đảng.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, cuối năm 1932, Ban lãnh đạo lâm thời của Đảng được thành lập, thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập, hành động theo kế hoạch “Chương trình hành động của Đảng” do Lê Hồng Phong soạn thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua.
Tháng 3/1934, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được tiến hành dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong. Sự thành lập Ban Chỉ huy nước ngoài đã khẳng định vị trí lãnh đạo tối cao của Ban Chỉ huy đối với tổ chức Đảng. Đồng thời cũng ghi nhận vai trò lãnh đạo của đồng chí Lê Hồng Phong đối với vấn đề đường lối, tổ chức Đảng. Và việc quan trọng nhất là chuẩn bị mọi mặt về đường lối, tổ chức, nhân sự cho Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Macau (Trung Quốc) - nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-31/3/1935). Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư
Từ ngày 27 - 31/3/1935, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương được diễn ra. Dù không trực tiếp tham dự nhưng vai trò, tư tưởng của đồng chí đã được thể hiện rõ trong tiến trình và kết quả của Đại hội. Đại hội bầu vắng mặt đồng chí Lê Hồng Phong vào vị trí Tổng thư ký (Tổng Bí thư) đã khẳng định được vai trò, công lao, sự uy tín của đồng chí với việc xây dựng đường lối chính trị, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ cuối năm 1935, tình hình chính trị ở Pháp và Đông Dương diễn ra mau lẹ với nhiều thuận lợi và cũng có không ít khó khăn. Nhận thấy cần phải truyền đạt những điều chỉnh của Quốc tế Cộng sản đến với toàn Đảng, toàn dân trong tình hình mới, đồng chỉ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 26/7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc) với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản.
Hội nghị tập trung vào việc nghiên cứu quán triệt các nghị quyết mới, vận dụng vào hoàn cảnh thực tế để điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với tình hình hiện tại. Theo đề nghị của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương để đấu tranh đòi quyền dân chủ. Cùng với việc chuyển hướng nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị quyết định thay đổi các hình thức tổ chức, phương pháp đấu tranh của quần chúng từ tổ chức bí mật, đấu tranh bất hợp pháp sang tổ chức, đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Nhờ đó, phong trào đòi dân chủ, dân sinh lan rộng khắp Đông Dương.
Cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước, hoạt động bí mật ở Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào.
Từ ngày 29 đến ngày 30/3/1938, Hội nghị Trung ương Đảng đã được tổ chức tại làng Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Đồng chí Lê Hồng Phong đã cùng với Hội nghị Trung ương Đảng quyết định đổi tên Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương.
Sau hội nghị Trung ương, đồng chí tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ. Trong khoảng thời gian này, Lê Hồng Phong có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí, thống nhất các quan điểm của Đảng về đấu tranh dân chủ.
2.3. Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Ngày 22/6/1936, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, bọn mật thám Pháp đã dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ cho tới tra tấn hòng mua chuộc, khai thác các cơ sở cách mạng của ta. Nhưng với ý chí kiên cường, kiên trung thì không gì có thể lay chuyển được đồng chí.
Không tìm ra chứng cứ pháp lý buộc tội, ngày 30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí Lê Hồng Phong 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc tại Nghệ An. Dù bị quản thúc gắt gao nhưng đồng chí vẫn bí mật liên hệ với tổ chức, với Đảng và dành thời gian viết bài gửi cho các tờ báo của Đảng như Dân Chúng, Đông Phương tạp chí,..
Mọi hoạt động bị theo dõi chặt chẽ song chính quyền thực dân vẫn lo ngại về sự tự do của người cộng sản Lê Hồng Phong. Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, tháng 1/1940, mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An, bắt đồng chí và giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn, buộc đồng chí phải chịu trách nhiệm tinh thần cho khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, đồng chí bị đày ra Côn Đảo.
Trong những ngày biệt giam, kẻ thù dùng mọi cách hành hạ, tra tấn, đánh đập đồng chí nhưng cũng không làm nhụt tinh thần, ý chí của người công sản kiên trung. Sức khỏe ngày càng suy kiệt vì những trận đòn và bệnh tật, đồng chí Lê Hồng Phong mất vào trưa ngày 6/9/1942. Trước lúc đi xa, đồng chí còn căn dặn: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”
3. Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Ngôi nhà tranh thuộc Khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay. Khu lưu niệm ở địa chỉ xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 10km về phía Tây Nam.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong rộng hơn 31.000m2, chi làm 2 khu chính đó là khu di tích gốc và khu tưởng niệm. Tại đây, lưu giữ rất nhiều hiện vật, tài liệu quý về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong. Khu lưu niệm được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990.
Khu tưởng niệm Lê Hồng Phong còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động giáo dục truyền thống như các trường học tổ chức thăm quan, lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên; địa chỉ “đỏ” tuyên truyền về lý tưởng cách mạng cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ,...Thông qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của các bậc tiền bối đối với thế hệ người dân Việt Nam đặc biệt là các bạn trẻ.
Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, người cộng sản kiên trung, vì nước, vì dân. Nếu có cơ hội đến Nghệ An, bạn đừng quên ghé thăm khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong để ghi nhớ những đóng góp của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam.