0963937586
Tư vẫn miễn phí 24/24
Ship code
Trên phạm vi toàn quốc
Thanh toán
Khi nhận hàng tại Hà Nội
Góc tư vấn

Phủ Tây Hồ - Ngôi đền linh thiêng bậc nhất Hà Nội

21:21 | 18/03/2024

Phủ Tây Hồ là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Nơi đây thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong “Tứ Bất Tử”, “mẫu nghi thiên hạ” của Việt Nam

Đến với Hà Nội du khách không nên bỏ qua Phủ Tây Hồ - một địa danh tâm linh nổi tiếng, một biểu tượng của Hà Nội. Phủ Tây Hồ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII và được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa vào ngày 13/2/1996. Nơi đây gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân đất Việt. Để biết Phủ Tây Hồ ở đâu? Phủ Tây Hồ thờ ai? Sự tích cũng như cấu trúc Phủ Tây Hồ thì bạn đừng bỏ qua những thông tin dưới đây.

1. Phủ Tây Hồ ở đâu? Hướng dẫn di chuyển đến Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ nằm ở bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, có phong cách nên thơ, trữ tình nên trở thành một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng Hà Nội. Du khách tới đây không chỉ để chiêm bái, cầu an mà còn để vãn cảnh, tìm hiểu văn hóa.

Phủ Tây Hồ là điểm đến linh thiêng tại Hà Nội

 

Phủ Tây Hồ là điểm đến linh thiêng tại Hà Nội

● Địa chỉ: Số 52 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.

● Giờ mở cửa: Từ 5h00 - 19h00 tất cả các ngày. Vào 2 ngày lễ chính 3/3 và 18/3 âm lịch hàng năm phủ sẽ đóng cửa muộn hơn.

● Giá vé: Phủ Tây Hồ miễn phí hoàn toàn với tất cả các du khách đến vãn cảnh, chiêm bái.

Nằm ở khu vực trung tâm nên việc di chuyển tới Phủ Tây Hồ rất dễ dàng và thuận tiện. Bạn có thể lựa chọn phương tiện cá nhân hoặc công cộng. Cụ thể:

Phương tiện cá nhân xe máy, ô tô: Bạn sẽ mất khoảng 30 - 40 phút di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội. Giá gửi xe máy, ô tô từ 5.000 - 20.000 đồng (tùy thời điểm). Tùy từng địa điểm xuất phát thì sẽ có các cung đường khác nhau để đến Phủ Tây Hồ. Bạn nên tham khảo trên ứng dụng Google Map để biết đường đi ngắn và chính xác nhất.

Phương tiện công cộng: Phương tiện công cộng bao gồm xe bus, xe taxi, xe ôm công nghệ. Nếu đi xe bus bạn lựa chọn các tuyến 13, 33 hoặc 51. Tuy nhiên, khoảng cách từ điểm bus đến Phủ Tây Hồ khá xa khoảng 5km. Chính vì thế, bạn nên lựa chọn đi xe ôm công nghệ. Trường hợp bạn đi cùng với nhóm đông người thì hãy đi xe taxi. Để không bị “chặt chém” thì bạn hãy lựa chọn những hãng taxi uy tín hay đặt xe trên các ứng dụng Grab, Xanh SM, Bee,...

2. Phủ Tây Hồ thờ ai? Sự tích Phủ Tây Hồ

Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Phủ Tây Hồ là nơi thờ Liễu Hạnh Công Chúa - một nhân vật trong truyền thuyết và là một trong “Tứ bất tử” của hệ thống điện thần (bao gồm Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).

Phủ Tây Hồ là nơi thờ Liễu Hạnh Công chúa

 

Phủ Tây Hồ là nơi thờ Liễu Hạnh Công chúa

Tương truyền rằng, bà chúa Liễu Hạnh là con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng bị đày xuống nhân gian vì đã làm vỡ ly ngọc quý. Khi ở hạ giới, Bà đã bị thu hút bởi vẻ đẹp sơn thủy hữu tình ở đảo Tây Hồ nên đã dừng chân ở nơi đây. Trong suốt khoảng thời gian ở đảo Tây Hồ, Bà đã diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan, giúp người dân an cư lập nghiệp.

Cũng theo truyền thuyết, Phủ Tây Hồ là nơi gặp gỡ của Chúa Liễu Hạnh và Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan. Trong một lần dạo chơi, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan đã ghé vào ngôi nhà nhỏ của nàng tiên nữ. Ngay ở lần gặp đầu tiên họ đã “tâm đầu ý hợp” và trở thành “tri âm tri kỷ” cùng nhau đánh đàn, ngâm thơ,...

Sau khi tới kinh thành bái kiến vua, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trở về tìm nhưng bà đã đi mất. Để tưởng nhớ đến người tri âm ông đã cho lập đền thờ Chúa Liễu Hạnh và Phủ Tây Hồ được xây dựng, tồn tại cho đến ngày nay.

3. Cấu trúc phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ được xây dựng với phong cách kiến trúc truyền thống mang đậm chất dân gian của người Việt. Bên trong khuôn viên được trang trí bởi những bức tranh đắp nổi, điêu khắc hình tượng tứ long, tứ quý, long phượng trình tường, thanh hữu bạch hổ.

Tại khu vực cổng Tam quan của Phủ Tây Hồ là không gian sân rộng rãi. Bên phải sân là Lầu Cô còn bên trái là Lầu Cậu. Bước vào cổng Tam quan bạn sẽ như bước vào mật cung, động Sơn Trang có kiến trúc ba gian. Sau cổng Tam quan là khu vực tiền đường, trung đường.

Phủ Tây Hồ là một quần thể bao gồm Phủ chính, Điện Sơn Trang và Lầu cô, lầu cậu được bố trí từ trong ra ngoài.

3.1. Phủ chính

Phủ chính có kiến trúc 3 nếp nên các ban thờ của Phủ cũng được phân chia thành 3 lớp tương tự như 3 nếp của Tam quan. Lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan. Tiếp đến, lớp thứ hai sẽ là cung Tam tòa - ban thờ này không có tượng mà chỉ có ngai và nơi đây không thờ Tứ phủ chầu Bà. Lớp thứ ba là thờ Tam tòa Thánh Mẫu.

Phủ chính ở Phủ Tây Hồ

 

Phủ chính ở Phủ Tây Hồ

Nơi thâm nghiêm và sâu nhất chính là hậu cung, chính giữa là ban thờ Mẫu và Tam tòa Thánh Mẫu. Tượng Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa, mặc áo đỏ, trùm khăn đỏ. Bên trái thấp hơn là Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh trùm khăn xanh. Bên phải là ban thờ Mẫu Thoải mặc áo trắng trùm khăn trắng. Ba vị Mẫu là đại diện cho năng lực tạo nên chúng sinh muôn loài, là cội nguồn của sự sống và mang tới cho con người cuộc sống hạnh phúc, ấm lo.

Du khách sẽ để lễ tại ban này đầu tiên khi tới Phủ Tây Hồ.

Bên gian ngoài là nơi thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu và hội đồng các quan, quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười. Khi đã lễ tại ban thờ Mẫu thì đây sẽ là ban thờ lễ thứ hai của Phủ.

3.2. Điện Sơn Trang

Điện Sơn Trang là nơi thờ Thượng Ngàn Thánh Mẫu - vị Mẫu đứng thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu và được đặt bên phải phủ chính. Mặc dù, Thượng Ngàn Thánh Mẫu đã có trong hệ Tam tòa nhưng ở đền Mẫu vẫn có ban thờ Chúa Sơn Trang riêng.

Điện Sơn Trang

 

Điện Sơn Trang

Ở Điện Sơn Trang còn có chầu lục chầu bé cùng 12 cô sơn trang đi theo hầu Mẫu Thượng Ngàn. Tượng Ngũ Hổ được thờ ở Hạ Ban - bàn thờ phía dưới của ban thờ Công Đồng. Hai ông Lốt (ông rắn màu xanh và màu trắng) quấn quanh hai thành xà ngang thuộc tầng cao nhất của điện. Điện Sơn Trang là nơi du khách lễ khi hoàn thành lễ tại Phủ chính.

3.3. Lầu Cô, Lầu Cậu

Được đặt trong sân theo hai hướng tả hữu. Đây là nơi thờ những người hầu cận của Quan trong Phủ. Sau khi lễ tại Điện Sơn Trang, du khách sẽ lễ tại lầu Cô, lầu Cậu.

Lầu Cô Lầu Cậu

 

Lầu Cô Lầu Cậu

4. Phủ Tây Hồ cầu gì? Hướng dẫn đi lễ Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ là điểm đến linh thiêng. Vậy nên, khi đi lễ tại đây bạn cần biết những điều quan trọng sau để “sở cầu như nguyện”.

4.1. Đến Phủ Tây Hồ cầu gì?

Theo quan niệm dân gian, Phủ Tây Hồ là nơi cầu sức khỏe, công danh, tài lộc và may mắn. Vậy nên, nơi đây thu hút rất đông người dân và du khách thập phương đến dâng hương, hành lễ.

Đến Phủ Tây Hồ cầu công danh, sự nghiệp,...

 

Đến Phủ Tây Hồ cầu công danh, sự nghiệp,...

4.2. Hướng dẫn sắm lễ Phủ Tây Hồ

Lễ vật cần chuẩn bị bao gồm:

● Lễ đồ sống: Gạo, muối, trứng, xôi chè,...

● Lễ đồ mặn: Thịt gà, thịt heo, giò, chả,...

● Lễ ban thờ lầu Cô, lầu Cậu: Hương, hoa quả, mũ áo, gương lược,...

4.3. Trình tự hành lễ ở Phủ Tây Hồ

Vì là địa điểm tâm linh bậc nhất nên khi đến Phủ Tây Hồ bạn cần nắm rõ lịch trình, thứ tự hành lễ. Đầu tiên, bạn thắp hương và dâng lễ tại phủ chính rồi mới đến Điện Sơn Trang và cuối cùng là lầu Cô, lầu Cậu.

Trình tự hành lễ ở Phủ Tây Hồ

 

Trình tự hành lễ ở Phủ Tây Hồ

Đợi hương cháy hết hoặc cháy được 2/3 thì hạn hạ lễ và hóa tiền vàng. Việc hạ lễ và hóa tiền vàng cũng cần được thực hiện theo thứ tự từ ban chính cho đến ban thờ khác để đảm bảo sự tôn trọng cũng như lòng thành kính với thần linh.+

4.4. Bài khấn Phủ Tây Hồ

Hương tử chúng con kính lạy:

- Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chế thắng Hòa Diệu, Đại vương “Tối linh chí linh”

- Mẫu Đệ nhất thiên tiên!

- Mẫu Đệ nhị thượng ngàn!

- Mẫu Đệ tam thủy cung!

Hương tử con là: [Ghi tên và thông tin cá nhân của người cúng lễ]

Ngụ tại: [Ghi địa chỉ hoặc nơi cư trú của người cúng lễ]

Hôm nay là ngày: [Ghi ngày tháng năm]

Tại: Phủ Tây Hồ phường Quảng Bá, Quận Tây Hồ.

Thành tâm kính dâng lễ vật: [Liệt kê các lễ vật được dâng]

Cung thỉnh Tam Tòa Thánh Mẫu, vua cha Ngọc Hoàng, Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh, Hội đồng các quan, Bát bộ sơn trang, Thập nhị quan Hoàng, Thập nhị chầu cô, Thập nhị quan cậu, Ngũ lôi thiên tướng, Ngũ hổ thần quan, Thanh bạch xà thần linh, chấp kỳ lễ bạc chứng giám cho con được hưởng: Gia quyến bình an, đắc lộc, đắc tài, đắc thọ, bách sự như ý….

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Cẩn tấu!

4.5. Lưu ý khi tới Phủ Tây Hồ

Dù bạn đến Phủ Tây Hồ để thăm quan, vãn cảnh hay dâng hương, chiêm bái thì cần lưu ý những điều quan trọng sau:

● Lựa chọn trang phục lịch sự, gọn gàng; tránh mặc áo, quần, váy ngắn.

● Không được đặt tiền, vàng mã, lễ mặn ở trên bàn thờ Bồ tát, bàn thờ Phật mà hãy chuẩn bị tiền lẻ để vào hòm công đức.

● Vào dịp Tết nguyên đán, ngày rằm mùng 1 và 15 hàng tháng nơi đây rất đông nên bạn hãy thu xếp thời gian hợp lý.

● Giữ gìn vệ sinh chung, không tự ý sờ hay làm hỏng các tượng, vật dụng của Phủ Tây Hồ.

● Nếu muốn quay phim, chụp ảnh bạn cần xin phép Ban quản lý và đừng quên dâng hương, hành lễ trước khi chụp ảnh, quay phim.

● Vì là nơi đông người nên bạn cũng cần phải chú ý đến việc bảo vệ tài sản cá nhân.

Hy vọng rằng, các thông tin có trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về Phủ Tây Hồ. Nếu có dịp tới Hà Nội bạn đừng quên tới Phủ Tây Hồ chiêm bái, dâng hương nhé! Truy cập loiphong.vn để khám phá thêm nhiều địa điểm tâm linh nổi tiếng khác ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Địa chỉ cửa hàng: La Khê, Hà Đông, Hà Nội.
Địa chỉ xưởng: QL21B, Mã Não, Kim Bảng, Hà Nam
ĐT: 096.393.7586
Email: dotholoiphong@gmail.com