Lôi Phong - Sản xuất và bán lẻ đồ thờ cúng như bàn thờ, đèn thờ, khung ảnh thờ, bàn thờ, tượng phật

Hòa Thượng Tịnh Không và hành trình truyền bá Phật pháp

Chủ Nhật, 29/09/2024
Trần Xuân Bách

Đại lão Hòa thượng - Pháp sư Tịnh Không là một trong những vị thiền sư vĩ đại nhất của Trung Quốc và thế giới. Ngài là bậc thầy tâm linh, được biết đến với những lời giảng dạy sâu sắc về lòng từ bi và trí huệ. Với trái tim nhân hậu và trí tuệ uyên bác, Hòa thượng Tịnh Không đã lan tỏa giáo lý Phật giáo đến hàng triệu người trên thế giới. Cuộc đời giản dị nhưng đầy ý nghĩa của Pháp sư Tịnh Không là minh chứng rõ nhất cho con đường tu tập, giúp nhiều người tìm thấy ánh sáng trong cuộc sống.

1. Tiểu sử về Pháp sư Tịnh Không

Pháp sư Tịnh Không (Hòa thượng Tịnh Không) sinh ngày 15/2/1927 tại huyện Lô Giang tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ngài còn có pháp danh là Thích Tịnh Không, thế danh Từ Nghiệp Hồng. Hòa thượng Tịnh Không là một trong những nhà truyền bá Phật giáo nổi tiếng thế giới nhất là trong lĩnh vực giáo dục và tu tập Tịnh Độ Tông.

Trong suốt thời gian niên thiếu, Pháp sư sinh sống và học tập, tu hành ở hai tỉnh Phúc Kiến và Quý Châu, Trung Quốc. Năm 1959, Ngài được thế độ xuất gia ở chùa Lâm Tế vùng Viên Sơn, thành phố Đài Bắc (Đài Loan) được ban pháp danh là Tịnh Giác, pháp hiệu Tịnh Không.

Sau khi thọ giới Cụ túc, Ngài đi khắp nơi giảng thuyết pháp không chỉ ở Đài Loan mà còn ở nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới. Mỗi ngày, Ngài đều dành 4 giờ đồng hồ trong phòng ghi hình giảng kinh; vui với kinh pháp và chưa bao giờ mệt mỏi trong suốt gần 50 năm.

2. Tóm tắt cuộc đời Hòa thượng Tịnh Không

Năm 1949, Pháp sư Tịnh Không đến Đài Loan, phục vụ ở Thực Tiễn Học Xã. Khi có thời gian rảnh thì Ngài tập trung vào nghiên cứu triết học và học tập kinh sửa.

Năm 26 tuổi, Pháp sư Tịnh Không bắt đầu ăn chay trường để theo học Phật pháp.

Trong suốt 3 năm đầu tiên, Ngài cầu học với giáo sư Phương Đông Mỹ - một nhà Triết học nổi tiếng và theo học Đại Sư Chương Gia - một vị Cao tăng Mật Tông.

Mười năm tiếp theo, Thích Tịnh Không đến Đài Trung cầu pháp với nhà Phật học Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam. Tổng cộng 13 năm, Ngài theo thầy học tập Phật pháp.

Năm 1959, Pháp sư Tịnh Không 33 tuổi. Tại chùa Lâm Tế, vùng Viễn Sơn, thành phố Đài Bắc, Đài Loan Ngài được độ thế và được Thầy Bổn Sư ban pháp danh Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Sau đó, Ngài thọ giới cụ túc và đi giảng kinh, thuyết pháp khắp 3 miền của Đài Loan và nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 1960, Hòa thượng Tịnh Không được mời làm giảng sư cho Học viện Tam Tạng ở chùa Thập Phổ, Đài Bắc, Đài Loan.

Năm 1965, Pháp sư nhận và đảm nhiệm vị trí ủy viên thiết kế của Hội Phật giáo Trung Quốc.

Năm 1972, Ngài đảm nhiệm chức Tổng chủ giảng Đại Chuyên Phật học Giảng tọa của Hội Phật giáo Trung Quốc.

Năm 1973, Pháp sư Tịnh Không đảm nhiệm chức vụ giáo thọ ủy viên Viện nghiên cứu Phật học, Viện học Thuật Trung Hoa; ủy viên biên dịch Hội chú thích Kinh Phật Ngữ Dịch Đài Loan.

Năm 1975, Ngài đảm nhiệm, làm giáo thọ Văn hóa Đại học Triết học Hệ Trung Quốc và làm giáo thọ Thiên Chúa Giáo Đông Á Tinh Thần Sinh Hoạt Cứu Tập Sở.

Năm 1979, Đại lão Hòa thượng Tịnh Không đảm nhiệm chức Viện trưởng Viện Nội học Trung Quốc.

Năm 1979, Ngài đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Tịnh Độ Thực Tiễn Trung Quốc.

Năm 1985, Pháp sư Tịnh Không di cư sang Mỹ, bắt đầu hành trình hoằng pháp trên đất Mỹ.

Tháng 5/1995, được sự chỉ đạo của Ngài, Cư sĩ Lâm Phật giáo Tân Gia Ba và Tịnh Tông Học Hội đã liên kết sáng lập Lớp Bồi Huấn Nhân Tài Hoằng Pháp, và chỉ dạy công việc giáo học hằng ngày.

Đến tháng 5/1998, Cư sĩ Lâm Phật giáo Tân Gia Ba bắt đầu tuyên giảng Kinh Hoa Nghiêm và tuyên giảng cả Kinh Vô Lượng Thọ.

Từ năm 1998 trở đi, Úc Châu và Tân Gia Ba tích cực đẩy mạnh lý niệm văn hóa đa nguyên, xúc tiến hòa bình, định an xã hội. Luôn ủng hộ và trợ hoạt động từ thiện xã hội, tham gia vào diễn đàn tôn giáo ở Úc Châu. Hỗ trợ trường Đại học Griffith thành lập Trung tâm Văn hóa Đa Nguyên, hỗ trợ trường Đại học Queensland thành lập Học viện Nghiên cứu Giải cứu Xung đột và Hòa bình.

Tháng 5/2000, Hòa thượng Tịnh Không nhận lời mời của Cục Tôn giáo Trung Quốc. Ngài cùng với những vị lãnh tụ của 9 Đại Tôn giáo Tân Gia Ba xây dựng mối quan hệ thân thiện, thăm viếng các đoàn thể Tôn giáo Trung Quốc.

Tháng 1/2001, Bắt đầu dự bị ở Úc Châu, xây dựng Tịnh Tông Học viện để bồi dưỡng và trau dồi kiến thức Phật pháp cho hàng hậu học, có thêm nhiều nhân tài Phật giáo. Trong suốt những năm tháng ở Úc Châu, ngoại trừ 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày Ngài ở trong phòng ghi hình thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêm thì Hòa thượng còn qua Hồng Kông, Tân Gia Ba để hoằng pháp.

Tháng 5/2002, Pháp sư Tịnh Không được trường Đại học Griffith mời làm Giáo sư Danh Dự. Đến tháng 6, trường Đại học Queensland mời làm Giáo Sư Khách Tọa, và được thành phố Toowoomba phong tặng là Công Dân Danh Dự của thành phố.

Giữa tháng 8/2002, Hòa thượng Tịnh Không được Đại học Griffith phong tặng Tiến Sĩ Danh Dự.

Tháng 7/2003, Ngài nhận chức Giáo Sư đại biểu trường Đại Học Griffith đến Thái Lan để tham gia Hội Nghị Thế Giới Hòa Bình Liên Hiệp Quốc.

Tháng 4/2004, Đại Học Queensland Úc Châu phong tặng Ngài danh hiệu Tiến Sĩ Danh Dự.

Tháng 6/2004, Bộ Tôn giáo Indonesia đã tổ chức thành đoàn phỏng vấn các vị Lãnh tụ Tôn giáo và thỉnh mời Pháp sư Tịnh Không làm Cố vấn Danh Dự, đại diện đi thăm viếng Ai Cập, Vatican, Ý Đại Lợi. Nhờ vào giao lưu Tôn giáo, các nước cùng nhau tìm hiểu và xây dựng ý thức chung.

Tháng 8/2004, Đại lão Hòa thượng Tịnh Không được Đại học Châu Lập Islam Giáo Indonesia phong tặng Ngài là Tiến Sĩ Danh Dự.

Cũng trong tháng 8, Ngài nhận được lời mời tham gia Hội Nghị Quốc Tế, do Liên Hiệp Quốc Giáo Khoa Văn tổ chức. Hội nghị được tổ chức tại thành phố Okayama, Nhật Bản và Ngài tham gia phát biểu chuyên giảng đề tài.

Tháng 6/2005, Pháp sư Tịnh Không tích cực đẩy mạnh nền văn hóa đa nguyên, tôn giáo hài hòa, liên hệ và đoàn kết chủng tộc, nỗ lực công việc giáo dục thế giới. Và Ngài đã được Nữ Hoàng Anh ban tặng Huân Chương Danh Dự; liên tiếp được trao tặng danh hiệu công dân danh dự của Texas, công dân danh dự của Dallas và công dân danh dự của Toowoomba, Úc.

Ngoài thời gian dạy học, Pháp sư Tịnh Không còn dành nhiều tâm huyết cho hoạt động từ thiện xã hội, phục hưng văn hóa truyền thống, chấn hưng giáo dục tôn giáo; đẩy mạnh tinh thần đoàn kết tôn giáo, thúc đẩy hòa bình.

Hòa thượng Tịnh Không nhiều lần tham dự Hội Hòa bình Quốc tế do UNESCO tổ chức, đề xướng đẩy mạnh thực hành luân lý, đạo đức, nhân quả, giáo dục tôn giáo; thông qua đoàn kết tôn giáo để đoàn kết các tổ chức, đoàn thể, chính đảng và quốc gia.

Tháng 7- 2016, Đại lão Hòa thượng đã phối hợp với Đại học Trinity St. David ở Wales, Vương quốc Anh thành lập Học viện Hán học Anh quốc, đào tạo nhân tài Hán học, có khả năng đọc hiểu, biên phiên dịch và thực hành “Tứ Khố toàn thư”; với sứ mệnh chấn hưng ngôn ngữ Hán cổ, truyền thừa văn hóa truyền thống, đồng thời là cầu nối văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.

Những năm cuối đời, Hòa thượng Tịnh Không đề xướng thành lập Trường Đại học Văn hóa Truyền thống phương Đông với mục đích giáo dục căn cơ, tạo tri thức thánh hiền ngay từ nhỏ.

Đại lão Hòa thượng Tịnh Không hiểu rõ thực hành buông xả, tâm luôn tự tại tùy duyên. Tuy danh tiếng của Ngài lẫy lừng nhưng cuộc sống hết sức giản đơn, ngài luôn khắc ghi sứ mệnh kế thừa và phát huy truyền thống, phổ độ chúng sinh. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Ngài vẫn miệt mài giảng kinh, thuyết pháp không hề ngơi nghỉ.

3. Pháp sư Tịnh Không viên tịch, vãng sanh

Rạng sáng ngày 26/7/2022, cộng đồng Phật giáo thế giới nhận tin buồn Đức Đại Lão Hòa Thượng Pháp Sư Thích Tịnh Không đã an tường xã báo thân viên tịch tại Chùa Cực Lạc, Đài Nam, Đài Loan lúc 2 giờ sáng, Thứ Ba 26/7/2022, tức ngày 28/6/âm lịch Nhâm Dần, Phật lịch 2566, trụ thế 96 năm.

Pháp sư Tịnh Không không chỉ là một bậc thầy uyên thâm về giáo lý Phật giáo mà còn là biểu tượng của sự từ bi, trí tuệ và lòng kiên định trong con đường tu tập. Cuộc đời giản dị nhưng đầy cống hiến của Ngài đã để lại nhiều di sản vô giá cho nhân loại. Hòa thượng Tịnh Không sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ tu học và thực hành đạo pháp trên khắp thế giới noi theo.

Viết bình luận của bạn
Danh mục
Chat messenger