Chùa Ba Vàng - Ngôi chùa tâm linh đẹp nhất Quảng Ninh
Được công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam, chùa Ba Vàng là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút hàng nghìn du khách tới thăm. Ngôi chùa này còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất miền Bắc với hàng ngàn tín đồ Phật tử tề tựu về đây để sinh hoạt và tu tập. Nếu bạn đang có ý định thăm quan chùa Ba Vàng thì đừng bỏ qua bất kỳ thông tin nào dưới đây nhé.
1. Chùa Ba Vàng ở đâu?
Chùa Ba Vàng ở đâu?
Chùa Ba Vàng còn có tên gọi khác là Bảo Quang Tự, nằm trên lưng chừng của núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chùa tọa lạc ở vị trí đẹp phía trước là dòng sông dài, phía sau tựa lưng vào núi, hai bên là rừng thông trải dài bát ngát.
Đến với chùa Ba Vàng là đến tới vùng đất linh thiêng của Phật. Chùa Ba Vàng có mạch phong thủy bắt nguồn từ chùa Đồng (Yên Tử) với địa hình hạ đoạn tạo thành thế “thanh long trùng điệp” chầu về bên trái, “bạch hổ hùng vĩ” phục xuống bên phải.
Chùa Ba Vàng nằm ở độ cao 340 mét, trên một vị trí rất đẹp ở phía Tây thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng; vút tầm mắt là biển Đồ Sơn, bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp còn bên phải là dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ. Chính vì lẽ đó mà chùa Ba Vang không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn là địa điểm du lịch, thăm quan nổi tiếng.
2. Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Ba Vàng
Tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác là chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Nhưng theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa được xây dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông và là ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 - 1758).
Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Ba Vàng
Tuy nhiên, căn cứ vào dấu tích các nhà khảo cổ chỉ thêm ngôi chùa có thể được xây dựng sớm hơn, tích là thời Trần thế kỷ thứ 13. Chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử, ngôi chùa được đầu tư tôn tạo lúc đầu xây dựng bằng gỗ, sau sửa bằng xi măng. Để có vẻ ngoài khang trang, chính điện tráng lệ như hiện nay chùa Ba Vàng đã trải qua 4 lần trùng tu và tôn tạo.
Lần trùng tu đầu tiên và cũng là sự kiện đánh dấu sự khơi dậy, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 3 thế kỷ gián đoạn vào năm 1706. Ngôi Bảo Quang Tự được Ngài Thiền Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác chủ trì vận động Phật tử và nhân dân thập phương phục dựng tại núi Ba Vàng ngay trên nền ngôi chùa cổ.
Từ đó trở đi, theo năm tháng chiến tranh và bị thiên nhiên tàn phá, ngôi chùa dần lùi vào dĩ vãng. Năm 1988 thể theo nguyện vọng của nhân dân, Thị ủy, Hội Đồng Nhân Dân và Ủy ban Nhân Dân thị xã Uông Bí đã trùng tu và xây dựng ngôi chùa bằng gỗ.
Năm 1993, xuất phát từ thực thế ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, Ban tôn tạo di tích thành phố Uông Bí đã tiến hành trùng tu ngôi chùa bằng gạch ngói, xi măng với tổng diện tích là 96 mét vuông với 3 gian thiền đường, cửa vòm, một gia tự điện, trai đường, nhà ở,...
Năm 2007, được sự chấp thuận của chính quyền và sự cho phép của Hòa thượng Thích Thanh Từ (Viện chủ Thiền viện Trúc Lâm) cùng sự cung thỉnh của nhân dân, Phật tử thành phố Uông Bí, Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh chịu trách nhiệm về việc trùng tu. Đây là sự kiện lớn, đánh dấu sự đổi thay của chùa Ba Vàng, là lần trùng tu cuối cùng và lớn nhất.
Sau lần phục dựng này, chùa Ba Vàng được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Đông Dương” năm 2014 và bằng khen “Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất Việt Nam” bởi tổ chức kỷ lục Việt Nam. Cùng với đó là rất nhiều bằng khen khác.
Chùa Ba Vàng thu hút rất đông du khách
Không những thế, chùa Ba Vàng còn là trung tâm Phật giáo, thu hút rất đông các tín đồ Phật tử về chùa tu học định kỳ vào các ngày 8, 14, 29 (tháng thiếu) và 30 âm lịch gồm các chương trình như: Lễ truyền Bát Quan Trai giới, thời khóa Sám hối, lễ Cầu Siêu,....Nhưng buổi tu học Phật Pháp giúp quý Phật tử và nhân dân thập phương kết duyên lành với chính Pháp, nghe học chân lý đạo Phật, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, mang tới cuộc sống tốt đẹp, an vui.
3. Kiến trúc của chùa Ba Vàng - Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng mang những đặc trưng nổi bật của chùa ở Bắc Bộ với 3 gian bái đường, một gian hậu cung với các ban thờ Phật, Đức Ông, thờ Mẫu, cổng tam quan, lầu chuông và một số công trình khác như khu giảng đạo, trai phòng, thư viện, khu nhà tăng,....
Cổng tam quan chùa Ba Vàng
Kiến trúc chùa Ba Vàng có thiết kế độc đáo với 3 cổng Tam quan lên chính điện bao gồm cổng chào, cổng tam quan trung và cổng tam quan nội. Trong đó, cổng tam quan nội là cổng quan trọng nhất, thể hiện nét kiến trúc Phật giáo với 2 câu đối bằng chữ Hán ở 2 bên:
“Thành Đằng Sơn thắng cảnh vạn đại lưu danh
Bảo Quang Tự thiền môn thiêu thu hương hỏa”
Mái lợp ngói đỏ
Phía trên lợp mái ngói đỏ, xây theo kiểu 3 tầng, phía trên các góc mái uốn cong đặc trưng và có gắn tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng. Phía trước tam quan nội là hồ nước hình bán nguyệt, giữ hồ là biểu tượng chùa Một Cột được lấy theo nguyên mẫu chùa chính ở Hà Nội. Đây là điểm độc đáo, thể hiện được kiến trúc Phật giáo hài hòa với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tòa Đại Hùng Bảo Điện có diện tích 4500 mét vuông là tòa chính điện rộng nhất, được xây dựng với quy mô 2 tầng. Toàn bộ cột, mái, xà, vỉa được làm bằng bê tông cốt thép và được sơn vân gỗ tỉ mỉ, cầu kỳ giống lối kiến trúc xưa. Mỗi một đầu mái đao đều được đắp nổi tứ linh thiêng liêng. Phía trên cột kèo được điêu khắc tỉ mỉ, nhất là những bức tranh trên tường miêu tả toàn bộ cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bên trong Đại Hùng Bảo Điện
Bên trong tòa điện chính là thờ Phật, từ bộ ngai chén cho tới nến thờ rồng nối, mâm thờ cúng, đôi hạc thờ đồng khảm tam khí,...đều được đúc bằng đồng với họa tiết cầu kỳ, đậm bản sắc dân tộc. Xung quanh tòa điện chính còn có nhiều công trình độc đáo như hai gian La Hán với 8 vị La Hán được đúc bằng đá nguyên khối; hệ thống câu đối hoành phi sơn son thiếp vàng,....
Khuôn viên chùa Ba Vàng còn có nhà thờ Tổ, khu giảng đạo, thư viện, trai phòng,....Tất cả đước sắp xếp liên hoàn tạo thành một quần thể kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo và văn hóa Phương Đông, giúp cho các tăng ni Phật tử thuận lợi trong việc thăm quan, chiêm bái.
18 vị La Hán ở chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng có rất nhiều tượng Phật được tạc bằng gỗ có giá trị như tượng Tam thế, Quan Âm, ông Thiện, ông Ác,....Đặc biệt nhất là chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là lớn nhất Việt Nam. Cùng với đó là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đúc bằng đá granite cao 10,8 mét tọa trên đài sen cao 2,8 mét và nặng 80 tấn,....
Với kiến trúc độc đáo, sử dụng nguyên liệu và đồ thờ cúng truyền thống bằng chất liệu đồng, trang trí nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về chùa Ba Vàng là điểm đến văn hóa tâm linh thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử về cầu an, tham quan và chiêm bái.
4. Những điều ít biết về chùa Ba Vàng
4.1. Ý nghĩa về tên gọi chùa Ba Vàng
Ý nghĩa tên gọi của chùa Ba Vàng
Theo lý giải của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, hai chữ “Ba Vàng” có ý nghĩa là chỉ ba ngôi vị quý báu là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Đây là tên gọi dễ hiểu, dễ nhớ và gần gũi với người dân từ thuở khai sơn lập địa nhưng không mất đi sự cao quý vốn có của Tam Bảo - nơi chốn thiền môn thanh tịnh, thể hiện sự tôn kính đối với ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng.
Chùa Ba Vàng còn có tên chữ Hán là Bảo Quang Tự. “Tự” có nghĩa là chùa, “Quang Bảo” mang nghĩa là ánh sáng quý báu. Bảo Quang Tự có nghĩa là ngôi chùa có ánh sáng quý báu. Hiểu theo nghĩa sâu xa, có lẽ là các bậc tiền nhân mong nguyện chùa Ba Vàng sẽ lan tỏa ánh sáng chính pháp tới muôn nơi, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi khổ đau, mê lầm, giác ngộ giải thoát và thành tựu trí tuệ.
4.2. Trụ trì chùa Ba Vàng là ai?
Trụ trì của chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh. Thầy Thích Trúc Thái Minh, thế danh là Vũ Minh Hiếu, sinh ngày 03/03/1967 tại làng Sen, thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Trụ trì chùa Ba Vàng là ai?
4.3. Những kỷ lục của chùa Ba Vàng Quảng Ninh
Chùa Ba Vàng - Ngôi chùa có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận chùa Ba Vàng là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất đó chính là tòa Đại Hùng Bảo Điện ngày 9/3/2014. Đại Hùng Bảo Điện có diện tích khoảng 4500 mét vuông.
Chùa Ba Vàng - Sở hữu trống độc mộc bằng gỗ lớn nhất Việt Nam: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng xác nhận kỷ lục “Ngôi chùa có chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất” dành cho chùa Ba Vàng. Chiếc trống có đường kính mặt là 1,5 mét; đường kính thân trống là 1,8 mét; chu vi thân trống là 5,5 mét và chiều dài là 2,5 mét.
Sở hữu trống độc mộc bằng gỗ lớn nhất Việt Nam
Ngôi chùa có nơi thờ Tam Bảo lớn nhất Việt Nam: Đây là nơi thờ Tam Bảo lớn nhất Việt Nam được công nhận từ khi khánh thành năm 2014.
5. Kinh nghiệm du lịch tâm linh chùa Ba Vàng
5.1. Chùa Ba Vàng mở cửa đến khi nào?
Chùa Ba Vàng mở cửa đến khi nào?
Vào các ngày bình thường, chùa Ba Vàng mở cửa từ 7h đến 20h, giúp cho du khách, Phật tử thỏa mái đến chùa vãn cảnh, hành hương lễ Phật. Vào các dịp lễ lớn trong năm như Tết nguyên đán, lễ Vu Lan, nhà chùa có thể mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn để đón lượng du khách lớn trong những ngày này. Khi tới chùa Ba Vàng vào các dịp lễ bạn sẽ có thể được tham gia các hoạt động vô cùng ý nghĩa như nghe sư thầy thuyết giảng về lẽ sống, làm lễ phóng sinh,...
5.2. Hướng dẫn di chuyển tới chùa Ba Vàng
Di chuyển bằng ô tô: Bạn có thể di chuyển tới chùa Ba Vàng bằng xe ô tô khách từ bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm đến Uông Bí - Quảng Ninh. giá vé xe khách từ 100.000 - 150.000 đồng/người/lượt. Khi tới thành phố Uống Bí bạn di chuyển tới chùa Ba Vàng bằng taxi để tiến thẳng vào chùa.
Di chuyển bằng xe máy: Với phương tiện là xe máy bạn có thể di chuyển theo hướng cầu Chương Dương - Bắc Ninh - Quốc lộ 18 sẽ tới thành phố Uông Bí.
5.3. Thời điểm lý tưởng nhất tới chùa Ba Vàng
Thời điểm lý tưởng nhất tới chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng bắt đầu mở hội vào ngày mùng 8 âm lịch, nếu đi đúng ngày là tốt nhất nhưng đây là khoảng thời gian đông nhất. Nếu như đầu xuân bạn vướng mắc nhiều công việc và chưa sắp xếp được thời gian thì cũng không cần quá lo lắng. Ngày 9/9 âm lịch là thời điểm thu hút nhiều Phật tử và du khách đến chùa Ba Vàng dự lễ hội hoa cúc. Đây được coi là ngày tết đã có từ lâu theo văn hóa của người Việt còn có tên gọi khác là Tết Trùng Dương.
Chùa Ba Vàng tổ chức các khóa tu theo tháng, các bạn trẻ sẽ được các thầy và sư trụ trì trong chùa giảng pháp, giúp các bạn sớm hình thành nhân cách, có một tâm hồn đẹp và nền tảng tâm lý vững chắc khi phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.
Chùa Ba Vàng mở cửa tự do, du khách hành hương tới chùa sẽ không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào.
5.4. Lưu ý khi hành hương tới chùa Ba Vàng
Lưu ý khi hành hương tới chùa Ba Vàng
● Nên ăn mặc trang phục lịch sự, không quá màu mè và phản cảm sẽ làm mất đi tính trang nghiêm vốn có.
● Không dẫm lên cây cối, hoa cỏ, bàn ghế, đồ đạc trong chùa.
● Nên xin phép với ban quản lý chùa Ba Vàng trước khi quay phim, chụp ảnh
● Không bỏ tiền vào tượng Phật, chỉ để vào hòm công đức
● Nên thành tâm cầu bình an, tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh khi đến chùa.
● Không đánh chuông, trống, các pháp khí của chùa
● Không đi vào những nơi có biển cấm vào và khu nội viện của Tăng Ni
● ….
Chùa Ba Vàng là điểm tâm linh mà bạn nên ghé thăm khi tới Quảng Ninh. Kiến trúc độc đáo cùng không gian thanh tịnh, sự rộng lớn, bề thế, linh thiêng,....chắc chắn sẽ giúp bạn có những phút giây thư thái trong tâm hồn, an nhiên. Cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác bằng cách truy cập website loiphong.vn