Phạm Ngũ Lão là một trong những danh tướng “văn võ song toàn”, xuất thân từ nông dân, lập được nhiều chiến công hiển hách, đánh thắng hai lần giặc Nguyên Mông. Cuộc đời ông gắn liền với chiến trận, phò tá nhà vua. Sau khi mất, người dân tại xã Phủ Ủng đã dựng bàn thờ ngay trên nền nhà cũ của ông để tưởng nhớ công lao, đóng góp cho dân tộc.
1. Phạm Ngũ Lão là ai?
Phạm Ngũ Lão là ai?
Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) là danh tướng nhà Trần, có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên. Đương thời, danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - người được xem là vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự phong kiến Việt Nam.
Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên ở làng Phù Ủng huyện Đường Hào tỉnh Hải Dương (nay thuộc làng Phù Ủng huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Theo sách “Tông phả kỷ yếu tân biên” của Phạm Côn Sơn dẫn theo gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hoạt thời nhà Đinh. Ông cùng tuổi với Thượng tướng Trần Nhật Duật, hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông, chú ruột vua Trần Nhân Tông.
Phạm Ngũ Lão là người thông minh, văn võ tài toàn, có chí lớn và đạo đức cao nên dù xuất thân bình dân nhưng đã trở thành Điện úy Thượng tướng quân, uy doanh đức vọng rất lớn sánh ngang với Hưng Đạo Vương. Cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão trở thành huyền thoại lớn của lịch sử dân tộc, minh chứng cho tư tưởng và nghệ thuật quân sự nhân dân dưới thời Trần. Với tài năng xuất chúng, dù không phải vương hầu nhưng đều được các triều vua Trần phải nể trọng.
2. Cuộc đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão
2.1. Trở thành con rể Hưng Đạo Vương
Ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Ngũ Lão là một người khá nổi tiếng vì có chí khí khác thường. Ở làng có người tên Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ, có tổ chức ăn khao, cả dân làng kéo đến nhưng chỉ riêng Phạm Ngũ Lão không tới. Thấy vậy, người mẹ hỏi sao không đến thì Ngũ Lão thưa “Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ với non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm”
Cùng thời gian đó, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đưa quân đi tập trận có đi qua làng Phù Ủng. Quân linh nườm nượp kéo đi, tiếng thét tránh đường vang lên ồn ã nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi đan sọt bên đường như không biết. Một người lính bực tức đã lấy giáo đâm vào đùi nhưng ông cũng không có bất kỳ phản ứng gì.
Hình ảnh Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường bị quân lính lấy giáo đâm vào đùi
Nghe tiếng ầm ĩ, Hưng Đạo Vương liền sai viên quan hầu thân cận tới xem có việc gì thì tướng Nguyễn Chế Nghĩa tiến lại, cúi đầu thưa rõ sự việc. Trần Hưng Đạo thấy lạ nên đã đến trước mặt chàng trai. Thấy người này ước chừng khoảng 20 tuổi, đầu trần, áo rách, khuôn mặt khôi ngô, bên đùi bị đâm chảy máu nhưng tay vẫn đan sọt. Hưng Đạo Vương cất tiếng hỏi: “Ngươi quê ở đâu? Bị giáo đâm thế không biết đau hay sao mà ngồi im thế?
Lập tức, Phạm Ngũ Lão ngước lên, thấy vị tướng dáng vẻ uy nghi nhưng vẫn thấy được sự hiền từ liền kính cẩn thưa: “Thưa Đức ông, thần họ Phạm, tên Ngũ Lão, quê ở làng Phù Ủng, châu Thượng Hồng. Nhà nghèo, ruộng không có, phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ già. Thần mải nghĩ mấy câu trong binh thư nên không biết có quân của Đức ông đi qua, xin Đức ông xá tội”.
Thấy dáng vẻ và khẩu khí của Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo đã sai người lấy thuốc đắp vết thương rồi hỏi rò việc có quan tâm đến quân sự Nguyên Mông sắp tiến vào Đại Việt không. Phạm Ngũ Lão thưa: “Thần tuy ở nơi thôn dã song cũng biết giặc Nguyên Mông lăm le tiến vào nên đã cùng với trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ đầu quân”.
Thấy trong sọt có một quyển sách, Hưng Đạo Vương liền hỏi sách gì, Ngũ Lão kính cẩn dâng lên. Khi hỏi về binh thư, Phạm Ngũ Lão trả lời rành rọt về cách dùng binh, binh chỉ cần tinh chứ không cần nhiều. Hưng Đạo Vương mừng rỡ liền chiêu mộ Ngũ Lão: “Ngươi có chí lớn, ta rất mừng. Hiện ta chiêu mộ quân lính, kén chọn tướng tài. Ta muốn ngươi về Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân lính, ngươi thấy thế nào?”
Phạm Ngũ Lão vui mừng song không đồng ý ngay mà xin phép về thưa với mẹ khiến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xúc động vô cùng. Một thời gian sau, Phạm Ngũ Lão tới quân doanh của Hưng Đạo Vương huấn luyện quân sĩ. Ông được Hưng Đạo Vương gả con gái cho. Đây là điều hiếm xảy ra trong vương triều nhà Trần.
Không chỉ được Hưng Đạo Vương kèm cặp, Phạm Ngũ Lão còn có tình bạn đẹp với vua Trần Thái Tông là Minh Hiến Vương Trần Uất - người ấn tượng với câu chuyện đan sọt bên đường của ông.
2.2. Hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông
Được Hưng Đạo Vương rèn cặp, Phạm Ngũ Lão trưởng thành, phát huy được những sở trường để trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất, lập được nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu nhất là hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông.
Đánh thắng quân Nguyên - Mông hai lần
Năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần 2, Phạm Ngũ Lão đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, trấn giữ vùng Ải Bắc, đem quân phối với hợp quân của Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, đánh cho giặc bại ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, chém đầu Toa Đô và khiến cho tướng giặc là Thoát Hoan phải bạt vía.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần ba (1287), Phạm Ngũ Lão được giao nhiệm vụ chặn đánh giặc ở ải Nội Bàng để tiêu diệt quân đội địch do Thoát Hoan cầm đầu trên đường rút chạy. Tướng Thoát Hoan ham sống sợ chết liền tìm cách đẩy quân đi đối đầu với Phạm Ngũ Lão, còn hắn thì thoát thân bằng hướng khác.
Phạm Ngũ Lão biết được điều đó liền chia quân mai phục hết các ngả đường, quân của Thoát Hoan bị đánh úp bất ngờ, đi đến đâu cũng đều gặp phải phục binh của quân Đại Việt và tiêu diệt gần hết. Thoát Hoan phải trà trộn vào đám tàn quân thì mới thoát thân về nước và không dám đặt chân lên đất Đại Việt.
Những năm sau đó, ông được triều đình tin tưởng giao chỉ huy nhiều trận đánh. Ông nhiều lần dẫn quân trừng phạt sự xâm chiếm của Ai Lao và Chiêm Thành. Trận đánh nào Phạm Ngũ Lão cũng giành chiến thắng nên được gọi là vị tướng “bách chiến bách thắng”.
2.3. Được thăng chức liên tục
Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông kết thúc, Phạm Ngũ Lão liên tục được thăng chức:
● Năm 1290: Được vua Trần Nhân Tông giao cho quản lĩnh quân Thánh Dực
● Năm 1924: Lập công lớn khi đánh Ai Lao, được ban Kim Phù (tức binh phù bằng vàng)
● Năm 1297: Phạm Ngũ Lão lại lập công lớn khi đánh giặc Ai Lao, được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây).
● Năm 1298: Được phong làm Kim Ngô Hữu Vệ Đại tướng quân
● Năm 1301: Được phong làm Thân Vệ Đại tướng quân và được ban Quy phù (tức binh phù có chạm hình rùa).
2.4. Cách phá tượng binh độc đáo của Phạm Ngũ Lão
Cách phá tượng binh độc đáo của Phạm Ngũ Lão
Thời nhà Trần, phía Nam Chiêm Thành, phía Tây là Ai Lão. Hai nước này thường đưa quân cướp phá biên giới Đại Việt. Phạm Ngũ Lão cả 3 lần đánh Ai Lao và thắng lớn; 2 lần tiến binh sang Chiêm Thành khiến Đế Chí phải xin hàng, Đế Năng phải chạy đến Java (Indonesia).
Khi quân Ai Lao đến xâm lược Đại Việt, họ có đội binh rất mạnh. Để đối phó, Phạm Ngũ Lão đã có cách phá trận độc đáo.
Trong “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ chép rằng: “Về sau, nước Ai Lao vào ăn cướp, đem voi bày trận xông vào, không ai chống được. Ông được lệnh đem quân đi đánh. Ông sai chặt gốc tre vạt nhọn, dài độ vài thước, chất cả bên đường, rồi vẫy cho quán quân lui lại, một mình xông vào đánh nhau với giặc. Giặc thả voi ra đuổi. Ông cứ xông vào lấy những đoạn tre ở bên đường đâm vào móng chân voi. Voi đau phải lui. Trận giặc đại loạn. Quan quân xông vào đánh vỡ tan”.
Còn trong “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Ánh lại viết: “Bấy giờ, tù trưởng Ai Lao đem hơn một vạn con voi kéo sang cướp phá các trấn Hoan, Diễn; đi đến đâu thì quân bộ, quân kỵ của ta đều phải vỡ chạy. Triều đình sai ông đi đánh. Ông truyền cho những dân ngoài biên, làng nào cũng phải chặt những khúc tre dài 5, 6 thước, để tích sẵn đấy. Khi gặp giặc, ông xua quân đứng lùi lại, một mình đi chân không vào, vớ những khúc tre mà đánh vào chân voi. Voi đau, kêu rống lên rồi chạy tán loạn. Quân Ai Lao đương đêm phải trốn”.
Bạn có biết vì sao Phạm Ngũ Lão khuất phục đội tượng binh hơn vạn voi? Thuở hàn vi, Phạm Ngũ Lão từng chăn voi cho vua Lào, nhờ một thời nuôi và huấn luyện voi nên ông đã hiểu được đặc tính của con vật này. Dựa theo “Thuyết Trần - Sử nhà Trần” của Trần Xuân Sinh thì kể theo cách khác:
“Khi Ngũ Lão còn hàn vi, xin với mẹ đi tìm kế lập công danh, ở trong nước chưa có dịp, bèn sang ở chăn voi cho vua Lào. Ngũ Lão cầm lá cờ đỏ dạy voi, tùy theo hiệu cờ phất thì voi tiến, thoái hoặc quỳ xuống hết. Về sau quân Lào sang cướp vùng Thanh Nghệ, có các đội tượng binh xung kích rất lợi hại. Ngũ Lão phụng mệnh đi đánh. Người Lào thúc voi xông vào trận, Ngũ Lão mới phất cờ, đàn voi trông thấy, quen theo thói cũ, cứ tuân lệnh ông phục cả xuống. Vì thế thắng được quân Lào dễ dàng”.
2.5. Tài văn thơ lai láng
Không chỉ là tướng giỏi khi ra trận, Phạm Ngũ Lão còn có tài năng làm thơ tài tình. Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có viết: “Phạm Ngũ Lão là người thích đọc sách, ngâm thơ và là một người phóng thoáng, có chí làm việc lớn”.
Thơ văn của ông đến nay chỉ còn 2 bài là Văn Hưng Đạo Đại vương (Viếng Hưng Đạo Đại vương) và Thuật hoài (Tỏ lòng).
Trong đó, bài Viếng Hưng Đạo Đại vương được ông sáng tác để khóc Trần Quốc Tuấn. Bài thơ đánh giá Hưng Đạo Vương là “muôn dặm thành dài” của nhà Trần và cũng không quên nhắc đến sự nghiệp lẫy lừng của ông.
Bài “Tỏ lòng” được nhiều người biết đến hơn. Bài thơ được truyền tụng trong ba quân, khích lệ binh lính quyết lập chiến chống, đánh thắng giặc Nguyên Mông. Bài thơ “Tỏ lòng” dịch nghĩa như sau:
“Múa giáo non sông mấy trải thu
Ba quân như hổ nuốt trôi trâu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu”
3. Phạm Ngũ Lão mất khi nào?
Phạm Ngũ Lão mất ngày 1/11/1320, thọ 66 tuổi. Khi Phạm Ngũ Lão mất, vua Trần Minh Tông thương tiếc, nghỉ chầu 5 ngày. Sau khi ông mất, vua đã ban phong cho ông là “Thượng đẳng phúc thần”.
Tại quê hương của ông, người dân xã Phù Ủng đã dựng bàn thờ ngay tại nhà cũ của ông. Phạm Ngũ Lão cùng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Để tưởng nhớ công lao hiển hách của Phạm Ngũ Lão, hàng năm lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức thu hút rất đông du khách tham gia.
Đền thờ Phạm Ngũ Lão tại quê hương Phù Ủng
Tài năng, đức độ và công lao của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đã đi vào lịch sử, được các thế hệ người dân Đất Việt ghi nhớ, giữ gìn và phát huy. Đền Phù Ủng là nơi thờ danh tướng đời Trần Phạm Ngũ Lão, nhân dân hàng năm đã tổ chức khai hội truyền thống đền Phù Ủng vào ngày 11 đến ngày 13 tháng giêng âm lịch, tương truyền đây là ngày Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc.