Lôi Phong - Sản xuất và bán lẻ đồ thờ cúng như bàn thờ, đèn thờ, khung ảnh thờ, bàn thờ, tượng phật

Lê Duẩn

Thứ Sáu, 03/11/2023
Trần Xuân Bách

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là biểu tượng sáng ngời về nhân cách, tài năng và trí tuệ Việt Nam. Với 79 năm cuộc đời, 56 năm tuổi Đảng và gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn với cách mạng và nhân dân Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với tổ quốc và nhân dân; tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất; nhà lý luận sáng tạo của Đảng,...

1. Lê Duẩn là ai?

Lê Duẩn là ai?

Lê Duẩn là ai?

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907 ở làng Bích La, xã Triều Đông (nay là xã Triệu Thành) huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước nên đồng chí sớm được giác ngộ cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng vô sản.

Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành đến với “đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên năm 1928 đến giữa năm 1930, Lê Duẩn đã trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (năm 1937); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (năm 1939); Bí thư Xứ ủy Nam bộ (1946-1951, 1954-1957); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951-1954); Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1951); Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960-1986).

Cả cuộc đời của Tổng Bí thư Lê Duẩn gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Những quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn về đấu tranh cách mạng, xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân vẫn còn nguyên giá trị và là sợ chỉ đỏ xuyên suốt đã được thực hiện hóa thành công.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng và gần 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ Nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện rõ mình là một nhà lý luận có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Với một tư duy sáng tạo, đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.

Đánh giá công lao và tài năng của đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta khẳng định: “Là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, một người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa… Là một người Mácxít-Lêninnít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.

2. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Duẩn

2.1. Lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân

Lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân

Lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến cuộc sống lầm than, cơ cực của nhân dân dưới sự thống trị của thực dân Pháp và tay sai, Lê Văn Nhuận sớm nung nấu hoài bão đánh giặc, cứu nước.

Năm 1925, trong thời gian học dự thính tại trường Quốc học Huế, ông đã tham gia vào cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân đòi giảm án tử cho nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Năm 1925, ông làm nhân viên Hỏa xa Đà Nẵng. Hàng ngày, hàng giờ chứng kiến sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp với người lao động làm thuê cùng nung nấu trong ông thêm lòng căm phẫn, quyết tâm “đánh Tây”.

Năm 1926, hàng vạn người dân kéo nhau về trụ sở Hội đồng thành phố để dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh, lợi dụng tình hình đó, Lê Văn Nhận và nhóm Ái quốc công khai tổ chức các hoạt động chống chủ hàng người Pháp, chống thực dân Pháp, đòi cải thiện đời sống, tạo ảnh hưởng lớn tới giới công nhân và thợ thuyền.

Năm 1928, ông rời Đà Nẵng ra Hà Nội làm nhân viên thư ký Đề Po thuộc Sở Hỏa xã Đông Dương. Cuối 1928 gia nhập tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng. Trong khoảng thời gian này, ông tiếp cận với rất nhiều tài liệu của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên như “Đường cách mệnh”, “Báo Thanh niên”,...nên đã lý giải được những trăn trở và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm.

Năm 1929, gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, được phân công tác vận động tuyên truyền công nhân ngành đường sắt. Vừa học tập, vừa hoạt động, từng bước đã có cho mình thêm nhiều tri thức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và cách mạng. Lê Duẩn đã xây dựng được nhiều cơ sở và phát động đấu tranh trong giới thợ thuyền, thanh niên, bà con lao động hòa mình vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở Hà Nội

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Văn Nhuận được tiếp nhận về sinh hoạt Đảng tại Thành ủy Hà Nội.

Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí đã trở thành một người chiến sĩ Cộng sản, giành trọn cuộc đời cống hiến cho Đảng và nhân dân. Trên mọi cương vị, đồng chí Lê Duẩn vẫn là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, trung thành vô hạn Tổ quốc.

2.2. Tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất

Với đồng chí Lê Duẩn, sự tàn bạo của kẻ thù không làm đồng chí khuất phục trái lại càng tôi luyện thêm ý chí, sự bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Năm 1931, thực dân Pháp bắt giam và kết án đồng chí Lê Duẩn 20 năm tù cầm cố, lưu đày đến các nhà từ Sơn La, Côn Đảo. Vượt lên mọi cực hình, đồng chí luôn bền gan, giữ vững ý chí, lập trường và niềm tin cách mạng; cùng với đồng chí, đồng đội nêu cao khí phách kiên cường, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, giữ trọn khí tiết của người Cộng sản chân chính.

Cuối năm 1940, địch bắt và đày đồng chí ra nhà tù Côn Đảo. Tại “địa ngục trần gian này” thực dân Pháp đối xử với tù nhân rất hà khắc, phần đông tù nhân đều chết dần chết mòn vì những đợt đòn tra tấn dã man, tàn độc hay vì bệnh tật, kiệt sức. Bản thân Lê Duẩn cũng bị chúng tra khảo đến “chết đi sống lại” nhiều lần nhưng điều đó càng làm cho đồng chí trở nên mạnh mẽ, kiên cường chiến đấu.

Năm 1936, sau khi được trả tự do, Lê Duẩn đã vượt qua được sự truy lùng ráo riết của địch, chỉ đạo phong trào đấu tranh, gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng, chỉ đạo phong trào dân chủ phát triển mạnh cả về bề rộng lẫn bề sâu. Bất chấp sự đe dọa, quản thúc của kẻ thù, dù sức khỏe giảm sút bởi những năm tháng tù đày nhưng đồng chí vẫn lăn lộn khắp các tỉnh Trung Kỳ để gây dựng cơ sở cách mạng.

Những năm tháng đồng cam cộng khổ với nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp xâm lược trở lại có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất khi lực lượng kháng chiến mỏng. Dù vậy, đồng chí Lê Duẩn vẫn luôn vững vàng, kiên định vượt qua tất cả, chỉ đạo thực hiện hàng loạt các chủ trương quan trọng như mở rộng chiến tranh nhân dân, thực hiện làm chủ nông thôn, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động tạm cấp cho dân cày nghèo; đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở đô thị, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tăng cường công tác xây dựng Đảng,...Điều này giúp cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, phối hợp với các chiến trường trong cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đồng chí Lê Duẩn đọc báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần thứ III

Đồng chí Lê Duẩn đọc báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần thứ III

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phẩm chất kiên trung, bất khuất của đồng chí Lê Duẩn được thể hiện rõ trong tư tưởng cách mạng tiến công, bản lĩnh, ý chí sắt đá và quyết tâm cao nhất “dám đánh Mỹ và thắng Mỹ”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với ý chí, quyết tâm sắt đá đó cùng với sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân đã làm nên thắng lợi mùa Xuân 1975, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Sau ngày thống nhất đất nước, với bản lĩnh, ý chí và sự kiên cường của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những quyết sách sáng suốt để cùng với Đảng lãnh đạo Đất nước vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất, vững bước đi lên xã hội chủ nghĩa.

2.3. Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Văn Nhuận nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp từ Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với tư duy mẫn tiệp, ý chí kiên cường, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng và tấm lòng cộng sản trong sáng, đồng chí được nhân dân và cách mạng giao phó nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ; Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó đó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, giải quyết một loạt vấn đề quan trọng. Từ thành công của kháng chiến ở Nam Bộ, Đảng ta đã rút ra những kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước sau này.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội 1968

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội 1968

Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo văn kiện “Đề cương cách mạng miền Nam” góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương pháp đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo giúp cho phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên là cơ sở để ra đời Nghị quyết Trung ương 15, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III góp phần hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, đồng chí Lê Duẩn là người lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm chiến đấu, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn; thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH”. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn là một tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

2.4. Nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo của Đảng

Nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo của Đảng

Nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo của Đảng

Gần 60 năm hoạt động cách mạng cũng là chừng ấy thời gian Tổng Bí thư Lê Duẩn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tìm tòi, trăn trở để trả lời cho các vấn đề bức xúc của cuộc sống đặt ra trên tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo. Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, làm phong phú thêm tầm vóc trí tuệ của Đảng và dân tộc ta.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Duẩn luôn suy nghĩ, tìm tòi con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội và con người Việt Nam.

Những ngày cuối đời, Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn nung nấu, trăn trở suy nghĩ về những vấn đề quan trọng để hoàn chỉnh quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội, con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhưng, do sức khỏe giảm sút nhanh chóng, đồng chí không kịp đưa ra lời giải cho hàng loạt vấn đề mà đồng chí đã đặt ra và dày công suy nghĩ.

Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Duẩn, Đảng ta đã khẳng định: “Là một người mácxít - lêninnít chân chính, đồng chí luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”.

Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hà Tĩnh

Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hà Tĩnh

Tổng Bí thư Lê Duẩn mất ngày 10/7/1986, 79 tuổi. Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn  được xây dựng năm 2011. Tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ ngay giữa lòng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có diện tích 320m2 để tỏ lòng thành kính và tri ân công lao to lớn của cố Tổng Bí thư. Trong Đền có bức tượng của cố Tổng Bí thư trong tư thế đang ngồi ghế, bằng đồng nặng hơn một tấn. Nơi đây trưng bày các bức ảnh trắng đen, ghi lại cảnh những chuyến thăm, công tác của đồng chí ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lịch sử Việt Nam mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn vừa là một nhà yêu nước lớn, vừa là một người quốc tế chủ nghĩa trong sáng, suốt đời noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần củng cố và tăng cường sự đoàn kết quốc tế giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Viết bình luận của bạn
Danh mục
Chat messenger