Chu Văn An
Chu Văn An là người thầy có công lớn trong cho nền giáo dục Việt Nam, đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. Ông đem hết tài năng của mình để cống hiến, phục vụ cho đất nước. Nhà giáo Chu Văn An luôn được dân chúng ca ngợi về phẩm chất đạo đức thanh cao, chính trực, liêm khiết. Ông được tôn là “Vạn thế sư biểu” nghĩa là người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời.
1. Chu Văn An là ai? Tiểu sử Chu Văn An
Chu Văn An là ai? Tiểu sử Chu Văn An
Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là một nhà giáo, người thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An có “tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc”. Ông có trình độ học vấn tinh thông nổi tiếng gần xa nên “học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”.
Lịch sử ghi chép lại, sau khi đỗ Thái học sinh, ông từ chối chốn quan trường và về quê dạy học. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều học trò biết được danh tiếng của ông liền đã tìm tới theo học. Sau này, có rất nhiều người đã trở thành trụ cột của triều đình như Lê Quát, Phạm Sự Mạnh,...Chu Văn An là người có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.
Vua Trần Minh Tông (1300 - 1357) đã trực tiếp ra mời ông làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạ cho Thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông. Đến đời Dụ Tông, vua cùng bọn nịnh thần bỏ việc triều chính, ăn chơi xa hoa, Chu Văn An nhiều lần can ngăn nhưng không được bèn dâng sớ thất trảm chém 7 kẻ nịnh thần được vua tin dùng. Vua Trần Dụ Tông không nghe, ông bèn “treo mũ ở cửa Huyền Vũ”, cáo quan và về ở ẩn tại núi Phượng Sơn xã Kiệt Đắc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương lấy hiệu là Tiều Ẩn.
Trong cuộc đời của mình, ông theo đuổi 4 giá trị giáo dục đó là Cùng lý - Chánh tâm - Tịch tà và Cự bí. Trong đó, Cùng lý là tranh luận tìm ra lý lẽ; Chánh tâm là sống ngay thẳng, không thẹn với lòng với người; Tịnh tà là không mê tín dị đoan và Cự bí là chống lại những điều làm hoen ố nhân tâm.
Khi nghe tin ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã sai quan đến làm lễ viếng, ban tặng tên thụy là Văn Trình và được thờ ở Văn Miếu bên cạnh các bậc thánh hiền. Chu Văn An để lại hai tập thơ là Quốc ngữ thi tập bằng chữ Nôm và Tiều Ẩn thi tập bằng chữ Hán, một sách bàn về bộ Tứ thư là Tứ thư thuyết ước.
Với những đóng góp to lớn cho nền giáo dục nước nhà, Chu Văn An được vinh danh là “Vạn thế sư biểu” mang ý nghĩa “người thầy của muôn đời”. Ngày 16/4/2019, Chu Văn An được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
2. Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An
Thời trẻ, Chu Văn An nổi tiếng là người cương trực, luôn giữ tiết tháo, trong sạch, không màng tới danh lợi, vật chất, thích tìm tòi và đọc sách để nâng cao sự hiểu biết. Cuộc đời ông chia làm 3 giai đoạn chính, đó là:
2.1. Mở trường dạy học ở quê nhà
Chu Văn An thi đỗ Thái học sinh nhưng lại từ chối làm quan mà về làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch mở trường dạy học. Ông thấy rằng nước Nam không có nhiều trường học, người hiền tài muốn trao đổi kinh sử cũng rất khó khăn nên thay vì làm quan ông lựa chọn mài dũa nhân tài cho đất nước. Không chỉ có công lớn trong việc sáng lập nên trường học trong nhân dân mà Chu Văn An còn góp công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam.
Trong sự nghiệp giáo dục, Chu Văn An có rất đông học trò, rất nhiều người đã thành danh, trở thành vị quan liêm khiết trong triều đình. Dù vậy, khi trở về thăm thầy cũ họ vẫn hành lễ, một mực tôn trọng, kính nể. Điều này chứng minh rằng, Chu Văn An là một người thầy hiền đức, học vấn sâu rộng, uy nghiêm.
Tiếng lành đồn xa, ai ai cũng muốn đến tầm sư Chu Văn An học đạo, học trò của ông ngày càng nhiều. Là một người công tâm, Chu Văn An không phân biệt sang hèn, giàu nghèo mà chỉ đề cao trò nào thông minh, trò nào cố gắng; thẳng thắn trách móc, phê bình những trò ham chơi.
Dưới triều đại nhà Trần, trường Huỳnh Cung đã tạo nên ảnh hưởng lớn. Trường Huỳnh Cung được miêu tả là có đầy đủ thư viện, lớp học, học sinh trên 3000 (theo sách “Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy giáo dục Việt Nam”). Ngôi trường đã giúp cho con em dân thường có cơ hội học hành, thi cử. Tại trường Huỳnh Cung, thầy Chu đã phổ cập rộng rãi nho giáo với tôn chỉ “giáo kính, giáo trung, giáo văn”.
2.2. Làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám
Làm Tư nghiệp tại Quốc Tử Giám
Nam Khai Thái, vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) nghe được danh tiếng của Chu Văn An liền mời ông về nhận chức Tư nghiệp (Hiệu trưởng) cho trường Quốc Tử Giám. Dù thời gian đầu ông chỉ giảng dạy cho Thái tử Trần Vượng.
Năm 1329, Trần Vượng lên ngôi gọi là vua Trần Hiến Tông. Lúc này, Chu Văn An mới chuyên tâm mở rộng và phát triển giáo dục cho trường Quốc Tử Giám. Ông viết Tứ thư thuyết ước, tóm tắt bộ sách lớn là Luật ngữ, Mạnh tử, Đại học và Trung Dung làm giáo trình dạy học. Mỗi năm Quốc Tử Giám lại càng được củng cố, phát triển.
Trị vì được 2 năm thì vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên thay. Vua Trần Dụ Tông tuổi đời còn khá trẻ, không có tài trị quốc, đam mê tửu sắc, bỏ bê việc nước khiến cho tình hình đất nước trở nên phức tạp, nhiều tham quan, lũng đoạn, nhiễu nhương. Bọn quan viên bất tài lấy đó làm cơ hội, ra sức tham nhũng, chèn ép dân lành khiến cho đời sống nhân dân ngày càng đói kém, khổ sở.
Lúc này, Chu Văn An là người có uy trong triều đình, thấy được sự nhiễu loạn của quân thần nên vô cùng căm giận. Vốn tính thẳng thắn, cương trực ông đã dâng “Thất trảm sớ”, xin chém 7 tên nịnh thần; điều đó khiến nhà vua không vui. Sau đó, “Thất trảm sớ” bị thất truyền, nhiều người cho rằng vua Trần Dụ Tông không muốn triều đình một phen náo loạn, muốn Chu Văn An yên ổn nên đã hủy đi và chính sử cũng không có bất kỳ ghi chép nào về danh sách bảy người này.
2.3. Rời chốn quan trường lui về ở ẩn
Cảm thấy bất lực trước thời cuộc, muốn giúp đời mà không giúp được Chu Văn An bèn treo mũ ở cửa Huyền Vũ, lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng lấy hiệu là Tiều Ẩn nghĩa là người đi hái củi ẩn dật.
Từ khi Chu Văn An về, Chí Linh dấy lên phong trào học tập, có rất nhiều người học giỏi nổi tiếng. Đặc biệt, dưới thời nhà Mạc, huyện này có bà Nguyễn Thị Duệ thi đỗ tiến sĩ, là tiến sĩ nữ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời phong kiến. Ngoài ra còn có Nguyễn Phong mới 14 tuổi đã cùng cha thi đỗ kỳ thi Hương, năm 26 tuổi đỗ tiến sĩ.
Ông mở lớp dạy học, viết sách, ngâm thơ, trồng thuốc, nghiên cứu y khoa, chữa bệnh giúp dân. Triều đình nhiều lần cử người đến mời Chu Văn An về triều nhưng ông đều từ chối. Thế nhưng, lòng ông vẫn hướng về nhà Trần. Sau khi vua Trần Nghệ Tông dẹp loạn Dương Nhật Lễ, lấy lại được ngôi vua, Chu Văn An dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn về triều chúc mừng. Điều này càng khiến cho các sĩ phu đương thời và nhân daanq quý trọng.
Chu Văn An được thờ tại Văn Miếu
Năm Thiệu Khánh thứ nhất đời Trần Nghệ Tông, tháng 11/1370, Chu Văn An ốm nặng rồi mất khi gần 80 tuổi. Vua làm lễ tế, đặt tên thụy là Văn Trinh, được thờ tại Văn Miếu xem ông ngang hàng với các bậc thánh hiền ngày xưa. Đây là một vinh dự lớn đối với bậc tri thức thời bấy giờ.
3. Tác phẩm tiêu biểu của Chu Văn An
Các tác phẩm của Chu Văn An chịu ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo và Nho giáo. Những tác phẩm của ông thường thể hiện cảnh đẹp đất nước kết hợp với quan điểm chính trị. Hiện nay, phần lớn các tác phẩm đã thất truyền.
Bộ giáo trình “Tứ Thư Thuyết ước” được ông biên soạn, chắt lọc tinh túy từ bộ sách tứ thư Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Tiếc thay, tứ thư đã bị thất lạc.
Những bộ sách nổi tiếng do ông sáng tác gồm có:
● Tứ thư thuyết ước
● Tiều ẩn quốc ngữ thi tập
● Tiều ẩn thi tập
Ngoài ra, ông còn nghiên cứu y học và sáng tác “Y học yếu giải tập chu di truyền” ghi lại các phương thuốc chữa bệnh cơ bản.
Chúng ta vẫn lưu giữ được 12 bài thơ của Chu Văn An được ghi chép trong sách “Thơ Văn Lý Trần tập 3, xuất bản 1978”:
● Cung hoạ ngự chế động chương
● Đề Dương công Thuỷ Hoa đình
● Giang đình tác
● Linh sơn tạp hứng
● Miết trì
● Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính
● Sơ hạ
● Thanh Lương giang
● Thôn Nam sơn tiểu khế
● Thứ vận tặng Thủy Vân đạo nhân
● Vọng Thái Lăng
● Xuân đán
4. Đền thờ Chu Văn An ở đâu?
Đền thờ Chu Văn An ở Hải Dương
Sau khi Chu Văn An mất, các học trò trước đây của ông đã cùng nhau lập bàn thờ ở ngôi trường cũ Huỳnh Cung. Bên cạnh bài vị thờ công, triều lệ còn đặt bài vị của 61 văn thân ở huyện Thanh Trì.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đình đã bị phá hủy hoàn toàn, nền móng của đình chỉ còn trụ cột, rùa đá, bia đá. Dân làng còn cất giữ được đồ thờ Chu Văn An như 2 mũ cánh chuồn, 1 dải áo, 1 áo long cồn, 1 áo thụng hồng, 1 đôi ngai, 1 ngai thở, 1 trùy đồng, 6 sắc phong, một cuốn thần tích được lập từ thời vua Lê Hồng Đức. Nhân dân Huỳnh Cung đã tu sửa ngôi đình xứng đáng là nơi lập nghiệp của doanh nhân văn hóa thế giới Chu Văn An, người con của quê hương Thanh Liệt.
Bên cạnh đó, Thanh Liệt Hà Nội là nơi ông sinh ra cũng xây dựng hai miếu thờ đó là Miếu Chu công tử và đền Nội.
Núi Phượng Hoàng là nơi ở ẩn, nơi dạy học và an nghỉ của Chu Văn An. Tại đây, đèn thờ của ông cũng được xây dựng ở thế đất linh thiêng với phong thủy trước sau đều có núi hâu thuẫn. Đền được xây dựng theo cấu trúc độc đáo, nghệ thuật trang trí điêu luyện, kiến trúc mang nét cổ xưa.
Qua thời gian, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Năm 1997, chính quyền Hải Dương bắt đầu khai quật khảo cổ, trùng tu tôn tạo, xây mới. Hiện nay, khu di tích tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An có 3 khu chính là đền thờ, lăng mộ thầy Chu Văn An và Điện Lưu Quang - nơi thầy dạy học ngày xưa.
Nơi đây thu hút rất đông học sinh, sinh viên đến thăm quan, thắp hương tưởng nhớ “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An
Toàn bộ công trình được trùng tu, xây dựng đồng bộ, kiên cố theo lối kiến trúc cổ. Hàng năm, tại khu di tích tổ chức “Lễ khai bút đầu xuân” vào ngày 8 tháng Giêng (âm lịch) và “Lễ hội về nguồn” vào ngày 26/11 (âm lịch) thu hút rất đông người tham gia đặc biệt là giáo viên, học sinh, sinh viên. Lăng mộ Chu Văn An được nhà nước xếp hạng là điểm đến du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.
Với những đóng góp to lớn của “Vạn thế sư biểu” nhiều đường phố, trường học trên khắp cả nước đã đặt theo tên của ông. Tại Hà Nội, trường Bưởi - Chu Văn An là ngôi trường có tuổi thọ lâu đời nhất cả nước, nơi đào tạo biết bao nhân tài lịch sử gắn liền với nhiều giai thoại.
Cuộc đời thanh khiết của nhà giáo Chu Văn An đã trở thành tấm gương sáng, được mọi người thán phục. Tất cả các tập thơ đường luật, triết lý giáo dục,....đều được hậu thế vận dụng một cách linh hoạt, mang tới những ý nghĩa thực tiễn giá trị. Tất cả những điều đó càng chứng minh được vai trò, sức ảnh hưởng của nhà giáo Chu Văn An đối với nền giáo dục nước nhà. Ngày nay, khi nhắc tới Chu Văn An được mọi người thường nghĩ ngay tới “thầy của những người thầy”!