5 giới cấm là gì? Lợi ích của việc giữ 5 giới
Giữ gìn để không phạm phải 5 giới cấm mang lại nhiều giá trị cho Phật tử và chúng sinh. 5 giới cấm hay 5 giới luật là đạo đức cơ bản của người Phật tử phải tuân theo trước khi bước chân vào con đường giác ngộ. Nếu thiếu đi đạo đức căn bản này thì dù bạn có nói đạo đức cao siêu đến đâu thì đều là những lời nói sáo rỗng, không mang lại giá trị. Cùng tìm hiểu 5 giới cấm trong nội dung dưới đây.
1. Giới là gì?
Trước khi tìm hiểu 5 giới cấm là gì bạn cần phải hiểu giới là gì. Giới là hàng rào ngăn giữ những hành động, lời nói xấu ác của thân, khẩu, ý để giúp bản thân được tốt hơn, hiền thiện và cao đẹp hơn. Giới của Phật giáo không có tính bắt buộc, không áp đặt người khác phải tin và thực hành như giới điều, tín điều như một số tín ngưỡng khác.
Giới là gì?
Trước khi thực hành theo giới này, Phật tử có quyền hoài nghi, suy luận, nhận thức để biết điều nào mới đem lại lợi ích thiết thực cho mình cũng như mọi người xung quanh. Vậy nên, có thể thấy rằng, giới của Phật giáo có tính tự do; tự do ở đây là tự do trong nhận thức và tự do trong sự phát nguyện.
2. 5 giới cấm là gì? Ngũ giới là gì?
5 giới còn được biết đến với các tên gọi như ngũ giới, 5 luật giới,...Đây là 5 điều ngăn cấm do Đức Phật tạo ra và bảo Phật tử phải tuân theo. Sau khi quy y, để đủ tư cách trở thành Phật tử hay đệ tử Phật thì cần phải giữ gìn 5 giới. 5 điều cấm này, Phật vì thương xót chúng sinh mà tạo ra, cốt khiến đời sống họ được an lành, hạnh phúc. Giữ gìn 5 giới cấm được coi là vì mình chứ không phải là vì Phật.
5 giới cấm còn có tên gọi khác là ngũ giới
5 giới cấm mà Phật đã chế ra để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu không tuân theo. Việc giữ hay không giữ là do chính chúng ta tự liệu.
3. 5 giới cấm căn bản của Phật tử tại gia
5 giới cấm bao gồm:
3.1. Không sát sinh
Sát sinh có nghĩa là sát hại bất kỳ những thứ gì đang sống, đề cập đến việc tấn công và giết hại chúng sinh. Vậy, không sát sinh là gì? Là không được giết hại mạng sống của con người và muôn loài. Chúng ta tự biết quý trọng sinh mạng của mình vậy tại sao lại sát hại mạng kẻ khác.
Trên lẽ công bằng và nhân đạo thì chúng ta không được phép làm điều ấy. Nếu làm thì chúng ta sẽ không còn xứng đáng là đệ tử của Phật. Giết hại mạng sống con người có 3 hình thức đó là trực tiếp giết, xúi bảo người giết, tuỳ hỷ trong việc giết hại.
Sát sinh hại vật sẽ phải chịu quả báo
Phật tử không được tự tay giết người, không dùng miệng xúi dốc kẻ khác giết người, khi thấy họ giết hại nhau chỉ một bề thương xót chứ không được vui thích. Đó là giữ giới không sát sinh, luôn quý trọng mạng sống của con người của các loài vật, bình đẳng về mạng sống và tôn trọng mạng sống của họ.
Nếu từ bé đến lớn, chúng ta quen giết các con vật nhỏ như gián, muỗi, kiến,...thì khi trưởng thành sẽ lại giết gà, vịt, heo,...Khi ấy, lòng từ bi sẽ giảm đi, ác tâm sẽ lớn dần theo thời gian. Sau này, khi có mâu thuẫn, bất hòa với người khác chúng ta sẵn sàng hãm hại họ.
5 chi hình thành tội sát sinh
- Chúng sinh có thức tánh (trừ vi khuẩn, vi trùng, thực vật)
- Biết rõ chúng sinh có thức tánh
- Có ý muốn giết chúng sinh
- Cố gắng giết chúng sinh
- Chúng sinh đã chết vì mình giết
3.2. Không trộm cướp
Không trộm cướp có nghĩa là không được lấy đồ của người khác dù là cây kim, ngọn cỏ. Điều đạo đức này của Đức Phật cũng nói lên sự bình đẳng về tôn trọng quyền sở hữu tài sản của mọi người. Tài sản là mồ hôi, công sức, nước mắt của mọi người làm ra nên chúng ta cần phải tôn trọng và bảo vệ.
Không được ăn trộm cắp
Do đó, nếu là người quy y Phật, quy y Tam Bảo thì không được trộm cắp vì trộm cắp sẽ đánh mất đi đạo nghĩa. Khi đã trộm cắp chúng ta phạm cả tội luật pháp của nhân gian. Trong đạo Phật, một người được gọi là Phật tử thì không thể có tính trộm cắp. Đức Phật từng dạy ai có lòng tham, trộm cắp thì đời đời sinh ra nghèo khổ.
Của cải, tài sản của chúng ta đều không muốn ai xâm phạm nên của cải của người khác chúng ta cũng không được lấy, trộm cắp. Trộm cắp là do lòng tham ác động, chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình mà quên đi nỗi khổ đau của người mất. Người Phật tử nhất định không được làm.
5 chi hình thành tội trộm cắp
- Vật có chủ sở hữu
- Biết rõ vật đã có chủ sở hữu
- Có ý muốn lấy
- Cố gắng lấy
- Vật đó đã bị dời chỗ do cố ý lấy
3.3. Không tà dâm
Ngoài đời sống tình dục một vợ một chồng thì tất cả các mối quan hệ khác đều được gọi là tà dâm. Việc giữ giới này giúp cho các cặp vợ chồng giảm nguy cơ ngoại tình.
Người Phật tử có vợ/chồng như mọi người khác trên thế giang. Khi đã kết duyên vợ chồng thì không được phạm đến sự trinh bạch của kẻ khác nếu phạm phải thì sẽ mắc tội tà dâm. Vì đây là hành động khiến cho gia đình đau khổ, có nguy cơ tán gia bại sản. Chỉ vì một chút tình cảm riêng tư của bản thân khiến cho nhiều người đau khổ. Để gia đình luôn hạnh phúc và không làm ảnh hưởng đến người khác thì Phật tử nhất định không được phạm phải tà dâm.
4 chi hình thành nên tội tà dâm:
- Người nữ đã có sở hữu hoặc đang được bảo hộ
- Có tâm muốn hành dâm
- Cố gắng hành dâm
- Có sự thích thú khi hành dâm
3.4. Không được nói dối
Nói dối bao gồm nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói vọng ngôn. Những lời nói trái với sự thật để mưu cầu lợi ích, làm hại người khác thì đều là nói dối. Xuất phát từ lòng tham, lợi ích mà nói thế này thế khác; sửa trái làm mặt, đổi phải thanh quấy khiến cho người khác mắc họa.
Không nói dối
Người ta nói như vậy là trái với đạo đức, mất lòng nhân và không xứng đáng là người con của Phật. Phật tử cần phải ăn nói có chuẩn mức, có sao nói vậy, không điêu xảo dối trá trừ trường hợp vì lợi người lợi vật không muốn nói ra sự thật để người bị hại hay khổ đau. Do tấm lòng nhân hậu cứu người cứu vật mà nói sai sự thật thì được coi là không phạm giới này. Không nói dối cũng là cách giữ lòng tin với mọi người xung quanh.
4 chi hình thành nên tội nói dối:
- Có một điều sai với sự thật
- Có tâm muốn nói sai sự thật
- Đã nói sai sự thật
- Khiến người nghe tin vào đó là điều sai sự thật
3.5. Không được uống rượu
Giới cuối cùng trong 5 giới cấm đó là không được uống rượu. Dù rượu được làm từ ngũ cốc, trái cây không phải thực phẩm mặn nhưng Đức Phật vẫn khuyên chúng ta không nên dùng. Rượu khiến cho tâm người mê loạn, uống vào sẽ bị điên đảo, hôn cuồng, càn quấy,...nên cần phải tránh xa không được uống rượu.
Không uống rượu
Uống rượu không chỉ làm mất trí khôn mà còn gây hại cho thân thể, di hại cho con cái. Người Phật tử vì sự nghiệp giác ngộ, vì lợi ích cho mình cho người thì không nên uống rượu. Trừ trường hợp mắc bệnh y sĩ bảo phải dùng rượu hòa thuốc mới lành. Phật tử được uống rượu thuốc cho đến khi hết bệnh và cần phải trình cho chư Tăng trước khi uống.
2 chi hình thành nên tội uống rượu:
- Có ý muốn uống rượu
- Đã uống qua khỏi cổ
4. Lợi ích của việc giữ 5 giới cấm
Việc giữ 5 giới cấm mang tới nhiều lợi ích, phải kể đến như:
Tạo môi trường sống tốt đẹp: Khi chúng ta không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì sẽ góp phần tạo nên một môi trường sống hòa bình, an toàn, lành mạnh cho chính bản thân và những người xung quanh.
Giảm thiểu đau khổ và bất hạnh: Khi chúng ta không làm điều sai trái thì sẽ không tạo ra khổ đau, bất hạnh cho bản thân và người khác. Điều này cũng giúp chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.
Tăng cường sức khỏe và tinh thần: Việc giữ gìn không phạm phải 5 giới cấm cũng giúp chúng ta tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Bởi khi không sát sinh sẽ giúp cơ thể ta khỏe mạnh. Khi không tà dâm sẽ có đời sống tình dục lạnh mạnh. Khi không nói dối thì sẽ có thêm nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Khi không uống rượu thì sẽ có tinh thần sức khỏe minh mẫn.
Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người: Khi chúng ta giữ 5 giới thì sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng. Nhờ đó, tạo dựng được nhiều mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh.
Tạo dựng được những mối quan hệ tốt
Phát triển trí tuệ và tâm linh: Việc giữ 5 giới cấm giúp chúng ta phát triển trí tuệ và tâm linh. Khi không phạm phải những điều sai trái thì chúng ta sẽ có một tâm trí thanh tịnh, sáng suốt. Không những thế còn giúp chúng ta đạt được những thành tựu trong cuộc sống.
5. Làm sao để giữ nghiêm 5 giới cấm?
Việc giữ nghiêm 5 giới cấm là điều không hề dễ dàng. Để giữ được ngũ giới chúng ta cần phải kiên trì thực hành, dần dần sẽ vượt qua những khó khăn và giữ 5 giới tốt hơn. Một số cách mà bạn có thể áp dụng để giữ 5 giới cấm đó là:
Hiểu rõ ý nghĩa của ngũ giới cấm: Khi biết được lợi ích của việc thực hành giữ 5 giới cấm chúng ta sẽ có động lực để thực hành.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân, các bậc thầy tâm linh: Bạn bè và người thân có thể giúp chúng ta nhắc nhở, hỗ trợ khi chúng ta gặp khó khăn. Còn các bậc thầy tâm linh sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của ngũ giới, cách thực hành tốt hơn.
Kiên trì thực hiện: Tu ngũ giới cấm là quá trình dài lâu nên chúng ta cần phải kiên trì thực hành. Khi đã kiên trì thực hành thì lâu dần sẽ vượt qua mọi khó khăn, giữ ngũ giới tốt hơn.
6. Làm gì khi phạm phải 5 giới cấm?
Chúng ta là những người đang thực hành, tu tập giữ 5 giới cấm thì dù có thuần thục, giỏi giang đến đâu thì vẫn có thể phạm giới và đó là chuyện rất bình thường. Nếu chúng ta lỡ phạm phải một trong 5 giới cấm thì phước báu sẽ không được vẹn tròn như ban đầu mà sẽ giảm đi theo việc bạn làm chứ Phật không bắt tội. Chúng ta giữ giới nghiêm bao nhiêu thì lợi ích sẽ có bấy nhiêu.
Làm sao để giữ 5 giới cấm?
Khi phạm giới bạn cần phải sám hối, chỉnh sửa suy nghĩ, lời ăn tiếng nói và hành động của mình để cho giới thanh tịnh trở lại. Khi đã sám hối thì cần phải sửa đổi, không tái phạm, nếu tái phạm thì việc sám hối sẽ không có tác dụng gì.
5 giới cấm là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Việc giữ ngũ giới sẽ giúp Phật tử có cuộc sống hạnh phúc, an vui và đến gần hơn với Đức Phật. Nếu bạn quan tâm đến Phật giáo, muốn trở thành đệ tử của Phật thì hãy giữ ngũ giới, cố gắng thực hiện để hiểu hết ý nghĩa, giá trị mà 5 giới luật mang lại.