0963937586
Tư vẫn miễn phí 24/24
Ship code
Trên phạm vi toàn quốc
Thanh toán
Khi nhận hàng tại Hà Nội
Góc tư vấn

Hùng Vương

Hùng Vương là tên gọi của các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt, triều đại được cho là thành lập cách đây hơn 4000 năm. Cùng loiphong.vn tìm hiểu chi tiết trong nội dung dưới đây.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, gắn liền với lịch sử vua Hùng. Câu chuyện về các vị Hùng Vương không có trong chính sử mà nằm trong các truyền thuyết dân gian được người dân Việt kể từ đời này qua đời khác. Với người dân Việt, các vua Hùng là đại diện cho truyền thống dựng nước, là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn.

1. Hùng Vương là ai?

Hùng Vương hay vua Hùng là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo truyền thuyết, các vị vua là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Hùng Vương là tên gọi chung của các vị vua nhà nước Văn Lang (tranh vẽ)

Hùng Vương là tên gọi chung của các vị vua nhà nước Văn Lang (tranh vẽ)

Truyền thuyết kể lại rằng, vua Hùng bắt đầu từ khi xã hội Văn Lang vẫn còn tồn tại. Đứng đầu nước Văn Lang là những thủ lĩnh tối cao, được nhân dân biết đến với tôn hiệu là Hùng Vương. Hùng Vương là người chỉ huy quân sự, chủ trì những nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương còn có các lạc tướng, lạc hầu để hỗ trợ nhà vua.

2. Sự tích về các vua Hùng

Theo cuốn sách “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, danh sách 18 vị Hùng Vương được liệt kê một cách đầy đủ và rõ ràng. Nhưng, sau phần danh sách đó, tác giả đã đưa ra một số nhận xét thuộc một trong hai quan điểm được nhiều nhà sử học khác tạm chấp nhận đó là 18 vị vua Hùng mà chúng ta vẫn nghĩ không phải là 18 người cụ thể mà đó là 18 chi, mỗi chi có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu.

Sự tích về các vua Hùng (tranh vẽ)

Sự tích về các vua Hùng (tranh vẽ)

Dựa theo những nghiên cứu và căn cứ trong cuốn “Đại Việt sử lược”, 18 đời vua Hùng trị vì đất nước vào khoảng những năm 688 - 280 TCN. Vua đầu tiên là Kinh Dương Vương, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr.TL) lên ngôi vua năm 41 tuổi và vị vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương sinh năm Canh Thân (421 tr.TL) lên ngôi vua năm 14 tuổi. Khi đó, người dân Lạc Việt đã gọi vua của nước Văn Lang là Hùng Vương.

3. 18 đời vua Hùng gồm những vị Hùng Vương nào?

18 đời vua Hùng gồm những vị Hùng Vương nào?

18 đời vua Hùng gồm những vị Hùng Vương nào?

Theo “Đại Việt sử lược” và nhiều tài liệu khác, triều đại Hùng Vương được truyền qua 18 đời, gồm có những vị vua sau:

1. Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr. TL) đến Đinh Hợi (2794 tr. TL).

2. Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 tr. TL), lên ngôi vua năm 33 tuổi, ở ngôi tất cả 269 năm, từ năm Mậu Tý (2793 tr. TL) đến năm Bính Thìn (2525 tr. TL).

3. Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 tr. TL) lên ngôi năm 18 tuổi, ở ngôi 272 năm, từ năm Đinh Tỵ (2524 tr. TL) đến 2253 tr. TL.

4. Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, lên ngôi vua năm Đinh Hợi (2252 tr. TL), ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 tr. TL) đến năm Mậu Thìn (1913 tr. TL).

5. Hùng Hy Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 tr. TL), lên ngôi năm 59 tuổi, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 tr. TL) đến Mậu Tý (1713 tr. TL).

6. Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 tr. TL), lên ngôi vua khi 29 tuổi, ở ngôi tất cả 81 năm, từ năm Kỷ Sửu (1712 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1632 tr. TL).

7. Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 tr. TL), lên ngôi năm 18 tuổi, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Canh Tuất (1631 tr. TL) đến năm Kỷ Tỵ (1432 tr. TL).

8. Hùng Vỹ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 tr. TL) lên ngôi năm 39 tuổi, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 tr. TL) đến năm Kỷ Dậu (1332 tr. TL).

9. Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 tr. TL), lên ngôi năm 45 tuổi, ở ngôi tất cả 80 năm, từ 1331 đến 1252 tr. TL.

10. Hùng Uy Vương, húy Hoàng Long Lang, trị vì 90 năm, từ 1251 đến 1162 tr. TL.

11. Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 tr. TL), lên ngôi năm 51 tuổi, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 tr. TL) đến năm Bính Tuất (1055 tr. TL).

12. Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 tr. TL), lên ngôi năm 52 tuổi, ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 tr. TL) đến năm Nhâm Tuất (969 tr. TL).

13. Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 tr. TL), lên ngôi năm 23 tuổi, ở ngôi tất cả 115 năm, từ năm Quý Hợi (968 tr. TL) đến Đinh Mùi (854 tr. TL).

14. Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 tr. TL) lên ngôi năm 42 tuổi, ở ngôi tất cả 99 năm, từ 853 đến 755 tr. TL.

15. Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 tr. TL), lên ngôi năm 35 tuổi, ở ngôi tất cả 94 năm, từ năm Đinh Hợi (754 tr. TL) đến năm Canh Thân (661 tr. TL).

16. Hùng Tạo Vương, húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 tr. TL), ở ngôi tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 tr. TL) đến năm Nhâm Thìn (569 tr. TL).

17. Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 tr. TL) lên ngôi vua khi mới 9 tuổi, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 tr. TL) đến năm Nhâm Thân (409 tr. TL).

18. Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi năm 14 tuổi, ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 tr. TL) đến năm Quý Mão (258 tr. TL).

4. Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ vị vua nào?

Theo niên đại trong truyền thuyết và huyền sử, 18 đời vua Hùng nối tiếp nhau trị vị trong hơn 2600 năm. Nếu chia trung bình thì mỗi vị vua sẽ trị vì đất nước xấp xỉ 150 năm. Như đã thông tin ở trên, một số học giả cho rằng 18 đời vua Hùng không phải là 18 cá nhân cụ thể mà là 18 chi, mỗi chi có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Ngay kể cả con số 18 cũng mang tính tượng trưng, ước lệ cho thấy triều đại Hùng Vương trải qua nhiều đời vì 18 là bội số của 9 - con số có ý nghĩa với người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ vị vua nào?

Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ vị vua nào?

Vậy, tại sao có nhiều vị vua Hùng như thế nhưng chỉ có một ngày giỗ Tổ Hùng Vương? Đây là thắc mắc của không ít người.

Truyền thuyết kể rằng, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Hùng Vương là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương, là niên hiệu được dùng cho hàng chục triệu năm sau đó. Theo đó, giỗ Tổ ở đây là giỗ Kinh Dương Vương để tưởng nhớ vị tổ phụ khai sinh ra đất nước.

Trên thực thế, ngày giỗ Tổ đã có cách đây 2000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, cột đá thề dựng trên núi Nghĩa Lĩnh ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập.

Các đời Hùng Vương sau này cũng luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò của vua Hùng trong việc xây dựng giang sơn. Bởi vậy, hàng năm người Việt luôn dành một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng nên đất nước.

5. Giỗ Tổ Hùng Vương khi nào?

Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.Trước đây, người dân không có tục đi lễ đền Hùng vào ngày 10/3 mà họ thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của từng người. Người dân thường đến lễ bái vua Hùng suốt năm, đông nhất vào mùa xuân, mùa thu chứ không định rõ ngày nào, tháng nào. Lễ cúng Tổ ở địa phương được tổ chức vào ngày 12/3 âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ. Con cháu ở xa sẽ về làm giỗ trước một ngày (11/3) chứ không mở hội lớn.

Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm

Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm

Thời gian lễ bái kéo dài, vừa tốn kém tiền của vừa không bày tỏ được lòng thành kính, không tập hợp được lòng dân. Thấy vậy, năm 1917 (triều Khải Định), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lễ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày tế của cả nước. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, nhân dân cả nước lại hướng về mảnh đất cội nguồn Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng. Ngày 10/3 là ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày nay, giỗ Tổ Hùng Vương được coi là Quốc giỗ là một trong những ngày lễ quan trọng của đất nước. Trong ngày này, người dân lao động được nghỉ làm.

6. Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Đền Hùng là tên gọi khác của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền thờ vua Hùng ở Phú Thọ cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km, được xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia”. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng tại Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đền Hùng Phú Thọ là nơi thờ phụng các vị vua Hùng

Đền Hùng Phú Thọ là nơi thờ phụng các vị vua Hùng

Từ thế kỷ XIII đến XVI các đền Thượng, đền Trung, đền Hạ đã được xây dựng để thờ 18 vị vua Hùng cùng các con gái của vua Hùng là Mỵ Nương, Tiên Dung,...Đến thế kỷ XV đền Hùng bị giặc Minh tàn phá. Sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, nhân dân ta đã xây dựng và tiếp tục thờ phụng, hương khói Đức Quốc Tổ.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm có đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, Lăng Hùng Vương, đền Giếng và bảo tàng Hùng Vương.

Sau cách mạng tháng 8/1945, năm 1946 nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương, Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã đến đền Hùng dâng hương và dâng tấm bản đồ nước Việt Nam độc lập.

Ngày 19/9/1954, tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong chuẩn bị về tiếp quản thủ đô, Bác Hồ đã nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ tại đền Hùng

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ tại đền Hùng

Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã đưa giỗ Tổ Hùng Vương trở thành ngày Quốc Lễ của dân tộc, một cột mốc quan trọng đối với dân tộc, đất nước.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa khác nhau, mang đậm nghi thức truyền thống. Các hoạt động văn hóa như lễ rước kiệu vua, lễ dâng hương vẫn được lưu giữ, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội.

Nghi thức rước kiệu vua

Nghi thức rước kiệu vua

Nghi thức rước kiệu sẽ xuất phát từ chân núi rồi qua các đền để đến đền Thượng - nơi làm lễ dâng hương. Lễ rước kiệu vua được sắp xếp gồm các đội múa sư tử, đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, quan viên và nhân dân,...Lễ dâng hương là phần dành cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó còn có phần hội với các trò chơi dân gian, hội thi như thi gói, nấu bánh chưng, thi hát xoan, thi kéo co,...

Hội thi gói bánh chưng được tổ chức vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Hội thi gói bánh chưng được tổ chức vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Hàng năm, đền thờ vua Hùng thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới thăm quan, hành hương đặc biệt là dịp đầu năm và ngày Quốc giỗ. Đền Hùng là biểu tượng của văn hóa dân tộc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Với các thông tin có trong bài viết “Hùng Vương là ai? Giỗ tổ Hùng Vương khi nào?” hy vọng sẽ giúp ích với bạn. Nếu bạn ở miền Nam không có điều kiện để đến đền Hùng ở Phú Thọ thì hãy ghé thăm đền Hùng ở Cần Thơ - điểm đến văn hóa tâm linh của các tỉnh miền Tây.

Quý khách vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay!