Chùa Một Cột
Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á, là biểu tượng của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam. Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Ba Đình, chùa Một Cột không chỉ có kiến trúc độc đáo mà còn là điểm đến văn hóa tâm sâu sắc. Cùng khám phá những thông tin hữu ích về ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi trong bài viết dưới đây của loiphong.vn
1. Chùa Một Cột ở đâu? Chùa Một Cột còn có tên gọi khác là gì?
Chùa Một Cột ở đâu? Chùa Một Cột còn có tên gọi khác là gì?
Chùa Một Cột còn có tên gọi khác là chùa Mật hay Diên Hựu Tự, Nhất Trụ Tháp, Liên Hoa Đài; ngôi chùa được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đặc sắc khi nhắc tới thủ đô Hà Nội. Dưới thời Lý, chùa Một Cột được xây dựng trên khu quần thể chùa Diên Hựu nay là phố Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội.
Di tích chùa Một Cột nằm ngay cạnh quần thể di tích Quảng trường Ba Đình - Lăng Chủ Tịch. Bạn có thể đến thăm quan, chiêm bái chùa Mật bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe bus, xe máy,...Khi thăm quan thì hãy chú ý ăn mặc lịch sự và tôn trọng các quy định ở nơi đây.
2. Giới thiệu về chùa Một Cột
2.1. Chùa Một Cột được xây dựng thời nào?
Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Diên Hựu được xây dựng dựa trên giấc mộng của vua Lý Thái Tông.
Vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên đài hoa sen và mời vua lên đài. Khi tỉnh dậy ông kể lại giấc mơ của mình cho triều thần nghê, nhà sư Thiên Tuế đã khuyên ông nên xây chùa. Và chùa Một Cột bắt đầu thiết kế và thi công. Chùa được thiết kế cách điệu giống hình bông hoa sen đang nở giữa hồ, bên trong đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Sau khi xây xong, nhà vua cho các nhà sư tới tụng kinh cầu phúc. Chùa được đặt tên là Diên Hựu, cứ đến mùng một, ngày rằm là nhà vua Lý Thái Tông sẽ đến cầu phúc.
Chùa Một Cột được xây dựng thời nào?
Theo sổ sách ghi lại, hàng năm đến ngày 8/4 âm lịch vua Lý Thái Tông lại đến chùa làm lễ tắm Phật, các nhà sư và nhân dân khắp nơi đến thành Thăng Long dự lễ. Sau khi kết thúc, nhà vua sẽ làm lễ phóng sinh, vua sẽ đứng trên đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, tiếp đó dân chúng sẽ thả tạo nên một ngày hội lớn.
Tương truyền, chùa Một Cột được xây dựng gồm một cột đá chống đỡ ngôi lầu ngọc nhỏ phía trên. Tổng thể chùa được đặt trong một hồ nước hình vuông, trong hồ nước trồng rất nhiều sen. Đặt tên chùa là Diên Hựu Tự với hàm ý “phước bền dài lâu”.
Trải qua các triều đại lịch sử, các cuộc kháng chiến đặc biệt là việc đặt mìn phá hoại của quân đội viễn chinh Pháp, chùa Một Cột đã bị thay đổi, hư hỏng thậm chí là sụp đổ hoàn toàn.
Năm 1955, sau khi giành chiến thắng và tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam dân chủ Cộng Hòa đã cho trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột theo đúng kiến trúc cũ. Kể từ đó, chùa Một Cột được thành phố Hà Nội bảo tồn nguyên trạng cho tới bây giờ.
2.2. Chùa Một Cột được tu sửa năm nào?
Năm 1105, vua Lý Thái Tông cho tu sửa lại và dựng thêm hai tháp lớn sứ trắng ở trước sân. Năm 1108, Nguyên Phi Ỷ Lan cho người đúc một chiếc chuông lớn, nặng một vạn hai ngàn ngân lượng, đặt tên là Giác thế chung với ý nghĩa “chiếc chuông thức tỉnh người đời”. Vào thời điểm đó, chiếc chuông này nằm trong danh sách Tứ đại khí của Việt Nam. Bộ bốn công trình lớn nhất thời điểm đó bao gồm chuông Quy Điền, tháp Bảo Thiên, tượng Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh.
Sau khi chuông được đúc xong thì không thể treo lên được vì quá nặng và chiếc chuông đã được bỏ xuống ở một thửa ruộng sâu bên chùa Nhất Trụ. Kỳ lạ thay sau đó ruộng có rất nhiều rùa đến đó nên người đời gọi đây là Quy Điền chuông.
Chùa Một Cột được tu sửa năm nào?
Vào thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược nước ta, chiếm thành Đông Quan, tướng nhà Minh Vương Thông đã cho người phá chiếc chuông để lấy đồng làm vũ khí đạn dược. Nhưng sau đó, quân Minh thua trận và chuông Quy Điền không còn nữa.
Vào thời nhà Trần, chùa Diên Hữu được sửa chữa lại nhưng không còn mang dáng vóc của ngôi chùa nhà Lý. Năm 1840 - 1850 chùa tiếp tục được trùng tu lại. Năm 1954, trước khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam chúng đã đặt mìn phá nổ ngôi chùa với hy vọng xóa đi vĩnh viễn biểu tượng văn hóa tâm linh của Việt Nam. Năm 1955, chùa được phục dựng lại theo kiến trúc cũ do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.
3. Chùa Một Cột có gì đặc biệt?
Chùa Một Cột được mệnh danh là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á. Không chỉ có một không gian chùa bằng gỗ nhỏ nằm trên một cột đá lớn đặt ở chính giữa hồ Linh Chiểu mà ngôi chùa Một Cột còn có nhiều điều đặc biệt ít ai biết.
3.1. Liên Hoa Đài
Điểm nhấn chính là hình ảnh ngôi chùa Một Cột có kiến trúc độc đáo, đại diện cho toàn bộ quần thể chính là Liên Hoa Đài. Ngôi chùa có diện tích 3 x 3m, được xây dựng trên một cột đá cao 4 mét chưa tính phần chìm dưới đất; trụ đá gồm 2 khối chắc chắn, đặt chéo nhau đến mức thoạt nhìn chỉ là một khối đá liền. Trên phần thân trụ, có 8 cánh gỗ tạo nên kiến trúc gần giống như bông hoa sen chớm nở trên mặt hồ.
Liên Hoa Đài
Tám trụ này có chức năng gắn liền với mộng của tám cột chùa bao gồm bốn cột lớn và bốn cột nhỏ. Các cột này sẽ nâng đỡ các đòn ngang của mái chùa. Chùa có bốn mái, bốn đầu đao cong, trên mái có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Trong quan niệm của người Việt, rồng là con vật linh thiêng, biểu tượng của sức mạnh, quyền uy. Hình rồng đắp trên mái không chỉ là biểu tượng của sức mạnh thần thánh mà còn mang giá trị nhân văn cao, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người.
3.2. Bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát
Liên Hoa Đài là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Bàn thờ được đặt chính giữa của Liên Hoa Đài. Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát được sơn vàng, tọa lạc trên bông hoa sen gỗ sơn son thiếp vàng. Phía trên tượng Phật là bức hoành phi “Liên Hoa Đài”.
Bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát
Từ mặt sân chùa lên tới sàn chùa tụng kinh, bái tế bạn phải bước lên 13 bậc, mỗi bậc rộng 1,4 mét. Đặc biệt, trên mặt tường bên trái có gắn bia đá. Bia đá rộng 30cm, dài 40cm, được viết vào đời Cảnh Trị thứ 3 dưới thời vua Lê Huyền Tông do Tỳ khưu Lê Tất Đạt ghi.
3.3. Cổng tam quan
Là nơi đầu tiên mà du khách sẽ đặt chân tới khi đến chùa Một Cột. Thực chất, đây là công trình mở rộng được xây dựng trong những năm gần đây để phục vụ cho việc thờ cúng của người dân trong ngày rằm, lễ tết.
3.4. Cây bồ đề
Cây bồ đề
Không chỉ là một trong 25 ngôi chùa linh thiêng nhất Hà Nội, nơi đây còn ghi dấu ấn của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng cũng như quan hệ ngoại giao của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Cây bồ đề tại khuôn viên chính của chùa là món quà đặc biệt mà đích thân Tổng thống Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần ghé thăm. Cây bồ đề là loại cây có nhiều ý nghĩa Phật giáo cũng như triết lý nhân sinh.
4. Ý nghĩa của chùa Một Cột
Chùa Một Cột không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn là biểu tượng của nền kiến trúc phát triển vượt bậc thời Lý. Lấy ý tưởng từ bông hoa sen, công trình kiến trúc chùa Diên Hựu là sự sáng tạo vượt bậc; là sự kết hợp của không gian kiến trúc có nhịp điệu cao thấp.
Kiến trúc chùa Một Cột là sự hội tụ tinh hoa của nhiều môn nghệ thuật như điêu khắc đá, hội họa, chạm vẽ hành lang, mặt nước. Đây là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật mang đậm tính dân tộc. Mặc dù kiến trúc chùa Một Cột hiện tại nhỏ hơn so với nguyên mẫu nhưng hồn cốt kiến trúc xưa kia được phục dựng gần như là đầy đủ.
Ý nghĩa của chùa Một Cột
Chùa Một Cột được xây dựng giữa hồ với ý nghĩa lớn là ngôi chùa vươn lên giữa hồ vuông - biểu tượng cho đất (dựa theo truyền thuyết, trời hình, đất hình vuông) thể hiện lòng nhân ái soi tỏ thế gian. Sự kết hợp giữa ngôi chùa và cảnh quan cây cối, cao hồ tạo nên sự gần gũi, trong sạch, thanh lịch và cao sang.
Chùa Diên Hựu là một trong những công trình đình, chùa linh thiêng hiện nay. Bên cạnh là biểu tượng tâm linh, nơi đây còn là hồn cốt, niềm tin, văn hóa của cả dân tộc Việt Nam. Nếu ghé thủ đô thì bạn đừng quên ghé thăm công trình kiến trúc độc đáo này nhé!
Chùa Một Cột giống như biểu tượng quen thuộc của thủ đô Hà Nội, xuất hiện rất nhiều trong sách báo và các chương trình giáo dục. Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng có phiên bản chùa Một Cột được xây dựng ở quận Thủ Đức năm 1958. Chùa Một Cột từng được in nổi trên mặt đồng xu kim loại 5000 VNĐ.
Hình ảnh chùa Một Cột có trên đồng tiền xu 5000 VNĐ
Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời cũng như ý nghĩa tâm linh quan trọng, Chùa Một Cột được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 1962 và kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” do Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập vào ngày 10/11/2012 ở Ấn Độ
5. Kinh nghiệm thăm quan di tích chùa Một Cột
5.1. Di chuyển tới chùa Một Cột như thế nào?
Chùa Một Cột nằm trong khuôn viên của công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Chùa tọa lạc ở phía sau, bên phải của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình nên việc di chuyển rất dễ dàng bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Di chuyển tới chùa Một Cột như thế nào?
Nếu đi xe ôm, xe taxi thì bạn chỉ cần nói đến chùa Một Cột thì bác tài sẽ đưa bạn đến tận nơi. Nếu di chuyển bằng xe máy thì bạn có thể tra google map đến địa điểm Lăng Bác hoặc Bảo tàng Hồ Chí Minh, gửi xe ở các bãi trông giữ bên ngoài đường Ông Ích Khiêm hoặc số 19 đường Ngọc Hà.
Bạn có thể di chuyển bằng xe buýt, có thể lựa chọn các tuyến xe buýt số 22, 09, 16, 32, 33, 34, 18, 50, 45 và xuống ở điểm dừng 18A Lê Hồng Phong. Đây là điểm gần lăng Bác nhất giúp cho bạn ghé thăm Chùa Một Cột nhanh nhất.
5.2. Giờ mở cửa và giá vé vào thăm di tích chùa Một Cột
Chùa Một Cột mở cửa tham quan từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày trong tuần, trong năm. Với thời lượng thăm quan chỉ từ 1 - 3 tiếng bạn có thể đến thăm chùa ở bất cứ lúc nào chỉ cần đảm bảo khung giờ mở cửa trên.
Hiện tại, chùa Mật miễn phí 100% vé vào thăm quan cho du khách là công dân Việt Nam. Đối với du khách nước ngoài giá vé vào cửa là 25.000 đồng/khách/lượt tham quan.
5.3. Nên tham quan di tích chùa Một Cột khi nào?
Nên tham quan di tích chùa Một Cột khi nào?
Bạn có thể tham quan di tích chùa Một Cột vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Nhưng để chứng kiến trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa tâm linh thì bạn nên tham quan chùa vào mùa hè trong các ngày mùng 1, ngày 15 âm lịch. Vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, tại chùa Một Cột sẽ tổ chức lễ cúng của các Phật tử. Đến thăm vào ngày này, bạn sẽ chứng kiến nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng của người Việt. Đồng thời, bạn có thể tới dâng hương để cầu may mắn, bình an,...
5.4. Mẹo thăm quan chùa Diên Hựu
Chùa Một Cột thu hút rất đông du khách đến hành hương, thưởng ngoạn. Do đó bạn cần sắp xếp khoảng thời gian hợp lý để có thể thượng ngoạn hết kiến trúc, cảnh sắc nơi đây. Thời lượng thăm quan chùa Diên Hựu chỉ từ 1 - 3 tiếng vì thế trong hành trình tham quan, du khách hãy ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng gần đó như Ao cá Bác Hồ, Nhà sàn, Phủ Chủ Tịch, Lăng Bác,....Đây là những địa điểm du lịch nổi tiếng năm trong quần thể của khu di tích lịch sử Ba Đình. Sau đó có thể mở rộng thăm quan tới Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội hay Văn Miếu Quốc Tử Giám
Với các thông tin hữu ích trên đây, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu thêm về chùa Một Cột - biểu tượng của văn hóa và lịch sử của Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Truy cập website loiphong.vn để có thêm nhiều thông tin hữu ích khác về chùa Hương, chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính,...nhé!