0963937586
Tư vẫn miễn phí 24/24
Ship code
Trên phạm vi toàn quốc
Thanh toán
Khi nhận hàng tại Hà Nội
Góc tư vấn

Hoa mai | Biểu tượng của mùa Xuân phương Nam

Hoa mai bừng nở, khoe sắc thắm rực rỡ báo hiệu một mùa Xuân mới lại về. Không chỉ là biểu tượng của mùa Xuân phương Nam hoa mai còn mang nhiều ý nghĩa.

Nếu như miền Bắc Tết không thể thiếu hoa đào thì miền Nam sẽ không thể thiếu hoa mai. Từ lâu, tục chơi mai ngày Tết đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân phương Nam. Sắc mai vàng tượng trưng cho quyền quý, cao sang thể hiện ước mong may mắn, tài lộc trong năm mới. Cánh hoa mai càng nhiều thì năm mới chủ nhà càng “phát tài phát lộc”.

1. Tìm hiểu nguồn gốc, đặc điểm của cây hoa mai

Hoa mai là một trong những loài hoa đặc trưng của miền Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Loài hoa tuy mỏng manh nhưng lại rực rỡ, mang đến nhiều may mắn, vui vẻ cho mọi người. Có thể bạn chưa biết, hoa mai cũng là một trong tứ mộc “Tùng - Cúc - Trúc - Mai”, chỉ những loài cây cao quý, thanh tao.

1.1. Nguồn gốc về hoa mai

Hoa mai có tên gọi tiếng anh là Apricot Flowers, tên khoa học là Ochna integerrima. Đây là loài cây thuộc họ Mai (Ochnaceae), có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện cách đây hơn 3000 năm trước. Theo ghi chép của Phí Cung Ấn đời Minh trong sách “Trân hương bảo ngự” có nói rằng “Đắc Kỷ ái lãm hàn mai. Trụ tằng ngự tuyết đồng lãm chi” khi dịch ra có nghĩa là “Đắc Kỷ thích ngắm hoa mai trong giá lạnh. Trụ vương thường đội tuyết cùng ngắm”.

Cây hoa mai có nguồn gốc từ Trung Quốc

Cây hoa mai có nguồn gốc từ Trung Quốc

Từ xưa, người Trung Quốc đã yêu thích hoa mai. Hoa mai cùng với Tùng, Cúc không chỉ được coi là nhóm “Tuế hàn tam hữu” mà còn được trân trọng coi là “quốc hoa”.

Ban đầu, hoa mai được đặt tên dựa theo đặc trưng của hoa như “Yên chi mai” chỉ loài hoa mai có màu đỏ, “Thủy tiên mai” chỉ loại hoa mai có 6 cánh tròn giống như hoa thủy tiên hay “Lục ngạc mai” chỉ loại hoa mai có đài hoa màu xanh đậm,...Cũng dựa theo ghi chép thì hoa mai của Trung Quốc được chia làm 4 loại đó là bạch mai, thanh mai, hồng mai và mặc mai.

Hoa mai vốn là loài cây dại, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới. Nếu cây mai được chăm sóc cẩn thận thì hoa nở rất đẹp, cây có tuổi thọ cao. Vì cây mai rụng lá vào cuối mùa đông, nở hoa đầu mùa xuân nên được mọi người lựa chọn làm cây cảnh chơi Tết nguyên đán ở Châu Á trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, cây mai có ở những khu vực thuộc dãy Trường Sơn, đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Ở các vùng cao nguyên cũng có một số lượng ít cây mai.

1.2. Đặc điểm của hoa mai

● Cây mai có bộ rễ khá to, mọc lồi lõm; rễ thường đâm sâu xuống đất từ 2 - 3 mét.

● Cây mai vàng là cây thân gỗ nên rất cứng cáp, cành hơi giòn nhưng vẫn có thể uốn để tạo dáng cây. Thân cây xù xì và nhiều cành nhánh.

● Tán cây có lá thưa, nếu để phát triển tự do thì cây mọc từ hạt có thể cao đến 20 - 30 mét.

● Lá cây mai là loại lá đơn, mọc xen kẽ so le, phiến lá dạng hình trứng thuôn dài, màu xanh biếc nhưng mặt dưới của lá có màu hơi ánh vàng.

● Hoa mai là loại hoa lưỡng tính, mọc từ các nách lá và tạo thành chùm. Hoa mai có 5 cánh nhỏ, mỏng manh và cũng có những bông hoa mai đặc biệt có từ 9 - 10 cánh. Hoa mai thường sẽ tàn sau 3 ngày nở.

Hoa mai nở thành từng chùm

Hoa mai nở thành từng chùm

● Hoa mai thường nở vào mùa Xuân nhưng do thời tiết thất thường dẫn tới việc ra hoa cũng thất thường nên có những cây mai nở hoa sớm hoặc nở hoa trái mùa.

● Không phải tất cả hoa mai đều đậu quả. Nếu bông hoa nào đậu quả thì sau khi tàn bầu noãn của hoa sẽ phình to. Một thời gian sau sẽ kết hạt.

● Cây mai là loài ưa sáng, chịu được bóng, chịu được hạn, có thể chịu được rét nhưng không chịu được gió.

2. Các loại hoa mai phổ biến hiện nay

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 24 loại cây mai và tại Việt Nam có khoảng 19 loại. Trong đó có các loại hoa mai phổ biến nhất đó là:

Mai tứ quý: Có 5 cánh màu vàng tươi, nở quanh năm. Sau khi cánh hoa rụng hết ở giữa bông hoa sẽ còn lại 2, 3 hạt nhỏ và dẹt có màu đen bóng. Điều đặc biệt là mai tứ quý nở hoa 2 lần, lần đầu là màu vàng và lần 2 là màu đỏ.

Mai tứ quý

Mai tứ quý

Cây hạnh mai: Cây hạnh mai có tên khoa học là Prunes Mume, được biết đến nhiều với tên gọi cây mai mơ. Cây mai mơ cao từ 6 - 9 mét, lá tròn rộng và dài, đầu nhọn, có răng cưa. Hoa mai mơ nở vào mùa xuân rồi sau đó sẽ nảy lá, đài hoa đỏ tía hoặc xanh thâm. Hoa mai mơ thường có 5 cánh với hai màu sắc đó là trắng và hồng. Sau khi hoa tàn thì sẽ kết thành quả, quả có màu xanh khi chưa chín và màu vàng khi chín. Trái mai mơ có vị ngọt, mùi thơm.

Cây bạch mai: Hoa bạch mai tương tự như dáng hoa sứ, màu trắng trong, có từ 6-8 cánh, nhụy vàng, có mùi thơm thoang thoảng, thuộc loại hoa quý hiếm. Cây mai trắng rất khó chăm sóc, có nhiều ở núi Bà Đen (Tây Ninh), Bến Tre, Hà Tiên.

Cây bạch mai

Cây bạch mai

Cây hoàng mai: Còn có tên gọi khác là mai vàng, lạp mai. “Lạp” có nghĩa là sáp ong, được ví như màu vàng tươi của hoa mai vàng. Hoàng mai chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Tại Việt Nam, mai vàng có ở rất nhiều nơi như trong các khu rừng thuộc dãy Trường Sơn, các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Cây mai chiếu thủy: Là loại cây đa niên, gốc to, nhiều nhánh. Cây mai chiếu thủy cao khoảng 1,5 mét, lá dài, nhỏ và mọc thành đôi. Hoa mọc thành chùm li ti, có 5 cánh, màu trắng tuyền, mùi hương dễ chịu. Cuống hoa luôn hướng xuống đất nên được gọi là hoa chiếu thủy.

Cây mai chiếu thủy

Cây mai chiếu thủy

Mai xanh: Là loại cây mai được trồng phổ biến và có nguồn gốc từ Trung Mỹ, Mexico. Mai xanh là cây thân leo, thân cây sần sùi, màu nâu xám, chiều dài thân có thể lên đến 1012 mét. Tại Việt Nam, mai xanh có 2 loại phổ biến đó là giống hoa mai Thái và giống mai hoa xanh Đà Lạt.

Mai cúc: Là loài cây thân gỗ, nhiều nhánh và có nguồn gốc từ Bình Định. Nếu được chăm sóc tốt thì hoa mai cúc có thể đạt tới 150 cánh. Mai cúc giống cao khoảng 30cm có giá 150.000 đồng/cây còn mai cúc lớn cao khoảng 1,5 mét có giá 3.9 triệu đồng.

Cây mai cúc

Cây mai cúc

Mai đại lộc: Là dòng đọt đỏ quý hiếm nên được rất nhiều người yêu thích. Hoa mai đại lộc có cánh khít, tròn, màu sắc sặc sỡ, nở rộ, số lượng cánh từ 24  56. Mai đại lộc là biểu tượng của sự may mắn, khởi đầu tốt lành, thịnh vượng.

Cây hồng mai: Loại hoa mai này được mọi người biết đến nhiều với tên gọi nhất chi mai. Nhất chi mai thuộc cây thân gỗ, gốc to xù vì; lá nhỏ có màu xanh non, phân đầu nhọn như hình mũi mác. Hoa nhất chi mai nhỏ với nhiều cánh mỏng, ban đầu có màu trắng sau đó sẽ dần chuyển sang đỏ. Hoa hồng mai có thể mọc đơn bông hoặc thành chùm, được trồng phổ biến ở miền Nam.

Nhất chi mai

Nhất chi mai

3. Ý nghĩa của hoa mai

Tết ở miền Bắc thì có hoa đào còn miền Nam có hoa mai. Màu vàng của hoa mai từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự giàu sang, phú quý. Vào ngày Tết, mọi người thường chưng hoa mai với ước mong một năm mới phát tài, giàu sang. Trong quan niệm của nhiều người, hoa mai nhà ai nở càng nhiều thì nhà đó càng may mắn, sung túc trong năm mới.

Cây mai cắm rễ sâu vào lòng đất, không gục ngã trước gió bão, chịu đựng được mọi loại thời tiết ngay cả thời tiết khắc nghiệt. Vậy nên, hoa mai còn tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại, sự hy sinh cao cả và bền bỉ của con người Việt Nam. Hoa mai là biểu tượng của sự cao thượng, quyền quý.

Hoa mai tượng trưng cho sự nhẫn nại, hy sinh, cao sang

Hoa mai tượng trưng cho sự nhẫn nại, hy sinh, cao sang

Trước khi Mãn Giác Thiền sư viên tịch đã viết:

“Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai”

Dân gian còn cho rằng nếu hoa mai nở càng nhiều cánh thì lộc sẽ càng nhiều. Và đặc biệt hơn nếu cây mai nhà ai nở toàn hoa mai 7 cánh thì nhà đó sẽ “đại cát đại lợi”.

Những bông hoa mai vàng nở rộ trong tiết trời mùa xuân còn mang đến niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết và sự gắn bó giữa mọi người với nhau. Mai vàng nở đầu năm như mang đến sự phồn vinh, hạnh phúc của cả năm.

Hoa mai nở càng nhiều vào dịp Tết thì càng may mắn

Hoa mai nở càng nhiều vào dịp Tết thì càng may mắn

Cũng vì lẽ đó, dù tất bật với mọi thứ nhưng không một ai là quên chuẩn bị một chậu mai hay cành mai để dâng tổ tiên và trang trí vào ngày Tết. Việc trưng cây mai trong ngày Tết đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Việt Nam, có ý nghĩa về mặt tinh thần to lớn trong mỗi gia đình.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa mai

4.1. Kỹ thuật nhân giống cây hoa mai

Cây hoa mai được nhân giống bằng nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất đó là gieo hạt và chiết cành. Mỗi phương pháp sẽ có ưu điểm riêng, cụ thể:

● Phương pháp gieo hạt: Khi gieo hạt bạn sẽ có số lượng nhiều cây mai con, có thể sống từ 30-40 năm nếu được phát triển tự do. Tuy nhiên, cây mai mới sẽ không mang những đặc tính tốt từ cây mẹ, chẳng hạn như ít cành hơn, hoa lá nhỏ, màu sắc cánh hoa khác,...

● Phương pháp chiết cành: Ưu điểm của phương pháp này đó là vẫn giữ được đặc tính tốt từ cây giống ban đầu. Khi chiết cần phải lựa chọn những cành nhỏ, khỏe mạnh rồi cắt khoanh vỏ dài 3-4cm. Tiếp đó, dùng hỗn hợp đất trộn với xơ dừa, phân chuồng,...bó quanh vết cắt. Sau đó bạn tưới nước, chăm sóc khoảng 3 tháng thì bầu đất đã có nhiều rễ bạn tiến hành cắt nhánh khỏi cây mẹ.

4.2. Kỹ thuật trồng cây mai vàng

● Thời vụ trồng mai: Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên gieo hạt vào tháng 2 âm lịch. Nếu trồng mai trong chậu thì nên chọn mai từ cuối tháng 10 âm lịch đến trước tháng 2 âm lịch năm sau. Đây là điều kiện tốt nhất để mai ghép cành, đâm chồi nảy lộc.

Thời điểm trồng cây hoa mai

Thời điểm trồng cây hoa mai

● Ánh sáng: Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình phát triển của mai vàng nên bạn cần đảm bảo mai tiếp nhận ánh sáng từ 6 giờ trở lên. Ở những nơi ít ánh sáng, cây mai sinh trưởng chậm, hoa ra ít.

● Đất trồng: Đất trồng cũng là yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mai. Hãy chuẩn bị đất tơi xốp, có độ mùn và chất dinh dưỡng cao bằng cách trộn đất cùng với xơ dừa, tro trấu, than bùn, phân chuồng hoai mục,...

● Tưới nước: Mai vàng là giống cây chịu được nắng hạn nên bạn có thể tưới nước 2 ngày/lần vào buổi sáng và chiều tối. Điều này, đảm bảo được việc cây mai không bị héo hay ngập úng.

● Bón phân: Trong quá trình trồng bạn hãy kết hợp bón phân với nhiều loại phân khác như đạm, lân,...Có thể sử dụng phân NPK với lượng phù hợp bón xa gốc cây và bón 2-3 lần/tháng. Để đạt hiệu quả cao thì bạn nên bón phân vào mùa mưa. Bên cạnh đó, sau khi thay đất cho cây mai khoảng 3-4 tháng thì bạn có thể bón thêm phân chuồng, phân gà vịt,...

● Mật độ trồng mai

+ Gieo hạt: Hạt mai còn tươi đem gieo ngay để đạt tỉ lệ nảy mầm cao trên 95%. Cứ 1m2 gieo 100 hạt, sau khi cây con cao khoảng 10cm thì đem trồng vào bầu hoặc sọt tre.

+ Trồng trong chậu: Nếu chậu nhỏ thì có thể bố trí 4 chậu/1m2 còn với chậu lớn thì bố trí 1 chậu/1-2m2 để đảm bảo đủ ánh sáng cho cây phát triển.

4.3. Cách giúp cây mai ra hoa đúng ngày

● Tuốt lá cây mai đúng thời điểm

Để mai vàng bung nở đúng vào dịp tết thì bạn cần phải biết cách tuốt lá và tuốt lá đúng thời điểm. Thời gian tuốt lá hoa mai phù hợp nhất đó là giữa tháng 12 âm lịch. Bạn cần xác định đúng thời điểm tuốt lá để đảm bảo vỏ trấu bung ra đúng vào ngày 23 tháng chạp. Có như vậy hoa mới nở đúng vào ngày tết.

Tuốt lá cây mai đúng thời điểm

Tuốt lá cây mai đúng thời điểm

● Cách xử lý cho mai vàng ra sớm

Trường hợp bạn tuốt lá trễ khiến cho hoa nở không đúng vào dịp tết, lúc này bạn cần áp dụng một số biện pháp sau:

+ Phun ướt những mầm hoa trong điều kiện trời nắng

+ Tưới nước ấm vào gốc trong điều kiện trời lạnh

+ Đặt nước đá lên mặt đất ở gần gốc mai

+ Tưới rửa nụ và búp hoa vào sáng sớm

+ Ngắt bỏ đọt non

+ Sử dụng một số loại thuốc để kích hoa ra sớm

● Cách xử lý cho mai ra hoa muộn

Dấu hiệu nhận biết hoa mai nở muộn đó là lá mai úa và nụ mai khá to. Cách xử lý lúc này là bạn cần phải tuốt lá muộn hơn dự kiến, khoảng vào ngày 20 tháng chạp. Tưới thêm phân NPK 502 hoặc phân lạnh urê pha loãng để hãm hoa mai nở sớm. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cách tưới phân loãng để kích thích hoa nở muộn, kìm hãm sự phát triển của hoa mai. Công thức pha như sau 1 muỗng cà phê phân ure pha cùng với 8 lít nước, mật độ tưới 5 ngày/lần.

4.4. Kỹ thuật chăm sóc cây mai sau Tết

● Kỹ thuật tỉa cành cây mai: Tùy theo hình dạng và kích thước ban đầu bạn tỉa cành phù hợp. Thường sẽ cắt bỏ 1/3 cành hoặc tỉa cành trên ngắn hơn hàng dưới giống như dáng cây thông. Thời điểm tỉa cành phù hợp là trước ngày 15 âm lịch và chậm nhất là ngày 20 âm lịch.

Tỉa bớt cành cho cây hoa mai

Tỉa bớt cành cho cây hoa mai

● Vệ sinh cây mai: Dùng vòi phun nước vào cây mai để loại bỏ rong rêu, nấm mốc ở thân cây. Hoặc sử dụng phân ure pha đặc phun vào cây, tránh không để chảy xuống gốc, đợi 10 phút rồi dùng bàn chải chà mạnh lên cây để loại bỏ nấm mốc.

Với các thông tin trên đây về cây hoa mai, hy vọng sẽ giúp ích bạn. Ngày nay, hoa mai không chỉ là biểu tượng cho ngày Tết của phương Nam mà biểu trưng cho ngày Tết của cả 3 miền. Nhiều gia đình miền Bắc, miền Trung cũng lựa chọn hoa mai để trưng trong những ngày Tết.